23/12/2024

Đại dịch COVID-19: Vì sao ca hát giúp át nỗi sợ, sự cô đơn?

Đại dịch COVID-19: Vì sao ca hát giúp át nỗi sợ, sự cô đơn?

Từ ban công Ý đến nhà bếp Anh, Bỉ, Mỹ, mọi người ca hát như một cách để cảm thấy kết nối với nhau nhiều hơn. Điều gì khiến ca hát trở thành công cụ tuyệt vời như vậy giữa đại dịch COVID-19?
Ca hát là một cách tuyệt vời để tăng cường tâm trạng và nuôi dưỡng ý thức cộng đồng không chỉ trong đại dịch COVID-19
 /// Ảnh: Reuters

Ca hát là một cách tuyệt vời để tăng cường tâm trạng và nuôi dưỡng ý thức cộng đồng không chỉ trong đại dịch COVID-19 Ảnh: Reuters
Gần đây, hình ảnh người dân Ý ca hát, chơi nhạc bằng đủ thứ nhạc cụ ngoài ban công được lan truyền mạnh mẽ.
Giữa lúc hạn chế ra ngoài và tiếp xúc với nhau, họ chọn âm nhạc làm công cụ lên dây cót tinh thần cho chính mình và cho người khác. Xu hướng này lan nhanh sang Dallas (Mỹ), rồi Bỉ, Anh. Lời ca tiếng hát thành phương tiện khiến mọi người xích lại gần nhau trong hoàn cảnh đại dịch bùng phát, cách ly xã hội được triển khai.
Thật ra, không có gì ngạc nhiên về chuyện vào lúc sợ hãi và không chắc chắn như thời điểm COVID-19 hoành hành, chúng ta hát để cảm thấy tốt hơn. Các nghiên cứu đã nhiều lần chỉ ra rằng ca hát có sức mạnh thúc đẩy tâm trạng và thậm chí, nâng cao ngưỡng đau của chúng ta, theo Stylist.
Ca hát là một hoạt động chánh niệm. Khi hát, ta tập trung trọn vẹn vào khoảnh khắc hiện tại. Điều này giúp đánh lạc hướng ta khỏi những cảm xúc tiêu cực khác, và do đó, ảnh hưởng tích cực đến tâm trạng của chúng ta”, tiến sĩ Elena Touroni, nhà tâm lý học tư vấn và đồng sáng lập Phòng khám Tâm lý học Chelsea (Anh), giải thích với Stylist.
Ca hát cũng có khả năng giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến tâm trạng tích cực. “Hoạt động ca hát khuyến khích phóng endorphin và dopamine. Cả hai đều là những chất dẫn truyền thần kinh chịu trách nhiệm giúp chúng ta trải nghiệm niềm vui và sự thích thú. Các nghiên cứu còn phát hiện ra rằng lượng cortisol trong nước bọt giảm sau khi ta hát – cortisol là một loại hoóc môn gây căng thẳng, và do đó, ít cortisol dẫn đến giảm cảm giác căng thẳng và lo lắng”, Charlotte Armitage, nhà tâm lý học kinh doanh và truyền thông tại Học viện Điện ảnh và Truyền hình Yorkshire – YAFTA (Anh), nói trên Stylist.
Không phải đến đại dịch COVID-19 thì lợi ích “lên dây” tâm trạng của ca hát mới được phát hiện. Suốt lịch sử của mình, âm nhạc đã mang mọi người lại gần nhau và thúc đẩy ý thức cộng đồng. Từ những bài hát vang lên trong các nhà máy hồi Thế chiến 2 đến âm nhạc đóng vai trò gắn kết phụ nữ thời Phong trào Suffragette (Phong trào đòi quyền bầu cử cho phụ nữ tại Mỹ) đều vậy.
Các nghiên cứu cũng nhiều lần chứng minh rằng ca hát có thể khiến chúng ta thấy gần gũi nhau hơn. Nghiên cứu năm 2016 phát hiện, ca hát với người khác – ngay cả trong các nhóm lớn mà mọi người không biết nhau – thúc đẩy sự gắn kết xã hội. “Điều này làm giảm cảm giác cô lập mà mọi người hiện đang trải qua”, Charlotte Armitage chia sẻ.
Tóm lại, ca hát là một cách tuyệt vời để tăng cường tâm trạng và nuôi dưỡng ý thức cộng đồng nên không khó hiểu khi nó được phổ biến khắp thế giới, nhất là lúc đại dịch COVID-19 lan sang nhiều nước, theo Stylist.
TẠ BAN
TNO