23/12/2024

‘Cách ly xã hội’ để chống dịch bệnh xuất hiện từ khi nào?

‘Cách ly xã hội’ để chống dịch bệnh xuất hiện từ khi nào?

“Phong toả và cách ly xã hội” đang là biện pháp được tất cả các quốc gia trên thế giới áp dụng trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19. Nhưng đó thực ra không phải là biện pháp của thời hiện đại.

 

‘Cách ly xã hội’ để chống dịch bệnh xuất hiện từ khi nào? - Ảnh 1.

Lazzarettos ngày nay được tôn tạo và bảo vệ, trở thành điểm tham quan hút du khách tại Dubrovnik – Ảnh: ANAMARIA MEJIA/SHUTTERSTOCK

Trong thế kỷ 14, khi bệnh dịch hạch bao phủ một màu đen u tối khắp châu Âu, Cộng hòa Ragusa (nay là thành phố Dubrovnik ở miền nam Croatia) là nơi đầu tiên trên thế giới áp dụng biện pháp cách ly các trường hợp nhiễm bệnh và được nhiều quốc gia học theo. Nhờ đó, dịch bệnh được đẩy lùi.

Cộng hòa Ragusa là quốc gia hàng hải nằm ngay bên bờ biển Adriatic, tồn tại từ năm 1358 -1808. Dưới sự bảo hộ của Đế quốc Ottoman, Ragusa trở nên giàu mạnh nhờ giao thương khắp nơi trên thế giới và đạt đến đỉnh cao trong thương mại vào thế kỷ 15-16.

Đó cũng là lý do khi bệnh dịch hạch bùng phát vào thế kỷ 14, Ragusa hứng chịu hậu quả rất nặng nề. Giữa lúc người dân khắp châu Âu rơi vào khủng hoảng, coi dịch bệnh là “sự trừng phạt của Chúa”, một mặt tìm mọi cách chữa bệnh bằng các loại bột phấn, cầu nguyện thì cơ quan quản lý cao nhất khi ấy là Đại hội đồng của Ragusa đã thông qua một đạo luật đặc biệt.

Tất cả các thương nhân, thủy thủ và hàng hóa đến từ các khu vực bị nhiễm bệnh dịch hạch phải trải qua một tháng cách ly. Sau khi kết thúc thời gian cách ly, cá nhân đó được chứng minh khỏe mạnh thì mới được phép vào thành phố.

Chính quyền Ragusa chỉ định ba hòn đảo có người sinh sống là Mr Mrkan, Bobara và Supetar, nằm cách rất xa các bức tường bao quanh thành phố Dubrovnik là nơi để những người và hàng hóa này sống tạm thời.

Ba hòn đảo này không có nhà ở, không có đủ thức ăn nước uống và ban đêm phải đối mặt với thú dữ nên thời gian ban đầu, những thương nhân ra cách ly gặp phải khó khăn nguy hiểm tựa như việc đã nhiễm dịch hạch.

Về sau, chính quyền nhận ra điều này và quyết định xây dựng một vài ngôi nhà bằng gỗ trên ba hòn đảo. Đến giữa thế kỷ 15, khu kiểm dịch đầu tiên trên thế giới ra đời với đầy đủ các bộ phận: lính canh, nhân viên đào huyệt, chôn cất, một linh mục, thợ cắt tóc và bác sĩ.

Tất cả được đặt trong một khu vực kín, bao quanh bằng bức tường cao để ngăn người bệnh lẻn ra ngoài.

Năm 1397, Đại hội đồng Ragusa thông qua một nghị định mới, thắt chặt việc phong tỏa cách ly. Ba nhân viên y tế được đưa đến để giám sát việc thực hiện và tuân thủ các quy định kiểm dịch. Những người vi phạm hoặc không tuân thủ các quy tắc đều bị phạt tù, bất kể đó là ai.

Thời gian cách ly cũng được nâng từ mức 30 ngày lên 40 ngày. Các tính toán khoa học hiện đại sau này cho thấy 40 ngày là con số hợp lý để cách ly vì bệnh dịch hạch có thời gian 37 ngày từ khi nhiễm bệnh cho đến khi chết.

Thương nhân Hồi giáo cũng bị cấm nhập hàng vào Ragusa trong toàn bộ thời gian xảy ra dịch.

Biện pháp này nhanh chóng là giảm bớt một lượng đáng kể thương nhân và hàng hóa đưa vào thành phố nên gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động giao thương, vốn được coi là nguồn sống của người dân thành phố. Không ít những ý kiến trái chiều nổ ra nhưng chính quyền cảm thấy đó là điều đúng đắn cần thiết để bảo vệ người dân khỏi dịch bệnh.

Vào năm 1526, Ragusa trải qua những ngày tháng tồi tệ nhất do dịch bệnh bùng phát. Tất cả đều bị tê liệt trong 6 tháng khiến chính phủ phải rời sang nơi khác vì Dubrovnik quá nhiều ca bệnh. Số người chết la liệt khắp các con phố, nhiều tới nỗi không nghĩa trang nào đủ chỗ và người ta phải chất những xác chết lên thuyền rồi thả trôi ra đại dương.

6 năm sau, một cơ sở kiểm dịch mới được gọi là Lazzarettos xây dựng trên hòn đảo Lokrum cách thành phố Dubrovnik 600m. Năm 1590, cơ sở khác được xây dựng ở Ploče, cách thành phố Dubrovnik khoảng 2km, chứa 10 tòa nhà cao tầng nằm cách nhau nhờ những sân rộng và có hệ thống nước thải riêng.

Tất cả hàng hóa vào thành phố đều được xông khói, hun nóng, ngâm thảo dược để tẩy uế.

Tuy nhiên, dịch bệnh cũng chưa được đẩy lùi nhanh chóng ngay khi ấy. Nguyên nhân được cho là sự thiếu hiểu biết của cư dân thời điểm đó, tập trung vào cách ly, cầu nguyện mà không một sự chú ý nào dành cho chuột bọ, đối tượng mang mầm bệnh chính.

Mặc dù vậy, biện pháp “cách ly xã hội” cũng mang đến những tín hiệu tích cực, được chứng minh là hiệu quả trong những đại dịch sau này như dịch cúm Tây Ban Nha (1918-1919), dịch SART (2003) và dịch COVID-19 ngay lúc này, khi con người vẫn chưa nắm rõ về nguồn bệnh và chưa có văcxin.

KA KA (Theo Amuzing Planet)
TTO