Đại dịch COVID-19 gây suy thoái hay khủng hoảng kinh tế thế giới?
Đại dịch COVID-19 gây suy thoái hay khủng hoảng kinh tế thế giới?
Các chuyên gia cảnh báo về nguy cơ suy thoái mỗi lúc một tăng ở Mỹ, châu Âu và cả thế giới giữa lúc các biện pháp ngăn chặn virus corona đang làm đóng băng nhiều lĩnh vực của nền kinh tế.
Thế giới đang chứng kiến điều gì, suy thoái hay khủng hoảng? Sự khác biệt ra sao? Sau đây là một số giải thích của đài Al Jazeera.
Suy thoái là gì?
Suy thoái thông thường được định nghĩa là 2 quý liên tiếp (6 tháng) kinh tế tăng trưởng âm.
Ở Mỹ, Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia (NBER) định nghĩa suy thoái là “sự suy giảm đáng kể trong hoạt động kinh tế trên khắp các lĩnh vực, kéo dài trong nhiều tháng và thể hiện qua các chỉ số như GDP thực, thu nhập thực, tỉ lệ thất nghiệp, sản xuất công nghiệp, bán buôn – bán lẻ…
“Thực” ở đây có nghĩa là đã điều chỉnh theo lạm phát. GDP là giá trị hàng hoá, dịch vụ do một nền kinh tế tạo ra trong một giai đoạn nhất định.
Suy thoái có thể kéo dài trong bao lâu?
Mọi thứ còn tuỳ. Theo định nghĩa của NBER, một đợt suy thoái không nhất thiết phải kéo dài ít nhất 6 tháng, trong khi một số có thể dài hơn 1 năm.
Lần đại suy thoái gần nhất ở Mỹ bắt đầu vào tháng 12-2007 và kéo dài đến tận tháng 6-2009, 18 tháng tổng cộng. Nigeria rơi vào suy thoái từ đầu năm 2016 và không ngóc đầu lên được cho đến tận quý 2-2017.
Tại sao gọi là “đại suy thoái”?
Gọi là “đại suy thoái” vì đó là giai đoạn tồi tệ nhất Mỹ từng trải qua kể từ sau cuộc Đại khủng hoảng (Đại suy thoái) năm 1929. Cách gọi này càng đúng vì đó là lần suy thoái dài nhất trong 17 đợt suy thoái sau này.
Khủng hoảng kinh tế là gì?
Không có định nghĩa chuẩn cho “khủng hoảng kinh tế”. Nhìn chung, khi một quốc gia trải qua giai đoạn kinh tế xuống dốc kéo dài trong nhiều năm, thay vì vài quý, thì đó chắc chắn là khủng hoảng kinh tế.
Ví dụ, cuộc Đại khủng hoảng nổ ra năm 1929 ở Mỹ kéo dài đến tận năm 1939.
Đại dịch COVID-19 có thể kích hoạt một đợt suy thoái?
Hầu hết các nhà kinh tế đều dự báo như thế. Tuần trước, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm trong năm nay, và thế giới đang đối mặt với “một trận suy thoái tương đương, hoặc tệ hơn khủng hoảng tài chính 2008”.
Nhiều nhà kinh tế của Phố Wall cũng chia sẻ dự báo đó. Goldman Sachs ước tính sản lượng kinh tế của Mỹ sẽ giảm 24% trong tháng 4-6 so với năm trước, riêng tỉ lệ thất nghiệp có thể đạt 9% trong những tháng tới.
Capital Economics thì dự báo tăng trưởng của Mỹ trong quý 2 sẽ giảm 40%, thất nghiệp lên đến 12%.
Vậy khả năng khủng hoảng kinh tế là bao nhiêu?
Không ai biết chắc. Một vài chuyên gia cho rằng hoạt động kinh tế có thể bật lên trong nửa cuối năm nay, nhưng nó còn phụ thuộc vào các gói kích cầu, khi nào dịch COVID-19 kết thúc và nhiều yếu tố khác.
Tại sao những ngày qua từ “khủng hoảng kinh tế” và “virus corona” cứ xuất hiện cùng nhau?
Lý do là các nhà phân tích so sánh mức độ nghiêm trọng và bất thình lình của lần suy giảm kinh tế này với những gì xảy ra năm 1929.
Những “cựu binh” của khủng hoảng tài chính 2008 nghĩ gì?
Nhà kinh tế Nouriel Roubini, người từng cảnh báo về cuộc khủng hoảng 2008 từ đầu năm 2006, cho rằng khả năng kinh tế hồi phục trong năm nay là rất thấp.
Trong bài viết đăng trên trang Project Syndicate, ông Roubini – biệt danh Dr Doom – phân tích rằng phản ứng y tế ở các nước phát triển không đủ để ngăn chặn dịch COVID-19, còn các gói kích cầu “không đủ lớn, hoặc không đủ nhanh, để tạo điều kiện cho sự phục hồi đúng thời điểm”.
Vì những lý do trên, ông dự báo “nguy cơ một cuộc đại khủng hoảng mới đang tăng lên từng ngày”.
Trong một ý kiến khác, ông Ben Bernanke, cựu chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), người từng lèo lái nước Mỹ qua khủng hoảng 2008, so sánh cú sốc kinh tế do COVID-19 “gần hơn với một thảm hoạ tự nhiên thay vì một cuộc khủng hoảng kinh điển kiểu thập niên 1930”.