23/01/2025

Xài hết 600.000 tỉ đồng, dân bớt khó khăn

Xài hết 600.000 tỉ đồng, dân bớt khó khăn

“… Nay tình hình đã khác, khó khăn hơn, vì vậy phải gấp rút có các biện pháp nhằm bù đắp lại các thiệt hại về kinh tế để có mức tăng trưởng tốt nhất có thể….”

 

Xài hết 600.000 tỉ đồng, dân bớt khó khăn - Ảnh 1.

Bệnh viện Nhi Đồng TP (tại số 15 đường Võ Trần Chí, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh) sau 4 năm xây dựng từ nguồn đầu tư của Chính phủ – Ảnh: TỰ TRUNG

Theo ông Trương Văn Phước – thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng, để giúp nhau vượt khó, cần phải giải ngân hết 600.000 tỉ đồng vốn đầu tư công, kể cả tăng bội chi ngân sách để triển khai gói trợ cấp cho các đối tượng bị thiệt hại nặng do COVID-19.

Ông Phước phân tích: “Hai tháng trước, các tổ chức uy tín trên thế giới dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam không đạt được như chỉ tiêu đề ra là 6,8%. Nhưng nay tình hình đã khác, khó khăn hơn, vì vậy phải gấp rút có các biện pháp nhằm bù đắp lại các thiệt hại về kinh tế để có mức tăng trưởng tốt nhất có thể.

* Bù đắp suy giảm như thế nào, thưa ông?

– Trước đây chúng ta muốn kích cầu du lịch, tăng tiêu dùng, tăng xuất khẩu… để bù đắp thiệt hại. Nhưng nay các giải pháp này cũng khó thực hiện vì dịch bệnh lan ra toàn cầu, nhiều nước phong tỏa, chẳng còn ai đi du lịch, tiêu dùng trên thế giới cũng co lại vì mất việc nên phải thắt lưng buộc bụng.

Để bù đắp, bình thường chúng ta kêu gọi tăng đầu tư tư nhân, thu hút vốn nước ngoài, kêu gọi hình thức hợp tác công tư…

Nhưng nay các kênh này cũng gặp khó do dịch bệnh. Vì vậy, trước mắt, khi dịch qua đi, kênh hữu hiệu nhất là tăng đầu tư công và có ý nghĩa quyết định để không làm cho đời sống người dân khó khăn thêm. Đó là cách giúp nhau vượt khó trong khi chờ các hình thức đầu tư khác phục hồi sau dịch COVID-19.

Với đầu tư công, chúng ta đã có sẵn tiền, ước khoảng 600.000 tỉ đồng, gồm cả vốn của năm 2019 chuyển qua. Nếu chúng ta triển khai nhanh vốn đầu tư công ngay trong quý 2-2020 và giải ngân được hết 600.000 tỉ đồng này sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động và các doanh nghiệp.

Xài hết 600.000 tỉ đồng, dân bớt khó khăn - Ảnh 2.

Ông Trương Văn Phước

* Tuy nhiên thực tế đầu tư công luôn trong tình trạng chậm giải ngân, có tiền nhưng tiêu không hết?

– Chúng ta nên xem đẩy mạnh sử dụng vốn đầu tư công cũng như quả lên bóng tấn công ở phút 89. Nếu ghi được bàn, chúng ta sẽ thay đổi tình thế bởi tiêu được nhiều tiền sẽ góp phần bù đắp sụt giảm kinh tế do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đặc biệt là người lao động có việc làm và thu nhập.

Thời gian qua, giải ngân vốn đầu tư công chậm là do chúng ta ban hành nhiều luật, nghị định… để đảm bảo vốn đầu tư công không bị lãng phí, thất thoát. Trước dịch, việc kiểm soát chặt chẽ, sau dịch cũng phải chặt chẽ nhưng phải khác theo tinh thần chống dịch. Quốc hội, Chính phủ cần có những nghị quyết gỡ khó để đảm bảo vốn đầu tư công “chảy” ra xã hội.

Thậm chí cần phải lập những đoàn công tác ở trung ương, đi cả ba miền, đến từng công trình, dự án trọng điểm để gỡ khó. Nếu quá khó thì triển khai họp trực tuyến với Chính phủ để gỡ, làm mọi cách để đưa vốn ra một cách chặt chẽ, hiệu quả.

* Nhưng chỉ trông vào vốn đầu tư công đã bố trí liệu có đủ sức để duy trì công ăn việc làm và bù đắp phần suy giảm tăng trưởng kinh tế?

– Hiện nay các nước đều dùng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế. Nhưng chính sách tiền tệ cũng có giới hạn, vì thế xu hướng chung là sử dụng mạnh hơn chính sách tài khóa.

Vì vậy, việc tăng bội chi ngân sách cần được tính đến để có gói hỗ trợ, trợ cấp cho những đối tượng bị thiệt hại nặng nề do dịch COVID-19.

Quốc hội nên ủng hộ Chính phủ trong việc tăng bội chi để hỗ trợ người khó khăn. Chính phủ sẽ xác định chính xác đối tượng để tiền hỗ trợ đến đúng nơi. Người dân gặp khó được hỗ trợ, cùng với vốn đầu tư công lan tỏa ra xã hội sẽ giúp cuộc sống bớt khó khăn, tăng trưởng kinh tế cũng không bị vạ lây.

T.SƠN
TTO