Bung vốn công tạo thêm việc làm
Bung vốn công tạo thêm việc làm
8 dự án cao tốc Bắc – Nam phía đông sẽ được Chính phủ đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội cho chuyển từ đầu tư công – tư (PPP) sang đầu tư công. Nếu được chấp thuận, hơn 102.500 tỉ đồng là tổng mức đầu tư các dự án này sẽ do Nhà nước đảm bảo.
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống nhân dân trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19.
Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH-ĐT) chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị, Quốc hội cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư đối tác công tư sang công đối với 8 dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía đông.
“Vốn đầu tư công giải ngân tăng thêm 1% sẽ giúp GDP tăng thêm 0,06% điểm phần trăm. Nếu năm nay nguồn vốn này giải ngân được 100% kế hoạch sẽ giúp tăng trưởng thêm 0,42%.
Ông Nguyễn Bích Lâm (tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê)
Nguồn vốn là nội dung quan trọng nhất
Theo nghị quyết 52 của Quốc hội, dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía đông dài 654km được chia thành 11 dự án thành phần. Trong đó 3 dự án đầu tư công và 8 dự án theo hình thức đối tác công – tư (PPP) loại hợp đồng BOT. Tổng mức đầu tư 102.513 tỉ đồng gồm 51.702 tỉ đồng vốn BOT, 50.811 tỉ đồng vốn nhà nước.
Đến nay, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết 3 dự án đầu tư công đã được thi công gồm Cam Lộ – La Sơn (Quảng Trị) dài 98,3km với tổng mức đầu tư 7.669 tỉ đồng; Cao Bồ – Mai Sơn (Ninh Bình) dài 15,2km với tổng mức đầu tư 1.607 tỉ đồng; cầu Mỹ Thuận 2 dài 7km có mức đầu tư 5.003 tỉ đồng.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc xây dựng dự thảo báo cáo chuyển đổi hình thức đầu tư 8 dự án cao tốc Bắc – Nam phía đông từ đầu tư PPP sang đầu tư công, trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 27-3, ông Nguyễn Chí Dũng, bộ trưởng Bộ KH-ĐT, cho biết đang cùng Bộ GTVT và các bộ liên quan bàn bạc, xây dựng để sớm hoàn thiện dự thảo báo cáo trình Chính phủ, rồi đề xuất lên Bộ Chính trị, Quốc hội cho phép chuyển đổi sang đầu tư công.
Dù không chia sẻ chi tiết cụ thể về nguồn vốn sẽ lấy từ đâu để đầu tư cho 8 dự án nhưng ông Dũng cho rằng đây là một trong những nội dung quan trọng nhất cần phải tính toán chặt chẽ.
Ngoài 8 dự án cao tốc Bắc – Nam, Chính phủ cũng giao Bộ KH-ĐT nghiên cứu báo cáo chuyển dự án đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ (dài 23,6km) sang đầu tư công. Dự án này có tổng mức đầu tư 5.408 tỉ đồng.
Có thể tính đến phương án huy động vốn
Theo một lãnh đạo Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), rất có khả năng Chính phủ sẽ phải huy động thêm vốn để đầu tư cho 8 dự án này khi được Bộ Chính trị, Quốc hội chấp thuận chuyển sang dùng vốn ngân sách.
“Như chỉ đạo trước đây, chỉ có 3/8 dự án cao tốc Bắc – Nam sẽ chuyển sang đầu tư công thì phương án vốn được Bộ GTVT xem xét là Chính phủ không phải huy động thêm.
Nhưng khi cả 8 dự án chuyển sang sử dụng vốn công thì hơn 51.700 tỉ đồng lẽ ra dùng vốn tư nhân nay Nhà nước sẽ phải lo liệu. Việc huy động thêm vốn cũng nên tính đến vì tổng mức đầu tư của 8 dự án này là hơn 102.500 tỉ đồng” – vị này cho biết.
Liệu có thể chuyển vốn đầu tư công từ các dự án chậm giải ngân sang cho các dự án cao tốc Bắc – Nam hay không?
Đại diện Bộ Tài chính cho biết thực hiện ở thời điểm này là khó bởi hiện nay mới là cuối tháng 3, các chủ đầu tư đang hoàn tất các thủ tục đấu thầu… để giải ngân dự án. Do đó, nếu có cắt thì phải chờ đến cuối quý 3.
Giải ngân ngay cho dự án trọng điểm
Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công trong 3 tháng đầu năm nay, theo văn bản vừa báo cáo Thủ tướng, Bộ Tài chính cho biết các bộ ngành và địa phương đang tập trung giải ngân kế hoạch vốn năm 2019 còn lại và triển khai phân bổ kế hoạch vốn của năm 2020.
Nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước ước hết tháng 3 đạt thấp với hơn 61.591 tỉ đồng, bằng 13% kế hoạch năm. Đáng lưu ý là có tới 29 bộ ngành và 1 địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới 5% kế hoạch, trong đó 21 bộ ngành gần như chưa tiêu được đồng nào trong vốn đầu tư công.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Bích Lâm, tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng so với vốn đầu tư các khu vực khác như vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 5,4%, khu vực ngoài nhà nước tăng 4,2% thì đầu tư nhà nước đạt hơn 13% kế hoạch là mức khá. Đây là tín hiệu tích cực phản ánh kết quả việc Chính phủ đang thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng năm nay, ông Lâm cũng nhấn mạnh giải pháp đặt ra cho các bộ ngành cần tập trung đẩy nhanh giải ngân cho các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế như mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, đặc biệt là dự án cao tốc Bắc – Nam…
Ông Nguyễn Quốc Hùng (vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế – Ngân hàng Nhà nước):
Nhà đầu tư có 30-40% vốn, ngân hàng sẵn lòng cho vay thêm
Việc chuyển một loạt dự án cao tốc Bắc – Nam sang đầu tư công thay vì BOT sẽ hỗ trợ rất lớn cho nền kinh tế như tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động và doanh nghiệp ximăng, sắt thép, cầu đường… Qua đó chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế được hỗ trợ tích cực.
Về nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, trong đó có các dự án giao thông thì ngành ngân hàng luôn đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho các dự án khả thi. Ngân hàng huy động vốn để cho vay những dự án có nguồn trả đủ nợ gốc và lãi vay. Để ngân hàng cho vay, nhà đầu tư phải có năng lực tài chính chứ không thể trông đợi, dựa hoàn toàn vào vốn ngân hàng được.
Riêng về cho vay một số dự án giao thông BOT, BT, ngân hàng phải cân nhắc bởi thời gian giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án… có đảm bảo tiến độ hay không, đặc biệt là mức thu giá sử dụng BOT, BT. Nói vậy bởi hiện có một số dự án BOT giao thông không thực hiện thu mức phí như hợp đồng.
Trong trường hợp việc giảm phí hoặc không tăng phí như hợp đồng thì thời gian trả nợ thế nào? Đơn cử theo hợp đồng ban đầu, với mức phí 3 đồng thì thời hạn trả nợ là 10 năm nhưng nay mức phí chỉ còn 2 đồng thì liệu có đủ trả nợ cho ngân hàng hay không? Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, thấy rủi ro sao dám rót vốn vào. Nếu chủ đầu tư giao thông mà đảm bảo vốn tự có 30-40% thì ngân hàng cho vay ngay.
Ý kiến cho rằng doanh nghiệp nói chung và nhà đầu tư BOT, BT giao thông gặp khó, thậm chí không thể tiếp cận vốn ngân hàng vì thông tư 22 của Ngân hàng Nhà nước hạn chế tỉ lệ vốn ngắn hạn để sử dụng cho vay trung và dài hạn là 40% chỉ đúng một phần.
Quy định này nhằm đảm bảo chất lượng tín dụng, nền kinh tế phát triển lành mạnh. Tỉ lệ này tới đây còn tiếp tục giảm dần theo lộ trình, đến 1-10-2022 sẽ giảm còn 30% và áp dụng cho tất cả các ngành, lĩnh vực kinh doanh chứ không chỉ là dự án giao thông.
L.THANH