Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của mình trên Biển Đông
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của mình trên Biển Đông
Chiều 26.3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã lên tiếng về việc Trung Quốc vừa đưa vào hoạt động 2 trạm nghiên cứu trên đá Xu Bi và đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Bà Hằng nhấn mạnh: “Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Theo đó, mọi hoạt động tại 2 quần đảo này phải được sự cho phép của Việt Nam”.
Cũng theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam; không có các hành động gia tăng căng thẳng, làm phức tạp tình hình và ảnh hưởng tới hòa bình ở Biển Đông và khu vực; tuân thủ quy định của các nước trong tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.
Vẫn liên quan đến tình hình Biển Đông, trả lời câu hỏi về thông tin Đài Loan đã tiến hành tập trận bắn đạn thật ở vùng biển gần đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, vào ngày 24.3 vừa qua, bà Hằng phát biểu: “Như đã nhiều lần đã khẳng định, việc Đài Loan nhiều lần tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này; đe họa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải; gây phức tạp và làm căng thẳng tình hình ở Biển Đông”.
“Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan không được tiếp tục hành động diễn tập trái phép nêu trên cũng như lặp lại hành động vi phạm trong tương lai”, bà Hằng nhấn mạnh.
“Khi các nước lo tập trung ứng phó dịch bệnh Covid-19 thì Trung Quốc tái diễn chiêu trò…”
Trước đó, nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới cũng đã chia sẻ quan điểm với Thanh Niên về việc Trung Quốc thiết lập thêm các cơ sở nghiên cứu khoa học ở đá Chữ Thập và đá Xu Bi, cho đây là chiêu trò mượn cớ khoa học để tìm cách kiểm soát vùng biển này.
Theo phía Trung Quốc thông tin, 2 cơ sở nghiên cứu khoa học mới được thành lập sẽ có phòng thí nghiệm về sinh thái, địa chất và môi trường, nhằm hỗ trợ điều tra thực địa và nghiên cứu khoa học ở quần đảo Trường Sa.
Tuy nhiên, TS Patrick Cronin, Chủ tịch chương trình An ninh châu Á – Thái Bình Dương, Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ, cho rằng “niềm tin có thể bị đặt sai chỗ khi nghĩ rằng Trung Quốc muốn bảo vệ hệ sinh thái biển”. Cộng đồng quốc tế không thể tin vào việc Bắc Kinh đưa ra những tuyên bố về việc xây dựng cơ sở ở bãi đá Chữ Thập hay Xu Bi là để nghiên cứu khoa học.
TS James R.Holmes (chuyên gia chiến lược hàng hải – Đại học Hải chiến Mỹ) thì cho rằng: “Bằng cách xây dựng cái gọi là trung tâm nghiên cứu dành cho khoa học, nhưng Trung Quốc vô hình trung đã thiết lập sự kiểm soát. Với cách thức này, Bắc Kinh đặt ra sự đã rồi để các nước khó can thiệp đòi “phục hồi nguyên trạng”, yêu cầu Trung Quốc rời đi”.
Nhấn mạnh đây thực chất là hoạt động “núp bóng” nghiên cứu khoa học, TS Holmes cũng nhận định rằng Bắc Kinh đã lợi dụng việc cộng đồng quốc tế đang tập trung ứng phó dịch Covid-19 để tăng cường kiểm soát Biển Đông.
“Động thái xây dựng trạm nghiên cứu ở bãi đá Chữ Thập và bãi đá Xu Bi là chiêu trò khá quen thuộc từ Trung Quốc. Bắc Kinh thường xuyên lợi dụng những lúc tình hình phức tạp, các nước có những mối quan tâm khác, thì ra tay hành động. Bằng chứng là hải chiến Hoàng Sa năm 1974, hay sự kiện bãi đá Vành Khăn hồi thập niên 1990. Hiện nay, khi các nước lo tập trung ứng phó dịch bệnh Covid-19 thì Trung Quốc tái diễn chiêu trò”, ông Holmes nói.
TS Satoru Nagao, Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ, cho rằng mục đích của việc xây dựng các cơ sở nghiên cứu trên là để phục vụ quân sự. Trước khi xây dựng 2 cơ sở nghiên cứu ở các bãi đá Chữ Thập và Xu Bi, thì Trung Quốc vào năm 2018 cũng đã xây dựng một cơ sở tương tự ở bãi đá Vành Khăn. Ba bãi đá này hình thành nên 3 cạnh của một tam giác mang tính chiến lược ở khu vực này. Bắc Kinh cũng đã xây dựng đường băng và nhà chứa máy bay tại cả 3 bãi đá này.
VŨ HÂN
TNO