26/12/2024

Giảm lãi, giãn nợ cho cá nhân vay tiền ?

Giảm lãi, giãn nợ cho cá nhân vay tiền ?

Không những doanh nghiệp mà các cá nhân vay tiền hiện nay cũng cần có những chính sách hỗ trợ bởi việc trả nợ khi bị ảnh hưởng giảm thu nhập từ đại dịch Covid-19 gây ra.
Ngân hàng cần chủ động hỗ trợ cá nhân giảm, giãn nợ vay
 /// Ảnh: Ngọc Thắng

Ngân hàng cần chủ động hỗ trợ cá nhân giảm, giãn nợ vay  Ảnh: Ngọc Thắng

Mất nguồn thu trả nợ

Bà Phan Thanh (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vay ngân hàng (NH) 3 tỉ đồng mua căn nhà trị giá gần 5 tỉ đồng. Sau thời gian trả nợ, số tiền gốc của khoản nợ này còn 1,5 tỉ đồng. Thấy nợ trả đã hòm hòm, cuối năm 2019 bà Thanh vay thêm gần 3 tỉ đồng mua một căn hộ chung cư trên đường Nguyễn Hữu Cảnh. Hiện mỗi tháng tiền lãi bà Thanh phải trả cho 2 khoản vay khoảng 40 triệu đồng, nguồn thu từ cho thuê nhà. Thế nhưng mấy tuần gần đây, những người thuê nhà của bà Phan Thanh liên tiếp yêu cầu giảm giá thuê từ 30 – 50% do gặp khó khăn
.
“Tôi giảm cho họ thì không có tiền trả lãi NH, nhưng không giảm thì họ trả nhà, thật tiến thoái lưỡng nan”, bà Thanh than thở.
Chưa hết, công ty chồng bà Thanh cũng đang gặp khó khăn và thông báo từ đầu tháng 4 tới sẽ giảm 50% lương. “Dịch bệnh bất ngờ và chưa biết đến bao giờ mới kết thúc nên gia đình tôi cũng tính đến việc bán nhà trả nợ. Nhưng thị trường hiện nay bán cũng không dễ, tôi chưa biết tính sao”, bà Thanh nói.
Tương tự, chị Kim Anh (ngụ Q.10, TP.HCM) cũng gặp phải tình cảnh khách thuê trả nhà. Cách đây hơn 3 năm, chị Kim Anh mua căn nhà 5,5 tỉ đồng trên đường Cách Mạng Tháng 8 (Q.10, TP.HCM) và vay NH hơn 3 tỉ đồng.
Mỗi tháng, chị Kim Anh trả tiền gốc và lãi cho NH hơn 50 triệu đồng. Số tiền trả NH từ căn nhà cho thuê giá 25 triệu đồng, tương ứng với tiền lãi. Tiền gốc còn lại được lấy từ lương, thu nhập bán hàng. Đến hết tháng 3, doanh nghiệp trả nhà nên số tiền trả lãi cho NH bị hụt 25 triệu đồng.
“Trước mắt lấy phần tiền tiết kiệm, phòng thân ra trả lãi vài tháng để chờ xem tình hình dịch bệnh thế nào rồi mới tính tiếp. Trường hợp NH xem xét cho giãn được khoản nợ này vài tháng rồi trả, tôi sẽ đỡ bị áp lực hơn”, chị Kim Anh nói.
Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều trường hợp đang vay tiền NH nhưng khoản thu bị hụt, không thể tiếp tục trả nợ.
Sau khi NH Nhà nước ban hành các quy định hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn dịch Covid-19, một số NH bắt đầu triển khai các giải pháp cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng doanh nghiệp (DN) và cá nhân. Tuy nhiên, “khi chúng tôi hỏi các khách hàng cá nhân sẽ được hỗ trợ như thế nào, một số NH vẫn tỏ ra “bối rối” chờ hướng dẫn thực hiện”, bà Thanh nói và cho biết: “Điều mà tôi sợ nhất là bị đánh giá tín nhiệm thấp, hệ thống NH ghi nhận lịch sử trả nợ không đúng hạn. Sau này nếu muốn vay mượn gì cũng sẽ rất khó khăn hoặc NH áp dụng mức lãi suất vay cao”.

Cần giảm, giãn nợ vay cho cá nhân

Mấy năm nay, các NH chủ trương gia tăng cho cá nhân vay nhằm phân tán rủi ro. Vì thế, tỷ trọng cho vay cá nhân tăng đều. Tính đến tháng 8.2019, tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống tăng 13,92% so với cuối năm 2018, chiếm tỷ trọng 20,69% tổng dư nợ nền kinh tế. Tính đến cuối năm 2019, các NH đã cho vay cá nhân vào khoảng 1,6 triệu tỉ đồng.
TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, nhận định các cá nhân đang vay hiện nay cũng rất “căng”. Trường hợp hai vợ chồng cùng trả nợ mà bị cắt giảm lương hoặc 1 người nghỉ việc thì sẽ không đủ tiền để trả NH. “Các chính sách hỗ trợ hiện nay chỉ mới tập trung nhiều vào DN mà chưa có hướng hỗ trợ khách hàng cá nhân, đối tượng mà các NH chú trọng phát triển những năm gần đây. Việc hỗ trợ DN là đúng nhưng cần quan tâm đến cá nhân nhiều hơn”, ông Hiển nói.
Theo phân tích của ông Đinh Thế Hiển, trong những cuộc khủng hoảng kinh tế, việc kích cầu tiêu dùng rất quan trọng. Chính phủ Mỹ thậm chí hỗ trợ người dân bằng tiền mặt. Khi người tiêu dùng nhận được sự hỗ trợ, họ mua sắm, thúc đẩy sức mua, lúc này DN mới bán được hàng, tạo ra công ăn việc làm. Còn ở Việt Nam hiện nay, tâm lý lo ngại dịch đã tác động đến người tiêu dùng khiến họ hạn chế chi tiêu. Đặc biệt những cá nhân đang vay càng phải tính toán “thắt lưng buộc bụng” để có thể trả nợ. Chính vì vậy, các NH cần chủ động hơn trong việc thực hiện giảm, giãn nợ cho khách hàng trong thời gian 3 – 6 tháng để họ có thể an tâm, không quá áp lực trong việc trả nợ.
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu, Cố vấn HĐQT NH TMCP Quốc Dân (NCB), cho rằng các DN bị ảnh hưởng thì người làm công ăn lương cũng bị ảnh hưởng, nhẹ nhất cũng bị giảm lương, giảm thu nhập. Nặng hơn thì mất việc. Cá nhân vay vốn NH cũng là những khách hàng cần được sự hỗ trợ để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này.
TS Nguyễn Trí Hiếu đề xuất giải pháp các NH có thể giảm lãi suất, không chuyển nhóm nợ đối với cá nhân gặp khó khăn trả nợ. NH cũng nên chủ động hoãn đòi nợ khách hàng tại thời điểm khó khăn và áp dụng các biện pháp như giảm, giãn nợ … để hỗ trợ cá nhân vay vượt qua giai đoạn này.
THANH XUÂN
TNO