26/12/2024

Rối bời, sốt ruột chờ tinh giản chương trình

Rối bời, sốt ruột chờ tinh giản chương trình

“Mấy bữa nay, giáo viên trường tôi liên tục hỏi về việc tinh giản chương trình. Họ muốn biết thông tin sớm để chủ động sắp xếp chương trình giảng dạy của bộ môn mình phụ trách…”.

 

Rối bời, sốt ruột chờ tinh giản chương trình - Ảnh 1.

Nhóm học sinh lớp 12A2 Trường THPT Nguyễn An Ninh (Q.10,TP.HCM) ôn tập trực tuyến môn văn – Ảnh: NHƯ HÙNG

Nên chọn hướng tinh giản theo mức độ yêu cầu chứ không giảm số lượng kiến thức, để học sinh được học những gì căn bản nhất nhưng nhẹ nhàng hơn so với chương trình hiện hành.

Một hiệu trưởng trường phổ thông tại Hà Nội

Đó là chia sẻ của ông Huỳnh Thanh Phú – hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) – về việc Bộ GD-ĐT cho biết sẽ giảm tải chương trình, công bố đề thi tham khảo kỳ thi THPT quốc gia 2020 vì ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Ông Phú cũng kể giáo viên dạy từ xa cũng rất sốt ruột. “Họ soạn bài dạy từ xa trong thời điểm này nhưng lo ngại bài đó có trong danh sách giảm tải thì sao?” – ông Phú nói thêm.

“Rối bời”

Thầy Võ Kim Bảo – giáo viên môn văn Trường THCS Nguyễn Du, Q.1, TP.HCM – cho biết: “Chúng tôi đang rối bời vì trước đây Bộ GD-ĐT cho phép các địa phương chủ động sắp xếp chương trình giảng dạy.

Có những bài nằm trong sách giáo khoa học kỳ 2 nhưng một số trường đôn lên dạy ở học kỳ 1 và ngược lại. Thế nên, rất có thể những bài mình dạy rồi lại rơi vào diện giảm tải, còn những bài chưa dạy thì không giảm tải, vô tình sẽ làm cho chương trình học kỳ 2 nhiều bài hơn, nặng nề hơn.

Đối tượng mong chờ hướng dẫn giảm tải chương trình hiện là các giáo viên và học sinh lớp cuối cấp, bởi chúng tôi quan tâm nội dung thi sẽ tuyển sinh lớp 10 như thế nào”.

Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Nhiếp – hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) – cho hay: “Trường tôi chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục gồm nội dung chương trình bắt buộc của Bộ GD-ĐT, nội dung dạy học theo chuyên đề, nâng cao.

Hiện chúng tôi đang chờ Bộ GD-ĐT giảm tải ở phần bắt buộc để có thể điều chỉnh kế hoạch. Sẽ khó có thể “cắt cơ học” chương trình. Tôi thấy chỉ có thể giảm bớt những kiến thức không trọng tâm (so với yêu cầu cần đạt của chương trình), những kiến thức gần hoặc trùng lặp, kiến thức nâng cao.

Như vậy sẽ phải rà lại ở từng chương, bài để xử lý. Nhưng nếu Bộ GD-ĐT công bố hướng giảm tải, trường tôi có thể điều chỉnh theo cách này được”.

Thi THPT quốc gia: nên giảm kiến thức lớp 10, 11

Về kỳ thi THPT quốc gia, thầy Trần Văn Toàn – tổ trưởng tổ toán Trường THPT Marie Curie, Q.3, TP.HCM – kiến nghị: “Đề thi THPT quốc gia năm trước có số lượng câu hỏi thuộc nội dung kiến thức khối lớp 10, 11 khá nhiều.

Năm nay, trong bối cảnh đặc biệt, tôi cho rằng Bộ GD-ĐT nên giảm đi phần này. Nếu nội dung đề thi chỉ tập trung vào phần kiến thức lớp 12 thì đã giảm tải rất nhiều cho nhà trường, giáo viên và học sinh rồi.

Mặt khác, ma trận đề thi sẽ bao gồm các câu hỏi đánh giá sự nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao của thí sinh. Như vậy, Bộ GD-ĐT có thể giảm bớt mức độ khó ở những câu hỏi vận dụng cao của đề thi”.

Bên cạnh đó, thầy Toàn cũng đưa ra ý kiến: “Những câu hỏi có tính vận dụng cao nên tập trung vào phần kiến thức của học kỳ 1 lớp 12 vì giáo viên và học sinh trên cả nước đã dạy và học trong điều kiện bình thường. Còn học kỳ 2, cho đến thời điểm này, chúng tôi mới dạy học sinh được 1 tuần là nghỉ tết đến nay”.

Là người viết thư cho Bộ GD-ĐT kiến nghị giảm số lượng môn thi ở kỳ thi THPT quốc gia và thi vào lớp 10, thầy Nguyễn Xuân Khang – hiệu trưởng hệ thống giáo dục Marie Curie (Hà Nội) – cũng cho rằng đề thi THPT quốc gia cần điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.

“Cùng với việc triển khai nhiều hình thức học từ xa ở các trường, Bộ GD-ĐT phải chủ động rà soát, giảm bớt lượng kiến thức của chương trình lớp 12. Việc tinh giản đảm bảo yêu cầu giáo dục nhưng không quá nặng nề để các trường và học sinh có đủ thời gian dạy học, ôn tập kiến thức trọng tâm. Nếu không điều chỉnh thì sẽ khó khăn cho học sinh lớp 12” – ông Khang nêu ý kiến.

Tương tự, hiệu trưởng một trường THPT ở Hà Nội đề nghị Bộ GD-ĐT cân nhắc ban hành đề thi minh họa cho các môn thi để các trường và học sinh có kênh tham khảo chính thức, yên tâm ôn tập với định hướng ra đề thi trong một năm học “đặc biệt” này.

Tính toán sự tiếp nối giữa các lớp/cấp

Thầy Võ Kim Bảo – giáo viên môn văn Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM) – kiến nghị: “Nhiều người lo ngại việc giảm tải chương trình bậc THCS nếu không khéo sẽ ảnh hưởng đến việc học tập tiếp theo của học sinh khi các em học bậc THPT.

Vì vậy, Bộ GD-ĐT nên tính toán đến vấn đề này. Với giáo viên có giảng dạy lớp 9 như chúng tôi thì mong muốn bộ và Sở GD-ĐT TP có văn bản quyết định nội dung thi lớp 10 sẽ nằm trong khuôn khổ kiến thức nào. Ngoài ra, những phần kiến thức còn lại giáo viên có thể hướng dẫn học sinh tự học hoặc phụ đạo thêm cũng được”.

Huy động giáo viên 63 tỉnh thành

Cô Nguyễn Thị Nhiếp đề nghị để việc rà soát, tinh giản được thực hiện và công bố sớm cho các nhà trường, Bộ GD-ĐT nên chọn cách “huy động chất xám” của đội ngũ giáo viên cốt cán ở 63 tỉnh thành.

Ví dụ mỗi môn học huy động một giáo viên cốt cán của một tỉnh/thành phố tham gia nghiên cứu chương trình, đề xuất nội dung giảm tải. Bộ GD-ĐT dựa vào ý kiến của giáo viên cốt cán, đội ngũ chuyên gia để chốt dung lượng sẽ giảm tải. Làm như thế sẽ nhanh hơn và có cơ sở thực tiễn ở những vùng miền có đối tượng học sinh khác nhau.

 

VĨNH HÀ – HOÀNG HƯƠNG
TTO