24/11/2024

Lãng quên xung đột do COVID-19

Lãng quên xung đột do COVID-19

Phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Rosemary DiCarlo hồi tuần rồi đã chuyển đi một thông điệp đáng chú ý trên Twitter: nếu bất kỳ ai cần một lý do gì để ngừng các cuộc chiến vô nghĩa vào lúc này, COVID-19 là câu trả lời cho tất cả.

 

Lãng quên xung đột do COVID-19 - Ảnh 1.

Biểu tình kêu gọi dỡ bỏ lệnh trừng phạt Iran tại thủ đô Washington của Mỹ trong bối cảnh Iran đang gồng mình chống đỡ đại dịch COVID-19 – Ảnh: REUTERS

 

Tuy nhiên, những tin tức về đại dịch chiếm hầu hết các mặt báo khiến người ta ít chú ý đến nhiều cuộc xung đột vẫn còn đang tiếp diễn khắp thế giới.

Đại dịch không chọn phe

Nhân loại đang đối mặt với một kẻ thù chung, nhỏ bé nhưng có sức tàn phá ghê gớm: virus corona chủng mới gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19).

Tính đến chiều 23-3 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã có hơn 345.000 ca nhiễm và gần 15.000 người chết. Virus này đã lan tới 192 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Khi các cường quốc đang tập trung nguồn lực và con người để đối phó với đại dịch chưa có văcxin, nhiều người đã nhìn về các điểm nóng xung đột vũ trang ở Syria, Afghanistan, Libya, Yemen hay khu vực Sahel ở châu Phi và tự hỏi phải chăng hòa bình đang đứng trước ngưỡng cửa?

Tuy nhiên, thực tế lại khác. Trong những ngày gần đây, khoảng 30 binh sĩ Mali đã bị giết trong các cuộc tấn công ở miền bắc nước này. Các phần tử thánh chiến cực đoan bị quy trách nhiệm nhưng không có bất kỳ phản ứng đáng kể nào từ Hội đồng Bảo an LHQ. Đó là một điều rất bất thường.

Bertrand Badie – một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Viện Nghiên cứu chính trị (Science Po) của Pháp – nhận định sự xuất hiện của COVID-19 “như một ơn huệ trời ban” cho các nhóm vũ trang cực đoan. “Khi kẻ mạnh trở nên bất lực, kẻ yếu đã lập tức vùng dậy và trả thù”.

Tại Libya và khu vực Idlib của Syria – những điểm nóng ngoại giao trước khi virus corona xuất hiện và chiếm toàn bộ sự chú ý – giao tranh vẫn tiếp diễn.

Cho đến thời điểm hiện tại, mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19 tại các điểm nóng xung đột vẫn còn khiêm tốn, nhưng LHQ cảnh báo nếu không có sự hỗ trợ của nước ngoài, hàng triệu người có thể sẽ chết nếu dịch bệnh bùng phát.

“Đại dịch không cần biết nó nên đứng về phe nào trong cuộc chiến” – một nhà ngoại giao giấu tên nhận định với Hãng thông tấn AFP, đồng thời lo ngại rằng bệnh dịch có thể trầm trọng thêm tình hình nhân đạo.

Những con người bị quên lãng

Robert Malley – một chuyên gia quan hệ quốc tế – tin rằng đại dịch có thể làm suy yếu ý chí của các quốc gia và hệ thống quốc tế như LHQ, các tổ chức khu vực, lực lượng gìn giữ hòa bình trong việc giải quyết hoặc ngăn chặn xung đột.

“Có chính phủ nào muốn đổ tiền bạc và công sức vào việc theo đuổi hòa bình ở Yemen, Syria, Afghanistan, Sahel hay những nơi khác khi bản thân họ đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội và chính trị gần như không có tiền lệ?” – ông Malley lập luận.

Với việc truyền thông đang tập trung vào đại dịch COVID-19 ở tần suất theo Malley là “ám ảnh”, những xung đột này, dù khốc liệt và đẫm máu, “sẽ trở nên vô hình và chưa từng nghe thấy đối với nhiều người”.

Bên trong tòa nhà hình quyển sách tại New York (Mỹ), các nhà ngoại giao của LHQ khẳng định các nỗ lực theo dõi và kêu gọi các bên kiềm chế sẽ tiếp tục kể cả khi lịch trình các cuộc họp đã bị cắt giảm vì dịch COVID-19, theo AFP.

“Chúng tôi cam đoan Hội đồng Bảo an LHQ vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình và an ninh toàn cầu” – đại sứ Anh tại LHQ Jonathan Allen nhấn mạnh trên Twitter cá nhân. “COVID-19 đang là tâm điểm toàn cầu, nhưng chúng tôi vẫn chưa quên Syria, Libya, Yemen”.

“Vào thời điểm thế giới đang vật lộn để chống lại một đại dịch, trọng tâm của các bên nên tránh đụng độ nhau để bảo đảm rằng dân chúng sẽ không phải đối mặt rủi ro nghiêm trọng hơn” – Martin Griffiths, đặc phái viên của LHQ tại Yemen, đưa ra một lời biện hộ tương tự.

Đại dịch “trói tay” quân đội Mỹ

Lầu Năm Góc hồi tuần trước đã thừa nhận rằng đại dịch toàn cầu là một kẻ thù ghê gớm không giống với bất kỳ kẻ thù nào mà họ đã từng đối mặt. Hàng chục binh sĩ Mỹ dương tính với virus corona đã được phát hiện, bao gồm cả 3 ca trên tàu chiến.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper và cấp phó của ông, David Norquist, đã không còn gặp mặt trực tiếp để bảo đảm rằng sẽ còn ít nhất một người đủ khả năng lãnh đạo khi người kia đổ bệnh. Tại Afghanistan, nơi Mỹ cam kết sẽ rút 5.000 quân, các hoạt động rút quân đã bị hoãn lại.

Chỉ huy lực lượng Mỹ tại Afghanistan thừa nhận trong bối cảnh hiện tại, Washington không muốn mạo hiểm đưa hàng ngàn người đi qua những vùng đất khác nhau trên thế giới để trở về nhà. Dự định gửi 20.000 quân Mỹ tới châu Âu để tham gia một cuộc tập trận lớn nhất trong vòng 25 năm qua cũng tan thành mây khói khi lục địa già trở thành tâm đại dịch.

BẢO DUY
TTO