Thi THPT quốc gia 2020: Đề xuất bỏ nội dung kiến thức học kỳ 2 trong đề thi
Thi THPT quốc gia 2020: Đề xuất bỏ nội dung kiến thức học kỳ 2 trong đề thi
Trước việc dịch bệnh Covid-19 khiến học sinh phải nghỉ dài ngày, nhiều ý kiến cho rằng đề thi THPT quốc gia chỉ cần kiểm tra hết nội dung học kỳ 1 lớp 12 cũng không ảnh hưởng đến chất lượng.
Cần có kịch bản học sinh không thể đi học học kỳ 2
Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội), chia sẻ: “Bao giờ dịch bệnh kết thúc là câu hỏi chưa có lời giải khi học sinh (HS) chưa học chương trình học kỳ 2 là vấn đề khó cho ngành GD-ĐT”.
Theo ông Bình, thời điểm thi vào tháng 8 có thể là phù hợp nhưng học hết nội dung chương trình là khó khả thi. Ông Bình đề xuất Bộ cần có các kịch bản khác nhau ứng với mỗi thời gian HS trở lại trường. “Chúng ta phải tính đến cả những tình huống xấu nhất có thể xảy ra để lúc đó không bị động”, ông Bình nói.
Đề thi xây dựng căn cứ vào chương trình đã tinh giản
Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để chủ động thực hiện chương trình giáo dục trong thời gian còn lại của năm học 2019 – 2020, Bộ GD-ĐT đang thực hiện đồng bộ các giải pháp như: rà soát, tinh giản nội dung dạy học thuộc chương trình học kỳ 2 để hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch dạy học bảo đảm thực hiện chương trình trong thời gian còn lại của năm học 2019 – 2020.
“Căn cứ vào chương trình đã tinh giản, Bộ sẽ xây dựng và công bố đề thi tham khảo cho kỳ thi THPT quốc gia 2020 để tạo thuận lợi cho HS lớp 12 trong quá trình học tập, ôn luyện, chuẩn bị tốt cho kỳ thi sẽ được tổ chức từ ngày 8 – 11.8”, ông Độ cho hay.
Với lớp 12, ông Bình cho rằng đề tham khảo kỳ thi THPT quốc gia cũng cần được xây dựng ứng với từng mốc thời gian HS trở lại trường. Trả lời câu hỏi về việc liệu chất lượng đầu ra của HS tốt nghiệp THPT năm nay có giảm nếu HS không được học nội dung kiến thức học kỳ 2 của chương trình lớp 12, ông Bình nêu quan điểm: trên thực tế, lượng kiến thức của học kỳ 2 không nhiều, chương trình được xây dựng theo phương pháp đồng tâm nên nhiều nội dung kiến thức nhắc lại, đào sâu hơn…
Tuy nhiên, điều quan trọng để đánh giá HS không phải là khối lượng kiến thức mà là tư duy, năng lực, khả năng vận dụng, sáng tạo… “Do vậy, vài tháng cuối cùng của lớp 12 không quyết định điều đó mà HS đã được hình thành và trang bị trong suốt hơn 11 năm học vừa qua rồi. Các trường ĐH tuyển sinh cũng không bị ảnh hưởng gì vì xu hướng là chú trọng tới năng lực, tư duy chứ không phải tuyển những HS học nhồi nhét, học thuộc bài”, ông Bình nêu quan điểm.
Ông Đàm Tiến Nam, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), cũng cho rằng việc Bộ GD-ĐT lắng nghe và điều chỉnh chủ trương dạy, học và thi ứng với tình hình dịch bệnh như thời gian qua là rất cần thiết. “Bộ cần công bố sớm đề thi tham khảo, khi HS còn đang phải nghỉ học vì dịch bệnh để các em có phương hướng ôn tập, chuẩn bị”, ông Nam đề nghị.
Xung quanh vấn đề tinh giản chương trình, ông Nam cho rằng cần áp dụng linh hoạt các phương án khác nhau, kể cả cắt giảm cơ học. Ví dụ, có thể giảm nhẹ về yêu cầu, mức độ của mỗi bài học nhưng cũng có những phần có thể cắt giảm hoàn toàn như phần kiến thức, thông tin đã lạc hậu hoặc quá hàn lâm; những kiến thức trùng lặp ở các môn học…
Một giáo viên dạy ngoại ngữ ở Bắc Giang cũng gợi ý đề thi THPT quốc gia chỉ nên ra tập trung phần kiến thức học kỳ 1, không nên buộc phải kiểm tra kiến thức học kỳ 2 và bỏ 10% kiến thức lớp 11. Bởi thực tế, môn tiếng Anh hiện nay, có trường học hệ 7 năm, có trường học hệ thí điểm 10 năm; Hà Nội, TP.HCM HS đa số học chương trình hệ 10 năm…Như vậy, chất lượng đã không đồng đều giữa HS nơi này và nơi khác.
Đề thi không nên gồm kiến thức học trực tuyến
Nhiều địa phương đang đẩy mạnh việc dạy học từ xa, học trực tuyến, học trên truyền hình… Tuy nhiên, sau vài tuần thực hiện đã cho thấy khoảng cách rất lớn về mức độ, hiệu quả của mỗi địa phương, mỗi nhà trường. Do vậy, với những kỳ thi mang tính quốc gia như thi THPT, nếu đưa vào đề thi phần nội dung học từ xa, một số ý kiến cho rằng sẽ không công bằng với HS.
Ông Đàm Tiến Nam cho rằng việc ra đề thi nên theo hướng học trực tiếp ở trường đến đâu thi đến đấy. Học từ xa chỉ nên coi là hình thức dạy học bổ trợ chứ không thể thay thế trực tiếp và đưa nội dung học từ xa vào đề thi.
Ông Đào Tiến Đạt, phụ trách chuyên môn Trường THPT Anhxtanh (Hà Nội), cũng nêu quan điểm nếu thi cả vào phần kiến thức học online là không công bằng với HS. Theo ông Đạt, kế hoạch học tập và thi cử hoàn toàn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh và không thể nói trước. Tâm trạng phụ huynh và HS, đặc biệt ở các lớp cuối cấp, đang cực kỳ lo lắng. Thời gian ngày càng ngắn mà dịch bệnh ngày càng tăng. Việc học trực tuyến đem lại sự yên tâm phần nào về mặt tâm lý chứ hiệu quả không cao.
Ông Đạt đề xuất điều cần làm và có thể làm được ngay là giới hạn thi phần kiến thức đã học cho đến khi HS nghỉ học vì dịch. Tức là từ đầu năm học cho đến hết tháng 1.2020. Khoanh phần kiến thức chưa học lại. HS lớp 9 và lớp 12 dành thời gian này để ôn tập, không học thêm kiến thức mới. Phần kiến thức khoanh lại cho HS nợ và học “trả nợ” sau. “Trả nợ” như thế nào tùy vào quỹ thời gian chúng ta có sau khi hết dịch…
Bà Phạm Ngọc Thúy, giáo viên toán Trường THPT Đông Anh (Hà Nội), kiến nghị nếu không có thời gian học bù hết chương trình thì Bộ GD-ĐT nên tính toán ra đề thi THPT quốc gia năm nay giảm độ khó, đặc biệt ra đề thi kiến thức học kỳ 2 phải cân nhắc để HS không thiệt thòi.
TUỆ NGUYỄN
TNO