15/11/2024

‘Đóng băng’ cao tốc Bến Lức – Long Thành

‘Đóng băng’ cao tốc Bến Lức – Long Thành

Mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (HLD) là nhu cầu cấp bách khi tuyến cao tốc quan trọng này đang quá tải.
Dự án cao tốc Long Thành - Bến Lức (đoạn qua H.Nhà Bè, TP.HCM)  /// Ảnh: Ngọc Dương
Dự án cao tốc Long Thành – Bến Lức (đoạn qua H.Nhà Bè, TP.HCM)  Ảnh: Ngọc Dương
Song cách nhanh hơn để “giải cứu” cho HLD cũng như giảm ùn tắc qua TP.HCM là cao tốc Bến Lức – Long Thành lại đang bế tắc, dù khối lượng xây dựng đã đạt 70 – 80% tiến độ.

Nguy cơ vỡ trận

Dự án cao tốc huyết mạch kết nối miền Tây và Đông Nam bộ với TP.HCM sau 6 năm thi công đang đứng trước nguy cơ đình hoãn vô thời hạn, dù thời gian hoàn thành toàn bộ dự án đáng lẽ là quý 2/2019.
Đối với Hiệp định vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), khoản vay lần 1 (2730-VIE) đã đóng ngày 30.6.2019, khoản vay lần 2 (3391-VIE) trị giá 286 triệu USD sẽ đóng ngày 30.6 tới đây. Tuy nhiên, để gia hạn khoản vay lần 2, theo quy định tối thiểu trước thời điểm kết thúc 3 tháng, Bộ Tài chính đại diện cho bên vay có thư đề xuất gia hạn khoản vay và Hiệp định tài trợ khung (với cả 2 khoản vay sẽ đóng vào 14.12.2020). Nếu không kịp thủ tục, ADB không thể thực hiện gia hạn và toàn bộ phần vốn chưa giải ngân cho dự án có nguy cơ bị hủy.
Đáng chú ý, khoản vay lần 1 trước đó, cũng vì lý do không hoàn thành được thủ tục trong nước để gia hạn Hiệp định vay đã bị hủy.
Nhà tài trợ vốn là ADB đã thông báo đóng tài khoản vay 2730-VIE khi kết thúc thời gian ân hạn (30.10.2019), phần vốn chưa giải ngân 170 triệu USD sẽ bị hủy vào ngày đóng tài khoản vay.
Hiệp định vay lần 2 gói 3391-VIE dự kiến đóng vào 30.6 năm nay chưa thể gia hạn thêm, trong khi tiến độ thực hiện các gói thầu chắc chắn sẽ kéo dài vượt quá thời gian của hiệp định. Bên cạnh đó, việc chậm giải phóng mặt bằng cũng là nguyên nhân các gói thầu A5, A6 và A7 đoạn qua tỉnh Đồng Nai đã chậm hơn nửa năm so với cam kết.
Với các gói thầu do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, Hiệp định vay JICA có hiệu lực đến 17.7.2024 nên tạm thời chưa vướng về thời hạn giải ngân. Tuy nhiên, từ tháng 1.2019, Tổng công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) – chủ đầu tư dự án – chưa được giao kế hoạch vốn ODA nên không thể tiếp tục thanh toán cho nhà thầu.
Mặt khác, do không được bố trí vốn cho các gói thầu của dự án (vốn đối ứng và các gói thầu JICA từ tháng 1.2019, các gói ADB từ tháng 7.2019), tiến độ chung toàn dự án dự kiến sẽ vượt sang tận tháng 2.2023, thay vì mốc tháng 6.2021 như báo cáo trước đây.
Tuy nhiên, mốc 2023 có nguy cơ tiếp tục đổ bể, nếu Hiệp định vay 3391-VIE không kịp gia hạn. Khoản thiếu hụt từ 2 hiệp định vay này khoảng 100 triệu USD, rất khó tìm nguồn bù đắp khác.
Trên thực tế, từ tháng 7.2019 đến nay, các gói thầu của dự án đã bị đình trệ do không được bố trí vốn giải phóng mặt bằng và vốn xây lắp. Giữa tháng 2 vừa qua, VEC đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ kiến nghị tạm dừng thi công tất cả các gói thầu tại dự án do JICA tài trợ và các gói thầu do ADB tài trợ (trong trường hợp các thủ tục pháp lý chưa được tháo gỡ), để giảm tối đa các rủi ro về pháp lý và thiệt hại kinh tế nhà nước do nguy cơ bị các nhà thầu kiện vì chậm thanh toán.
Khởi công từ tháng 7.2014, nếu đến 2023 mới hoàn thành, dự án sẽ mất ít nhất 9 năm và có thể lâu hơn mới đi vào hoạt động.

Tiền có nhưng tắc thủ tục

Theo ông Mai Tuấn Anh, Chủ tịch HĐTV VEC, cao tốc Bến Lức – Long Thành có vai trò với TP.HCM tương tự như đường vành đai 3 trên cao của Hà Nội. Tuyến cao tốc quan trọng nối thẳng miền Tây (từ H.Bến Lức, Long An) sang miền Đông Nam bộ (H.Long Thành, Đồng Nai), nối thẳng với sân bay Long Thành, mà không cần đi qua TP.HCM, giảm tải lưu lượng xe cho TP.HCM.
Nếu đi vào hoạt động, tuyến cao tốc dài 58 km này không chỉ rút ngắn thời gian từ Long An sang Đồng Nai xuống 2 giờ, mà đặc biệt sẽ giảm ùn tắc cho TP.HCM cũng như giảm tải cho tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây hiện hữu, giải tỏa kết nối cho khu vực miền Tây sang miền Đông Nam bộ, góp phần giảm áp lực giao thông cho QL1A, QL51…
“Mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây là quan trọng, nhưng từ dự án tiền khả thi đến được phê duyệt rồi bố trí vốn, triển khai xây dựng sẽ mất rất nhiều thời gian. Trong khi cách nhanh hơn để kết nối từ miền Tây sang miền Đông Nam bộ mà không cần qua TP.HCM, giải tỏa ùn tắc cho cả HLD là cao tốc Bến Lức – Long Thành lại đang bế tắc vì thủ tục. Vốn vay ODA đã có, chỉ cần tháo gỡ thủ tục, giải ngân được sẽ đẩy được tiến độ Bến Lức – Long Thành, nhưng tới nay vẫn chưa được tháo gỡ”, ông Tuấn Anh chia sẻ.
Trong nhiều văn bản “cầu cứu”, VEC cũng kiến nghị Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ có phương án xử lý dứt điểm các tồn tại kéo dài liên quan đến cơ chế của VEC nói chung cũng như dự án Bến Lức – Long Thành.
Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo Bộ GTVT cho biết vướng mắc lớn nhất tại dự án Bến Lức – Long Thành hiện nay là việc xác định thẩm quyền cơ quan chủ quản.
Lý do, từ tháng 9.2018, VEC được bàn giao từ Bộ GTVT về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, nhưng đến nay sau rất nhiều kiến nghị, vẫn chưa xác định được cơ quan thẩm quyền dẫn tới việc điều chỉnh dự án, gia hạn hiệp định vay, giao kế hoạch vốn đầu tư công… chưa thể thực hiện được. Nguồn vốn bố trí cho dự án không chỉ gặp vướng giải ngân vốn vay ODA mà cả vốn đối ứng trong nước do vướng quy định.
“Bộ GTVT đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ nêu tình trạng khó khăn của VEC do các dự án bị đình trệ vì không bố trí được vốn đầu tư công và phân bổ vốn ODA, trong khi các hiệp định vay vốn đã hết thời hạn nhưng chưa gia hạn được. Bộ cũng kiến nghị trước mắt giao lại các dự án cao tốc của VEC về cho Bộ chủ quản để sớm phê duyệt điều chỉnh dự án, thủ tục gia hạn hiệp định vay vốn…”, một lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.
MAI HÀ
TNO