22/01/2025

Nông dân sẽ bị ‘đè’ giá lúa

Nông dân sẽ bị ‘đè’ giá lúa

Nhiều doanh nghiệp và địa phương cho biết nếu buộc phải ngưng xuất khẩu để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, Nhà nước cần có những giải pháp tiêu thụ hết lúa cho dân, đảm bảo nông dân có lãi sau nhiều năm giá lúa đứng ở mức thấp.

 

Nông dân sẽ bị đè giá lúa - Ảnh 1.

Người dân thu hoạch lúa đông xuân những ngày cuối tháng 3-2020 tại huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu – Ảnh: CHÍ QUỐC

Với 90% lượng gạo xuất sang Trung Quốc là gạo nếp tính đến thời điểm hiện nay, việc Trung Quốc tăng mua 600% chứ tăng 6.000% cũng nên mừng vì VN có ăn gạo nếp đâu. Xuất khẩu nếp không ảnh hưởng gì đến an ninh lương thực cả. Nếu dừng xuất khẩu, nông dân trồng nếp sẽ cực kỳ khó khăn vì lúa thu hoạch về bán cho ai.

Ông Đỗ Hà Nam (chủ tịch Tập đoàn Intimex)

Số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy xuất khẩu gạo của Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2020 không tăng đột biến so với nhiều năm trở lại đây, trong khi lượng gạo nếp – loại gạo mà Việt Nam rất ít tiêu thụ – chiếm 90% trong số 66.000 tấn gạo mà Việt Nam xuất sang Trung Quốc từ đầu năm đến nay.

Nguy cơ ế 1 triệu tấn nếp

Ông Đỗ Hà Nam, chủ tịch Tập đoàn Intimex, cho biết trong 2 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 900.000 tấn gạo, trong đó có khoảng 380.000 tấn là gạo thơm, gạo nếp, tấm thơm và gạo japonica, những loại gạo mà nông dân được khuyến khích trồng để xuất khẩu, chứ không tiêu dùng trong nước. Mỗi năm Việt Nam có gần 1 triệu tấn nếp mà trong nước tiêu thụ rất ít, chỉ có thị trường Trung Quốc mua.

Chẳng hạn trong 2 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất sang Trung Quốc hơn 66.000 tấn gạo, trong đó có đến 90% là nếp. “Với 90% lượng gạo xuất sang Trung Quốc là gạo nếp tính đến thời điểm hiện nay, việc Trung Quốc tăng mua 600% chứ 6.000% cũng nên mừng vì Việt Nam có ăn gạo nếp đâu. Xuất khẩu nếp không ảnh hưởng gì đến an ninh lương thực cả. Nếu dừng xuất khẩu, nông dân sẽ cực kỳ khó khăn vì lúa thu hoạch về bán cho ai”, ông Nam nói.

Cũng theo ông Nam, với hệ thống cầu cảng hiện nay, mỗi tháng Việt Nam xuất khẩu khó vượt qua 60.000 tấn. Tháng cao điểm nhất là nhờ các tàu mua gạo đi châu Phi. Nhưng giá gạo Việt Nam đang đắt nên châu Phi chỉ mua tấm. “Vì vậy, việc lo lắng nguy cơ gạo Việt Nam bị ồ ạt xuất đi nước ngoài dẫn đến thiếu hụt lương thực trong nước rất khó xảy ra”, ông Nam khẳng định.

Nông dân sẽ bị đè giá lúa - Ảnh 3.

Theo đại diện Sở Công thương Cần Thơ, số lượng gạo đang còn trong kho của doanh nghiệp (DN) trên địa bàn này rất lớn, có thể lên đến hơn 10.000 tấn mỗi DN. Do đó, chỉ cần yêu cầu mỗi DN dự trữ 5.000 tấn, còn lại được bán để trả lãi vay ngân hàng, mua lúa cho người dân. “Những DN ký hợp đồng trước ngày 24-3 phải được giải quyết thông quan. Hợp đồng nào chưa ký thì giãn ra, tính toán và cân nhắc lại”, vị này đề nghị.

Đại diện của Đồng Tháp cũng cho biết địa phương này đang trúng mùa vụ đông xuân với sản lượng trên 1,4 triệu tấn lúa hàng hóa, tương đương 700.000 tấn gạo. Vụ hè thu đã xuống giống và đầu tháng 4 bắt đầu thu hoạch. 16 DN xuất khẩu trên địa bàn có lượng tồn kho hơn 100.000 tấn, chưa tính trong kho của hàng trăm DN cung ứng cho thị trường nội địa. Sau khi cân đối, lượng lúa gạo còn rất nhiều, khoảng 300.000 tấn.

“Bộ Công thương cần đề nghị Chính phủ cho tiếp tục xuất khẩu gạo, nhất là khơi thông các hợp đồng đã ký”, vị này nói.

Không có đột biến trong xuất khẩu gạo

Tại buổi làm việc với các DN xuất khẩu gạo mới đây, Bộ Công thương cho rằng tốc độ xuất khẩu gạo của Việt Nam đã tăng mạnh trong những tháng đầu năm, giá gạo nội địa cũng tăng nhanh 20-25% tùy từng chủng loại. Trong khi đó, dịch COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp, có khả năng dẫn đến rủi ro về an ninh lương thực cho đất nước nên bộ đã tham mưu cho Thủ tướng tạm ngưng thông quan xuất khẩu gạo.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Khánh, thứ trưởng Bộ Công thương, thừa nhận bộ mới chỉ dựa vào con số thống kê xuất nhập khẩu và sản lượng gạo dự kiến, chưa nắm được số lượng hợp đồng đã ký và tiến độ giao hàng của các DN. Trong khi đó, các DN khẳng định sản lượng gạo xuất khẩu không đến mức đáng lo ngại.

Nông dân sẽ bị đè giá lúa - Ảnh 4.

Hoạt động xay xát, chế biến gạo xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng sau lệnh tạm ngừng xuất khẩu gạo đột ngột – Ảnh: CHÍ QUỐC

Ông Nguyễn Ngọc Nam, chủ tịch VFA, cho biết tính đến ngày 15-3, Việt Nam chỉ mới xuất khẩu hơn 1,3 triệu tấn gạo, có tăng so với năm 2019 nhưng không đột biến so với các năm trước. Trong khi các DN hội viên của VFA (92 trong tổng số 187 DN có giấy phép xuất khẩu gạo) đang tồn kho 1,507 triệu tấn. Tổng hợp đồng đã ký là 1,364 triệu tấn, lượng gạo phải giao đến hết tháng 5 là 1,185 triệu tấn, các hợp đồng còn lại giao hàng đến tháng 12-2020.

Do đó, lượng gạo trong kho đủ để giao cho các đơn hàng đã ký. Các DN cũng thực hiện tốt quy định trữ 5% lượng xuất khẩu của 6 tháng gần nhất. “Chưa kể giá lúa mấy ngày nay tụt giảm. Nếu dừng xuất khẩu gạo, nông dân thu hoạch lúa bán cho ai? Chính phủ có dự trữ hay không? Đề nghị Bộ Công thương kiến nghị với Chính phủ tìm giải pháp để vừa đảm bảo an ninh lương thực vừa đảm bảo xuất khẩu”, ông Nam đề xuất.

Ông Nguyễn Thanh Truyền (giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An):

Nên cho xuất với hợp đồng ký trước 24-3

Sở NN&PTNT cùng Sở Công thương tỉnh Long An vừa kiến nghị Bộ Công thương trình Chính phủ xem xét việc tiếp tục cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã ký hợp đồng với các đối tác nước ngoài trước ngày 24-3 được tiếp tục thực hiện việc xuất khẩu. Sau thời điểm này, việc xuất khẩu gạo có thể được kiểm soát lại chặt chẽ, có lộ trình việc xuất khẩu.

Long An hiện có 24 doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang có các hợp đồng cung cấp trên 400.000 tấn gạo cho các đối tác nước ngoài, trong đó tập trung chủ yếu của các hợp đồng giao là từ đây đến tháng 7. Trong khi đó, vẫn còn khoảng 200.000 tấn gạo đang tồn kho, cộng với năng suất sau vụ đông xuân vừa qua được trên 1,3 triệu tấn lúa. Chưa kể việc số lượng gạo nếp chuyên dùng để xuất khẩu, khó tiêu thụ thị trường nội địa cũng đang chiếm số lượng lớn.

SƠN LÂM ghi

TRẦN MẠNH
TTO