22/01/2025

Bài học cho thế giới trước đại dịch

Bài học cho thế giới trước đại dịch

Trong bài bình luận độc quyền cho Thanh Niên, cựu Thủ tướng Thuỵ Điển Carl Bildt (ảnh) đặt ra vấn đề và hối thúc tìm lời giải để ngăn chặn đại dịch toàn cầu.
Đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và hạn chế tiếp xúc là những biện pháp đang được áp dụng để đối phó sự lây lan của dịch Covid-19	  /// Ảnh: AFP

Đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và hạn chế tiếp xúc là những biện pháp đang được áp dụng để đối phó sự lây lan của dịch Covid-19  Ảnh: AFP
Một mối đe dọa chưa từng thấy đòi hỏi một phản ứng cũng phải chưa từng có tiền lệ. Hiếm khi nào chính phủ các nước phải chuyển sang chế độ xử lý khủng hoảng nhanh như trong những tuần vừa qua. Cho đến nay, trọng tâm là các vấn đề cần kíp nhất về y tế, chính trị và kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra, như nó phải vậy. Nhưng dần dần, sự chú ý của các chính phủ sẽ phải chuyển sang những hậu quả lâu dài hơn của cuộc khủng hoảng cũng như cần phải ngăn chặn những thảm họa như vậy trong tương lai.

Bài học về trách nhiệm

Bài học cho thế giới trước đại dịch - ảnh 1

Đã từng có một số mối đe dọa sức khỏe toàn cầu trong vòng 2 thập niên vừa qua. Dịch SARS năm 2003, Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) năm 2012 và Ebola trong giai đoạn 2014 – 2016 là 3 ví dụ về sự bùng phát dịch bệnh đòi hỏi phải có phản ứng đa phương xuyên suốt. Mỗi dịch bệnh trên có đặc điểm riêng của nó: SARS bùng lên ở Trung Quốc, MERS ở Ả Rập Xê Út và Ebola ở Tây Phi. Thế nhưng bài học từ cả ba dịch bệnh trên lại đều tương tự nhau. Dịch bệnh và sự xuất hiện của các căn bệnh mới rất có thể là hệ quả của sự gia tăng dân số, đô thị hóa, phá rừng và quá trình sản xuất cũng như phân phối tập trung vào nhiều loài vật khác nhau. Và sự mở rộng của chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như thương mại quốc tế, chưa kể đến sự tăng trưởng trong vận tải hàng không quốc tế, cho phép các bệnh truyền nhiễm lây lan khắp thế giới nhanh hơn bao giờ hết.

Chỉ tính riêng trong thập niên qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phải tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp không dưới 6 lần. Rõ ràng chúng ta đã không thực hiện các bước cần thiết để ứng phó các đợt bùng phát dịch bệnh mới với những hành động nhanh chóng, quyết liệt có thể ngăn chặn vi rút Corona rơi vào vòng xoáy vượt tầm kiểm soát như hiện nay.
Đáng nhớ vào thời kỳ SARS (cũng do một vi rút Corona gây ra) khởi phát tại miền nam Trung Quốc vào cuối năm 2002, dịch bệnh này đã bị che giấu suốt hơn một tháng trước khi giới chức Trung Quốc nhận thức được sự nghiêm trọng của nó. Tương tự như vậy, những ngày đầu khi Covid-19 khởi phát, cảnh sát thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) cũng đã “bịt miệng” các chuyên gia y tế vốn cố gắng đánh động, và các cuộc tụ tập lớn trong cộng đồng vẫn được cho phép ngay cả khi nguy cơ bùng phát dịch đã trở nên rõ ràng.
Theo một nghiên cứu gần đây, nếu giới chức Trung Quốc công khai thừa nhận mối đe dọa và phản ứng đúng cách chỉ 3 tuần trước đó, sự lây lan của Covid-19 có thể đã giảm đi tới 95%. Thế nhưng, chính sự thờ ơ, tắc trách ngay vào thời điểm quan trọng ấy, đã khiến toàn thế giới hiện nay phải trả một cái giá quá lớn.

Cần một cơ chế toàn cầu

Mặc dù WHO đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại các mối đe dọa đối với y tế toàn cầu suốt những năm qua nhưng cũng chính tổ chức này bị chỉ trích vì phản ứng chậm chạp và quan liêu. Trên thực tế, trong cuộc khủng hoảng Ebola, chính Mỹ chứ không phải WHO giúp ngăn chặn căn bệnh này trở thành thảm họa rộng lớn hơn.
Trong mọi trường hợp, ngay cả khi phản ứng của WHO lần này tốt hơn thì rõ ràng chúng ta vẫn cần một cơ chế toàn cầu mạnh mẽ hơn để ứng phó với mối đe dọa của các đại dịch. Việc vấp ngã từ cuộc khủng hoảng này tới cuộc khủng hoảng khác không đơn giản là một lựa chọn. Covid-19 là đại dịch kinh khủng nhất kể từ khi dịch cúm Tây Ban Nha bùng phát vào năm 1918. Vì vậy, không có lý do gì để tin rằng cái tiếp theo sẽ không tệ hơn nữa.
Một thể chế toàn cầu mới cần có đủ thẩm quyền và phương tiện để can thiệp khi cần thiết nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh trong phạm vi quyền hạn của mình. Đạt được thỏa thuận về một cơ chế như thế sẽ không dễ về mặt chính trị, nhưng nó rất cần thiết để ngăn chặn những tranh cãi mang tính ngoại giao nhỏ gây cản trở nỗ lực ứng phó đại dịch toàn cầu.
Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, ngay cả khi Covid-19 rõ ràng đã là đại dịch, Trung Quốc vẫn không để Đài Loan tham gia vào các cuộc thảo luận toàn cầu về cách đối phó dù vùng lãnh thổ này cũng có dịch (Đài Loan là mấu chốt trong chính sách “một Trung Quốc” của Bắc Kinh, tuy nhiên Bắc Kinh và Đài Bắc có hệ thống y tế riêng rẽ – PV). Mỹ tiếp tục dồn ép Iran bằng các lệnh cấm vận, khiến cho Tehran càng khó khăn trong việc ứng phó dịch bệnh. Câu hỏi đặt ra là điều gì sẽ xảy ra nếu bệnh truyền nhiễm tiếp theo khởi phát ở Đài Loan hay Iran. Nếu có những rào cản trên thì sẽ lại ngăn chặn phản ứng ngay lập tức và chúng ta sẽ quay lại đúng kịch bản đang diễn ra.
Trong khuôn khổ hiện tại, nghĩa vụ báo cáo các mối đe dọa truyền nhiễm tới cơ quan quốc tế như WHO thuộc về chính phủ các quốc gia. Nếu có sự cải cách quan trọng, nghĩa vụ này sẽ được mở rộng cho nhân viên y tế lẫn y tế cộng đồng ở tất cả các cấp, nghĩa là từ các quốc gia đến cá nhân. Việc chấp nhận “trách nhiệm báo cáo” phổ biến sẽ khiến tình trạng che giấu thông tin trở nên khó khăn hơn, giúp việc đưa ra các phản ứng đa phương trở nên đỡ tốn thời gian hơn.
Với việc các nước đóng cửa biên giới để ứng phó với khủng hoảng Covid-19, một số nhà quan sát cho rằng kỷ nguyên toàn cầu hóa dường như đã kết thúc. Tuy nhiên, xu thế gia tăng dân số, đô thị hóa vẫn tiếp tục và vi rút thì không “cầm hộ chiếu và quan sát biên giới các quốc gia”. Chỉ tính riêng trong thập niên qua, các mối đe dọa truyền nhiễm đối với sự ổn định và thịnh vượng toàn cầu đã xuất phát từ Trung Quốc, châu Phi và bán đảo Ả Rập. Điều này cho thấy mối đe dọa tiếp theo có thể bắt nguồn từ bất cứ đâu.
Giờ là lúc để thế giới cùng nhau xây dựng một cơ chế cảnh báo sớm cũng như hệ thống ứng phó mới và hiệu quả hơn. Đại dịch có thể tránh được nếu chúng ta bắt tay vào. Không có lý do gì để không làm mọi điều trong khả năng để thế giới ngăn chặn một đại dịch tiếp theo.
 (Ngọc Mai chuyển ngữ)

© Project Syndicate

CARL BILDT

(Cựu Thủ tướng, cựu Ngoại trưởng Thụy Điển)\

TNO