28/12/2024

Cấp bách mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây

Cấp bách mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây

Sau 5 năm đưa vào vận hành, đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đang trở thành đường thấp tốc do ùn tắc triền miên vì lượng phương tiện tăng quá nhanh.
Cao tốc HLD thường xuyên ùn tắc 	  /// Ảnh: Độc Lập
Cao tốc HLD thường xuyên ùn tắc  Ảnh: Độc Lập

Mở rộng lên 6 – 8 làn vẫn chưa đủ?

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tiến độ thực hiện Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn mới đây, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, đã đề xuất Thủ tướng xem xét đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (cao tốc HLD) lên 10 – 12 làn xe.

“Mở đường phải xác định có cả quỹ đất đầu tư, thậm chí có khi phải giải phóng toàn vùng để phát triển đô thị, tạo ra giá trị thặng dư, tái đầu tư cho hạ tầng. Bên cạnh đó, cần có chính sách phù hợp để thu hút các nhà đầu tư tham gia, vừa xây đường, vừa phát triển đô thị dọc tuyến. Vì thế, cần sớm điều chỉnh, lập quy hoạch mới để xác định vùng ranh đất cần giải phóng”.

TS Vũ Anh Tuấn

Theo ông Cao Tiến Dũng, tuyến cao tốc HLD được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư dự án vào năm 2007 chia làm 2 giai đoạn xây dựng. Giai đoạn 1 là đoạn An Phú – Long Thành với quy mô 4 làn xe cho cả đường và cầu, đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng từ năm 2015 tới nay. Giai đoạn 2 hoàn chỉnh đoạn từ An Phú – Long Thành sẽ mở rộng lên 8 làn xe cho cả đường và cầu, đoạn từ Long Thành đến Dầu Giây sẽ mở rộng lên 6 làn xe, thực hiện vào năm nay (2020). Tuy nhiên hiện tuyến cao tốc này thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, đặc biệt tại nút giao An Phú (Q.2, TP.HCM) và nút giao đường cao tốc với QL51. Theo đánh giá của UBND tỉnh Đồng Nai, cao tốc HLD là trục giao thông chính kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cùng với hiện trạng, nếu chỉ xây dựng theo quy hoạch là 8 làn sẽ không đáp ứng được nhu cầu. Do đó, để đảm bảo kết nối giao thông đồng bộ khi đưa Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào khai thác, UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét đầu tư, mở rộng tuyến cao tốc HLD theo quy hoạch đã được duyệt lên 10 – 12 làn xe.

Đây không phải lần đầu tiên UBND tỉnh Đồng Nai trình đề xuất này. Vào tháng 6.2019, trước tình trạng quá tải nghiêm trọng của tuyến đường, ngay khi Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) trình phương án 3 tuyến đường chính kết nối TP.HCM và các địa phương khác với sân bay Long Thành, trong đó có cao tốc HLD, UBND tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu phương án mở rộng tuyến đường lên 12 làn xe, thay vì 8 làn xe theo quy hoạch. Tuy nhiên cuối năm 2019, Bộ GTVT đã giao Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long (Tổng công ty Cửu Long) nghiên cứu mở rộng cao tốc HLD lên 6 – 8 làn xe, đề xuất phương án đầu tư mở rộng đáp ứng nhu cầu vận tải, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo an toàn giao thông.
Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Tổng công ty Cửu Long thông tin Bộ GTVT không đề nghị cụ thể đơn vị này nghiên cứu phương án mở rộng lên bao nhiêu làn. Ngay khi được giao nhiệm vụ, cận kề thời hạn năm 2020 cấp bách mở rộng tuyến đường này nên tổng công ty đã khẩn trương triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi mở rộng cao tốc HLD. Dự kiến trong tuần này Tổng công ty Cửu Long sẽ có kết quả nghiên cứu báo cáo Bộ GTVT.

Duyệt phương án sớm để “giành đất”

Thực tế, chỉ 2 năm sau khi đưa vào vận hành, cao tốc HLD đã nhanh chóng trở thành “thấp tốc” vì quá tải trầm trọng. Theo Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc VN (VEC E) – đơn vị quản lý đường cao tốc HLD – trung bình hiện nay, mỗi ngày cao tốc HLD phục vụ 75.000 lượt xe, trong khi cao tốc được thiết kế chỉ dành cho 59.000 lượt phương tiện/ngày. Mỗi dịp hè, lễ, tết hay cuối tuần, VEC E liên tục phải phát đi nhiều văn bản khuyến cáo chủ phương tiện, lái xe lựa chọn lộ trình thích hợp trong khung giờ cao điểm để tránh ùn ứ, ách tắc.
TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển GTVT Việt Đức, nhận định nhu cầu đi lại trên hành lang tuyến cao tốc HLD đang tăng trưởng với tốc độ vượt xa rất nhiều so với dự báo. Trong tương lai, áp lực giao thông đè lên mạng lưới đường hành lang kết nối TP.HCM và các tỉnh phía đông còn tăng lên mạnh mẽ hơn vì giao lưu kinh tế – xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh miền Đông Nam bộ được dự báo mạnh hơn nhiều so với các tỉnh miền Tây Nam bộ. Vì thế, việc mở rộng cao tốc HLD giai đoạn 2 là cấp bách.
Bên cạnh đó, tuyến cao tốc này không chỉ phục vụ kết nối di chuyển, giao thông liên tỉnh mà còn có vai trò đặc biệt là kết nối trực tiếp với sân bay Long Thành trong tương lai nên nhu cầu mở rộng một số đoạn quan trọng lên mức tối đa 12 làn xe là cần thiết. Sau này, khi tuyến này đã thật sự quá tải, không còn khả năng cải thiện mới tính đến chuyện làm đường sắt hoặc xây dựng thêm các tuyến song hành để giảm tải.
Tuy nhiên theo ông Tuấn, thực tế hiện nay, dọc các tuyến đường phạm vi từ Đồng Nai đổ lại, nhiều khu đô thị mới đã được xây dựng, các nhà đầu tư thi nhau đổ về đây khiến giá đất khu vực này đang tăng “phi mã”. Trong khi đó, để mở rộng đường cao tốc, không phải chỉ giải phóng mặt bằng, lấy đất xây đường mà còn cần giành đất làm thêm các đường song hành để hạn chế điểm đấu nối, tránh tình trạng biến cao tốc thành mạng lưới đường đô thị, nhanh chóng trở nên ùn tắc như bài học của trục đường Mai Chí Thọ. Vì thế, nếu lựa chọn phương án mở rộng lên 12 làn xe, nhà nước cần quyết định sớm để tính toán chi phí đền bù giải phóng mặt bằng sớm, càng để lâu càng tốn nhiều tiền.
HÀ MAI
TNO