24/12/2024

Nghịch lý xuất khẩu gạo

Nghịch lý xuất khẩu gạo

Là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng nghịch lý là nông dân, những người trực tiếp sản xuất lúa gạo vẫn nghèo.
Xuất khẩu gạo không nên chạy theo số lượng mà cần nâng cao chất lượng /// Ảnh: Gia Khiêm

Xuất khẩu gạo không nên chạy theo số lượng mà cần nâng cao chất lượng  Ảnh: Gia Khiêm
Là một nước nông nghiệp với 70% dân số sống dựa vào nông nghiệp, xuất khẩu nông sản nói chung và xuất khẩu gạo nói riêng bao năm nay vẫn là thế mạnh của Việt Nam. Nghịch lý là trong khi chúng ta miệt mài tăng sản lượng rồi lại rơi vào tình trạng không biết bán cho ai nếu Trung Quốc không mua.

Chất lượng cũng là an ninh lương thực

Ngày 18.3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề: Việt Nam là một nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới mà an ninh lương thực chỉ xếp 54/113 trong khi Singapore lại đứng đầu thế giới. Theo bảng xếp hạng mà Thủ tướng đề cập, tổng điểm của Việt Nam là 64,6 điểm. Yếu tố khiến Việt Nam bị xếp hạng thấp về an ninh lương thực chính là tiêu chí về chất lượng và độ an toàn của sản phẩm. Tiêu chí này chỉ nhận được 51,7 điểm, thấp hơn tiêu chí tính sẵn sàng của lương thực 59,7 điểm, khả năng chi trả (người dân) 75,1 điểm. Nước có chỉ số lương thực an toàn và chất lượng cao nhất là Phần Lan, tới 91,8 điểm, xếp thứ 5 về mức độ an ninh lương thực. Cũng có nghĩa là chúng ta có làm ra nhiều nông sản thì an ninh lương thực cũng không được bảo đảm nếu nó không đạt chất lượng và an toàn.
Nghịch lý xuất khẩu gạo  - ảnh 1

Cần định hướng để phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long  Ảnh: Gia Khiêm

Thực tế bao năm qua, người nông dân luôn muốn sản xuất ra càng nhiều gạo càng tốt. Các cơ quan có thẩm quyền cũng đặt mục tiêu sản lượng xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước và xem đó là thành tích, là mục tiêu bảo đảm an toàn, an ninh lương thực.
Thế nhưng tình hình giờ đã khác. Xét về điều kiện tự nhiên của Việt Nam, ĐBSCL đang ngày càng khắc nghiệt, đất đói phù sa, hạn mặn ngày càng gay gắt… Ngay cả nước sinh hoạt cho người cũng phải chuyển từ nơi khác đến thì đã đến lúc phải tính đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm chứ không thể lấy lượng bù chất như lâu nay. Thực tế, Nghị quyết 120 của Chính phủ về việc phát triển bền vững ĐBSCL cũng xác định chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Nói đơn giản là “tiền”, thu nhập mang về phải cao hơn. Nhưng nếu không từ bỏ mục tiêu sản lượng, chúng ta sẽ ngày càng lún sâu vào cái vòng luẩn quẩn của cạn kiệt tài nguyên, nông sản phải thường xuyên giải cứu, phải chuyển nước từ nơi khác tới để cứu đồng bằng…

Thông điệp từ đồng bằng

Hiện mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu từ các nước tiểu vùng sông Mê Kông với giá trị khoảng 15 tỉ USD, riêng Việt Nam khoảng 6 – 7 tỉ USD nông sản. Với dân số 1,4 tỉ người, nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc cũng lớn, tỉ lệ thuận với nhu cầu xuất khẩu nông sản của các nước vùng Mê Kông.
Thế nhưng trong những năm qua, Trung Quốc đã xây nhiều công trình thủy điện chặn dòng ở thượng nguồn khiến toàn vùng đồng bằng Mê Kông rơi vào cảnh thiếu nước, thiếu phù sa để tồn tại và sản xuất ra nhiều lương thực.
Một thông điệp từ đồng bằng, theo các chuyên gia là giải pháp hiệu quả cho vấn đề này. Ví dụ Việt Nam có thể xây dựng tiêu chuẩn gạo xuất khẩu và chỉ xuất khẩu chính ngạch. Trên mỗi bao bì ngoài các thông tin cơ bản về chất lượng xuất xứ hàng hóa, cần có thêm dòng chữ với nội dung như “Hạt gạo này làm ra từ hạt phù sa sông Mê Kông” được in bằng nhiều thứ tiếng.  Các loại nông sản khác cũng có thể áp dụng giải pháp tương tự. Đây là cách chuyển tải thông điệp đến người tiêu dùng, để họ có trách nhiệm trong việc cùng chung tay giữ gìn, duy trì đồng bằng và sự tự do của dòng Mê Kông. Bởi có giữ được đất, được nước mới có thể đảm bảo an ninh lương thực lâu dài. ĐBSCL đã xuất không biết bao nhiêu tấn gạo nuôi thế giới nên việc chuyển tải thông điệp để cả thế giới nhận thức giá trị của dòng sông Mê Kông là hết sức cần thiết.
Trả lại sự trù phú cho đất đai đồng bằng Mê Kông cũng đồng nghĩa với việc hạn chế lượng phân bón, thuốc trừ sâu và từ đó, chất lượng nông sản được cải thiện, an toàn an ninh lương thực cũng theo đó mà tăng.
CHÍ NHÂN
TNO