Y tế thế giới oằn mình chống đại dịch
Y tế thế giới oằn mình chống đại dịch
Nhiều nước lo ngại về nguy cơ hệ thống y tế không đủ khả năng tiếp nhận và điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Trước tình trạng đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều nước cảnh báo nguy cơ hệ thống y tế sắp quá tải khi đội ngũ nhân viên làm việc quá sức, thiếu giường bệnh, trang thiết bị y tế và trang phục bảo hộ cần thiết.
Thiếu đủ bề
Theo AP, chính quyền bang New York (Mỹ) đang báo động về nhu cầu giường bệnh và trang thiết bị y tế khi số ca mắc bệnh tăng lên hơn 10.000, với hàng chục ca tử vong. “Bất cứ thứ gì có thể đều đã được tiến hành. Chúng tôi thực sự đang lùng sục toàn cầu để tìm nguồn cung ứng về y tế”, Thống đốc New York Andrew Cuomo cho biết. Nhiều bang ở Mỹ cũng đang tìm kiếm nguồn cung ứng trang phục bảo hộ, trong khi một số bệnh viện bắt đầu tự may khẩu trang cho nhân viên, bệnh nhân và khách để đối phó với tình trạng thiếu hụt.
Theo tờ The New York Times ngày 21.3, Trung tâm y tế Đại học Nebraska (Mỹ) vừa bắt đầu thử nghiệm quy trình khử trùng khẩu trang y tế bằng tia cực tím để tái sử dụng vì nếu không trung tâm sẽ hết khẩu trang cho nhân viên trong vòng vài tuần tới. Dù theo quy định khẩu trang này chỉ dùng một lần và không được sử dụng lại, các nhân viên tại đây dự định sẽ khử trùng để sử dụng trong 1 tuần hoặc lâu hơn. Chuyên gia John Lowe cho biết trung tâm đã trao đổi với nhiều cơ sở y tế trên cả nước về việc áp dụng quy trình tương tự.
Nằm trong nhóm 4 nước có ca nhiễm nhiều nhất, Tây Ban Nha cảnh báo rằng nhiều bệnh viện ở nước này sắp quá tải. Quân đội đang xây một bệnh viện dã chiến với 5.500 giường tại Madrid, nơi nhiều khách sạn được tận dụng làm khu vực chăm sóc các ca bệnh nhẹ, trong khi các nhân viên y tế đang phải làm việc gấp đôi thời gian bình thường.
Tình trạng thiếu nhân viên y tế cũng khiến Anh huy động 65.000 y, bác sĩ về hưu trở lại làm việc. Hãng Reuters dẫn lời Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo rằng Cơ quan Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) sẽ quá tải trong 2 – 3 tuần tới nếu cả nước không gia tăng nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh. NHS vừa thỏa thuận với các bệnh viện tư nhằm chuẩn bị thêm hàng ngàn giường bệnh, nhân viên y tế và máy thở để tiếp nhận bệnh nhân. Tại Brazil, Bộ trưởng Y tế Luiz Henrique Mandetta dự báo số ca nhiễm Covid-19 sẽ tiếp tục gia tăng, đồng thời cảnh báo hệ thống y tế nước này sẽ sụp đổ vào tháng 4.
Đề xuất giảm tải
Trước tình trạng trên, nhiều bác sĩ đề xuất mô hình chăm sóc các bệnh nhân Covid-19 tại nhà. Theo báo cáo đăng trên chuyên san NEJM Catalyst, các bác sĩ Mirco Nacoti, Luca Longhi cùng nhiều đồng nghiệp tại Bệnh viện Papa Giovanni XXIII thuộc vùng Lombardy (Ý) cho rằng hệ thống y tế phương Tây có mô hình lấy bệnh nhân làm trung tâm, trong khi việc đối phó đại dịch cần mô hình lấy cộng đồng làm trung tâm. Dù Papa Giovanni XXIII là bệnh viện hiện đại, bác sĩ Nacoti cho biết dịch bệnh khiến khoa chăm sóc tích cực trở nên quá tải, nên giường bệnh ở đây chỉ dành riêng cho những bệnh nhân “có cơ hội sống sót hợp lý”, và các nhân viên y tế phải đưa ra quyết định khó khăn về việc ưu tiên bệnh nhân nào. Trang Stat dẫn báo cáo cho biết nhiều bệnh viện gần đó “sắp sụp đổ” vì thiếu thuốc men, máy thở, ô xy và trang bị bảo hộ.
Theo bác sĩ Maurizo Cereda thuộc hệ thống y tế Penn Medicine (Mỹ), đồng tác giả báo cáo, Mỹ nên nghiên cứu đề xuất này nhằm tránh để vi rút “lợi dụng”. Ông cho rằng nên điều trị nhiều bệnh nhân Covid-19 tại nhà, thậm chí có thể cung cấp ô xy cho họ nếu cần, vì mô hình này không chỉ giúp giảm tải bệnh viện mà còn giảm nguy cơ lây nhiễm cho những bệnh nhân khác chưa nhiễm Covid-19.
Gần 1 tỉ người ở nhà
Thống kê của AFP ngày 22.3 cho thấy gần 1 tỉ người trên thế giới đang phải ở nhà để hạn chế Covid-19 lây lan sau khi số người tử vong trên toàn cầu vượt quá 13.000, trong đó Ý ghi nhận kỷ lục đau lòng mới là 800 ca tử vong trong ngày 21.3. Theo thống kê, số người ở nhà chống dịch thuộc 35 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có khoảng 600 triệu người đang thuộc diện phong tỏa. Thủ tướng Úc hôm qua buộc các cơ sở giải trí, thể dục thể thao đóng cửa kể từ 23.3 để tránh lây nhiễm Covid-19. Cùng ngày, Singapore ra lệnh cấm vô thời hạn mọi hành khách nhập cảnh ngắn hạn hoặc quá cảnh, trong khi Ấn Độ ra lệnh giới nghiêm trên toàn quốc trong 14 giờ để đánh giá năng lực chống dịch. Malaysia quyết định huy động quân đội để thực thi quy định giới hạn đi lại, còn Campuchia cho quốc hội và nhiều bộ ngành áp dụng quy chế làm việc tại nhà. Đáng chú ý, El Salvador hôm qua quyết định cách ly cả nước trong 30 ngày dù mới ghi nhận 3 ca nhiễm bệnh.
KHÁNH AN
TNO