Lao động thu nhập thấp chật vật trong dịch COVID-19 ở Mỹ
Lao động thu nhập thấp chật vật trong dịch COVID-19 ở Mỹ
Rủi ro về sức khoẻ khi COVID-19 bùng phát, nhiều người lao động nhập cư, có thu nhập thấp ở Mỹ vẫn chấp nhận để trang trải chi phí sinh hoạt thường nhật.
Thiếu biện pháp bảo hộ lao động
“Mọi người đều sợ hãi, tôi cũng vậy. Nhưng tôi cần tiền”, tờ The New York Times ngày 20.3 dẫn lời ông Ashikur Rahman – người đang phải chở hàng đi giao từ Manhattan sang Brooklyn, New York.
Giống như ông Rahman, một người đàn ông khác họ ông nói rằng ông không thể nghỉ việc giao hàng trong lúc này vì còn phải trả tiền thuê nhà.
Với nhu cầu tăng cao, lao động nhập cư đã trở thành một mắt xích quan trọng, cung cấp thực phẩm, thuốc men và nhiều mặt hàng khác trong bối cảnh mọi người đều hạn chế ra đường. Công việc đầy ắp nguy hiểm vì họ không biết ngày mai mình sẽ đến khu vực nào hay khách hàng của họ có nguy cơ lây bệnh hay không.
“Công ty chưa bao giờ cung cấp cho chúng tôi bất cứ thứ gì để bảo vệ ngoại trừ lời nói”, Alexis Dabire, một nhân viên giao hàng ở Manhattan, lo lắng.
Đầu tháng 3, tòa nhà nơi Lilliana làm việc ở Seattle trở nên vắng vẻ khi mọi người chọn làm việc ở nhà, cô vẫn phải đến đó mỗi ngày. Cô khuân vác hàng hóa, hút bụi sàn nhà, đổ rác và lau sạch bề mặt tại một trung tâm thương mại. Lilliana mong muốn cô và các đồng nghiệp của mình có khẩu trang N95, dung dịch rửa tay sát khuẩn và các dụng cụ chăm sóc sức khỏe. “Hãy cứ làm việc như bình thường, chỉ cần đeo găng tay và rửa tay”, đó là tất cả những gì quản lý của Lilliana nói với cô.
|
City Lab cho biết hiện có 4,4 triệu nhân viên vệ sinh và người giúp việc ở Mỹ đang cật lực làm việc để vệ sinh ở những nơi tiềm ẩn mầm bệnh.
Chăm sóc y tế, dự trữ thức ăn là xa xỉ
1.000 USD (khoảng 23 triệu đồng) tiền thuê nhà vốn đã là con số lớn, nhưng Summer Mossbarger còn có nỗi lo khác lớn hơn, là bữa ăn hằng ngày của 6 con nhỏ. Sống ở thị trấn Brenham ngoại ô Texas, cô không thể kiếm được việc làm vì là thương binh. Công việc làm mộc của chồng cô, Jordan Spahn, cũng bị chững lại vì người dân trì hoãn việc xây nhà.
Mỗi ngày, Mossbarger xếp hàng bên ngoài trường tiểu học Alton để chờ nhận bữa trưa miễn phí. “Tôi chỉ ăn một lần mỗi ngày và sẽ không để con tôi đói”, Mossbarger vừa trả lời The New York Times, vừa chậm rãi ăn bữa đầu tiên trong ngày lúc 5 giờ chiều.
|
Osmel Martinez Azcue đến bệnh viện để xét nghiệm virus vì có triệu chứng như cảm cúm sau khi trở về từ chuyến công tác Trung Quốc. Chưa kịp vui mừng khi không nhiễm bệnh, anh nhận được hóa đơn y tế trị giá đến 3.270 USD từ công ty bảo hiểm.
Công ty bảo hiểm sau đó đính chính với Azcue đó chỉ là nhầm lẫn, con số chính xác anh phải trả là 1.400 USD. Mặc dù đã giảm đi hơn một nửa, Azcue chia sẻ với Business Insider rằng bản thân sẽ phải rất nỗ lực làm việc để có thể chi trả khoản tiền trên.
“Không mua đồ tạp hóa trong hai tuần tới là điều đầu tiên bệnh nhân không có bảo hiểm nghĩ đến khi phải trả khoảng 200 USD cho chi phí xét nghiệm ở California”, Edgar Chavez, giám đốc điều hành của Trung tâm y tế cộng đồng Los Angeles cho biết.
|
Bảo hiểm y tế không phải là rào cản duy nhất mà người nhập cư có thu nhập thấp phải đối mặt. Bất đồng ngôn ngữ khiến họ khó tiếp cận thông tin về các hướng dẫn phòng ngừa dịch. Sau đó là nỗi sợ tiết lộ tình trạng công dân của họ cho bác sĩ.
Tờ The New York Time dẫn lời giáo sư Luke Shaefer, chuyên ngành công tác xã hội và chính sách công tại Đại học Michigan (Mỹ), nhận xét lao động thu nhập thấp và lao động nhập cư có xu hướng trở thành người đầu tiên tổn thương khi có sự cố và sau đó cũng mất nhiều thời gian nhất để hồi phục.
XUÂN THU THUỶ
TNO