24/01/2025

Mô hình Đức trong cuộc chiến chống Covid-19

Mô hình Đức trong cuộc chiến chống Covid-19

Việc triển khai xét nghiệm trên diện rộng  một cách nhanh chóng giúp Đức sớm nhận ra tình hình nghiêm trọng để ứng phó với đại dịch Covid-19.
Bác sĩ ở Đức lấy mẫu từ tài xế lái xe để xét nghiệm Covid-19	  /// Ảnh: AFP

Bác sĩ ở Đức lấy mẫu từ tài xế lái xe để xét nghiệm Covid-19  Ảnh: AFP
Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, tính đến ngày 31.3, Đức có hơn 67.000 ca nhiễm Covid-19  với khoảng 650 trường hợp tử vong. Mặc dù là nước có số người nhiễm bệnh cao thứ 5 thế giới, nhưng tỷ lệ tử vong được xem là thấp nhất so với các vùng dịch lớn khác như Mỹ, Trung Quốc, Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Iran hay Anh.

Đi trước đón đầu

Cuối tháng 1, trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên của Đức được xác nhận ở bang Bavaria. Người này làm việc cho một công ty có hai nhà máy ở Vũ Hán, nơi khởi phát dịch bệnh ở Trung Quốc. Chỉ trong vòng 2 ngày, chính quyền địa phương ở Đức xác định xong nguồn lây nhiễm, khoanh vùng và cách ly, đồng thời triển khai xét nghiệm trên diện rộng.
Theo AFP dẫn tài liệu của Bộ Nội vụ Đức, nước này đang thực hiện 300.000 – 500.000 xét nghiệm Covid-19 mỗi tuần. Tuy nhiên, chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel muốn nâng lên ít nhất 200.000 xét nghiệm mỗi ngày. Mục tiêu của Đức là xét nghiệm tất cả người có triệu chứng cũng như toàn bộ người đã tiếp xúc các trường hợp dương tính được xác nhận. Tài liệu của Bộ Nội vụ Đức nhấn mạnh phương pháp này nhằm chuyển từ “xác nhận tình hình” sang “đi trước đón đầu”. Trong khi đó, các nước châu Âu khác thường chỉ xét nghiệm những người có triệu chứng rõ ràng.

Đức điều trị bệnh nhân cho các nước châu Âu

Mô hình Đức trong cuộc chiến chống Covid-19

Nhân viên y tế vận chuyển bệnh nhân Covid-19 người Pháp đến Đức điều trị  Ảnh: AFP

Đức đã bắt đầu tiếp nhận và điều trị các bệnh nhân Covid-19 từ các nước khác ở châu Âu, trong đó có Ý. Theo đó, một số bệnh nhân Covid-19 ở Pháp đã được chở bằng máy bay của không quân Đức tới bang Baden-Wurttemberg, miền đông nam nước Đức, để điều trị. Ngoài ra, hàng chục bệnh nhân Ý cũng được chuyển tới Đức để điều trị Covid-19. Động thái này diễn ra khi nhiều nước ở châu Âu đang lâm vào tình trạng quá tải do có quá nhiều bệnh nhân, trong khi thiếu trang thiết bị lẫn bệnh viện để điều trị.

“Chúng tôi đã có thể nhanh chóng nhận ra tình hình nghiêm trọng như thế nào (khi vi rút được phát hiện ở châu Âu) và chúng tôi đã đi đầu trong vấn đề chẩn đoán”, ông Christian Drosten, Giám đốc vi rút học tại Bệnh viện Charite của Berlin, nói với tờ South China Morning Post. Bên cạnh đó, ông cho biết Đức có mạng lưới phòng thí nghiệm tiên tiến và độc lập dày đặc khắp đất nước để giúp thực hiện và quản lý các xét nghiệm một cách rộng khắp và nhanh chóng. “Đó là lý do chúng tôi đi trước đón đầu so với các quốc gia khác”, ông Drosten nói.
Bên cạnh việc xét nghiệm sớm trên diện rộng, một “vũ khí” được xem là quan trọng khác mà Đức sử dụng trong cuộc chiến chống dịch lần này là tận dụng tối đa dữ liệu từ điện thoại thông minh. Theo đó, dữ liệu về địa điểm của người dùng có thể giúp chính quyền truy vết, theo dõi chính xác hơn và cách ly những người có khả năng nhiễm vi rút. Theo AFP, hướng đi này của Đức rất tương đồng với mô hình sàng lọc quyết liệt mà Hàn Quốc đã thực hiện để kiềm chế dịch.
Cùng với các biện pháp trên, chính phủ Đức cũng đã triển khai việc hạn chế đi lại, cấm tụ tập nhiều hơn 2 người tại nơi công cộng nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, theo Bloomberg.

Hệ thống y tế tốt

Lý giải về ttỷ lệ tử vong thấp ở Đức, các chuyên gia còn cho rằng một trong những nhân tố là hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt của nước này. Theo South China Morning Post, Đức là một trong những nước có tỷ lệ bệnh viện/dân số cao nhất thế giới với 1.900 bệnh viện/82 triệu người. Mặc dù trước nay bị xem là lãng phí, nhưng khi dịch bệnh xảy ra, nó chứng tỏ được hiệu quả. Theo thống kê, Đức có số lượng giường bệnh chăm sóc đặc biệt trên đầu người vào hàng cao nhất ở châu Âu, cụ thể là 29 giường/100.000 dân, so với 13 ở Ý, 12 ở Pháp, 10 ở Tây Ban Nha và 7 ở Anh.
Việc cảnh báo sớm và chuẩn bị trước cũng giúp Đức chủ động hơn trong đối phó với dịch. “Trên toàn quốc, các bệnh viện ở Đức đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và sẵn sàng”, bác sĩ và chuyên gia y tế Christoph Specht nói. Bên cạnh đó, cấu trúc Gesundheitsamt (tức cơ sở y tế công cộng) được tổ chức chặt chẽ, thực thi nghiêm ngặt các quy tắc và quy định về vệ sinh và chăm sóc sức khỏe ở Đức cũng giúp nước này hạn chế được tỷ lệ tử vong.
Một yếu tố khác được các chuyên gia lưu ý là vì nhóm người cao tuổi ở Đức, vốn dễ nhiễm và có tỷ lệ tử vong cao, đến nay vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều như các nước khác. Theo tờ The New York Times, các bang ở Đức đã cấm việc thăm người lớn tuổi từ rất sớm. Các nhà lập pháp thì đưa cảnh báo khẩn về việc hạn chế tiếp xúc với người già. Ban đầu nhiều người thấy đó là cách ly nhưng khi xem kết quả thì rõ ràng là có hiệu quả trong việc bảo vệ người lớn tuổi trong dịch bệnh này.
Tuy vậy, giới chức Đức vẫn rất thận trọng trong cuộc chiến chống Covid-19. Hôm 18.3, trong bài phát biểu hiếm hoi trên truyền hình gửi tới toàn dân, Thủ tướng Merkel nói: “Hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng ta có lẽ là một trong những hệ thống tốt nhất trên thế giới. Nhưng dịch bệnh cho chúng ta thấy chúng ta thực sự dễ bị tổn thương và phụ thuộc lẫn nhau như thế nào”. Ông Lothar Wieler, người đứng đầu mảng kiểm soát dịch bệnh của Viện Robert Koch, cảnh báo tình trạng bệnh viện quá tải và thiếu trang thiết bị y tế ở Ý cũng có thể xảy ra ở Đức. Thêm vào đó, Đức hiện đang thiếu nhân sự y tế. Nhiều bệnh viện đã phải mời lại bác sĩ về hưu và sinh viên y khoa để chống Covid-19.
NGỌC MAI
TNO