25/12/2024

Ngân hàng gỡ khó khăn kép cho ĐBSCL

Ngân hàng gỡ khó khăn kép cho ĐBSCL

Ngày 23.3, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức cuộc họp trực tuyến nhằm đánh giá tình hình thiệt hại và khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra tại 5 tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL.
Doanh nghiệp chế biến thủy sản vùng ĐBSCL gặp nhiều khó khăn vì Covid-19 và xâm nhập mặn  /// Ảnh: Ngọc Thắng

Doanh nghiệp chế biến thủy sản vùng ĐBSCL gặp nhiều khó khăn vì Covid-19 và xâm nhập mặn  Ảnh: Ngọc Thắng

Tín dụng tắc vì Covid-19 và hạn hán

Trước khó khăn kép bởi dịch Covid-19 và hạn hán, xâm nhập mặn của vùng ĐBSCL, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú khẳng định sẽ tăng cường chỉ đạo, tập trung nguồn lực để hỗ trợ, tháo gỡ ngay cho doanh nghiệp (DN), người dân khu vực này. Trước đó, theo báo cáo, dư nợ cho vay vùng ĐBSCL đến cuối năm 2019 đạt 665.876 tỉ đồng, tăng 15% so với cuối năm 2018 (cao hơn tốc độ tăng trưởng toàn quốc 13,7%). Trong đó cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 365.195 tỉ đồng, tăng 22% (nông nghiệp nông thôn toàn quốc tăng 14,32%), chiếm tỷ trọng gần 55% dư nợ tín dụng toàn khu vực; cho vay các mặt hàng nông sản thế mạnh của khu vực ĐBSCL cũng có mức tăng trưởng tốt: thủy sản tăng 11,8%, lúa gạo tăng 7,5%, rau quả tăng 15,9%.

Ngân hàng Nhà nước đủ sức ổn định tỷ giá

 Trước diễn biến của tỷ giá thời gian qua, chiều 23.3, NHNN cho biết, cơ quan này có đủ nguồn lực và công cụ để giữ ổn định thị trường. Về nguyên nhân của việc tỷ giá tăng, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, cho biết do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đồng tiền của nhiều nước đối tác thương mại lớn của VN cũng mất giá. Tuy nhiên, qua theo dõi, cân đối cung cầu ngoại tệ đến nay về cơ bản không có biến động lớn. Cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư 1,82 tỉ USD trong 2 tháng đầu năm và tiếp tục thặng dư 880 triệu USD trong tháng 3. Trạng thái ngoại tệ vẫn tiếp tục duy trì ở mức dương. Các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của khách hàng đều được NH  đáp ứng đầy đủ.
Trong năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, NHNN đã liên tục mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối. Ông Hà khẳng định, với tiềm lực ngoại tệ sẵn có như vậy, NHNN sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết với mức tỷ giá bán can thiệp thấp hơn tỷ giá niêm yết hiện nay để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Anh Vũ – Thanh Xuân

Tuy nhiên, từ cuối năm 2019 trở lại đây, khu vực này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn. Những tháng đầu năm 2020, tín dụng giảm 0,27% so với cuối năm 2019; dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng giảm 0,56%. Tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 2.2020 của 5 tỉnh dưới 2%.

Trên cơ sở thiệt hại của khách hàng đang vay vốn, ngay tại cuộc họp, ông Lê Văn Nghĩa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, đề nghị NHNN có chỉ đạo và hướng dẫn cụ thể các giải pháp miễn, giảm lãi vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cho vay mới để hỗ trợ thiệt hại do hạn mặn gây ra. “Đề nghị NHNN nên có định hướng chiến lược lâu dài, có chính sách tạo điều kiện để hỗ trợ tốt hơn cho DN, người dân trong vùng ổn định sản xuất và phát triển”, ông Nghĩa đề xuất.
Đánh giá cao giải pháp và sự hỗ trợ của ngành ngân hàng (NH) thời gian qua, tuy nhiên ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, mong muốn NHNN đánh giá kịp thời tác động, miễn giảm lãi suất hoặc cơ cấu lại nhóm vay và cơ cấu lại nợ, tiếp tục cho vay để DN sau hạn mặn và sau dịch sẽ tiếp tục sản xuất kinh doanh phục vụ đời sống. Đại diện các NH, ông Trần Long – Phó tổng giám đốc BIDV, chia sẻ thông tin, qua khảo sát nhanh của BIDV có khoảng 700 khách hàng của NH bị ảnh hưởng bởi tình hình xâm nhập mặn, hạn hán và dịch Covid-19. Trong số này có 29 khách hàng DN với dư nợ khoảng 5.579 tỉ đồng thuộc lĩnh vực sản xuất lương thực thực phẩm, sản xuất chế biến chăn nuôi… Ngoài ra, có khoảng 760.000 khách hàng cá nhân tổng dư nợ 652 tỉ đồng bị ảnh hưởng. BIDV đã giảm lãi suất từ 0,5 – 1%/năm cho khách hàng. “ĐBSCL với hơn 85.000 tỉ đồng dư nợ, có tới 7% dư nợ đã được hưởng các gói tín dụng ưu đãi trong năm”, ông Long nói.

Miễn, giảm lãi vay, cho vay mới để khôi phục sản xuất

Trước ý kiến tại cuộc họp, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, với trên 20 triệu dân, ĐBSCL là vùng kinh tế trù phú rất quan trọng, xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn của cả nước. Tuy nhiên, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với ĐBSCL ngày càng gay gắt. Điều này đặt ra những thách thức lớn cho 13 tỉnh ĐBSCL, đặc biệt 5 tỉnh đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Giải quyết tình trạng này, theo ông Tú không phải chuyện một sớm một chiều mà cần nhiều giải pháp tổng thể, căn cơ, đồng bộ từ phía các bộ, ngành, địa phương. Riêng ngành NH, từ năm 2016 đã xác định tình trạng xâm nhập mặn diễn ra ở mức độ gay gắt nhất hơn 100 năm qua. Do đó, Thống đốc đã ban hành riêng một chỉ thị để chỉ đạo NHNN chi nhánh các tỉnh, các NH chủ động thực hiện biện pháp hỗ trợ.
“Trong đợt hạn hán, xâm nhập mặn năm nay, NHNN cũng kịp thời có Văn bản 1835, yêu cầu NHNN chi nhánh 13 tỉnh, TP vùng ĐBSCL và các NH kịp thời áp dụng biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo quy định. Đồng thời cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của người dân”, ông Tú cho biết.
Trong thời gian tới, theo ông Đào Minh Tú, các tổ chức tín dụng (TCTD) cần tuân thủ quy định và nghiêm túc chấp hành chỉ đạo của NHNN về giảm lãi suất, phí, lệ phí nhằm chia sẻ với người dân, DN đang bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi dịch
Covid-19 và hạn hán, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL. “TCTD cần kịp thời nắm bắt thực trạng, chủ động triển khai các giải pháp tín dụng hỗ trợ đối với các khách hàng đang vay vốn gặp khó khăn, các khách hàng bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn, dịch Covid-19, như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn/giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, tiếp tục cho vay mới…”, ông Tú yêu cầu.
Đối với NHNN chi nhánh tỉnh, TP vùng ĐBSCL, Phó thống đốc chỉ đạo cần hỗ trợ TCTD trên địa bàn trong công tác huy động vốn để tăng cường nguồn lực cho vay các dự án trọng điểm, các chương trình, dự án là động lực, tạo sức lan tỏa cho sự phát triển của cả vùng ĐBSCL. Đồng thời, phối hợp triển khai các chương trình, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, các chương trình tín dụng phục vụ phát triển lĩnh vực thế mạnh của vùng… Đặc biệt, với những dự án lớn mà các NH địa phương không xử lý được, cần sự vào cuộc của hội sở chính NH hoặc nhiều NH thương mại đồng tài trợ.
TIÊU PHONG
TNO