26/12/2024

Cảnh báo doanh nghiệp nhỏ của EU, Mỹ ‘bùng’ đơn hàng với Việt Nam

Cảnh báo doanh nghiệp nhỏ của EU, Mỹ ‘bùng’ đơn hàng với Việt Nam

Trước việc doanh nghiệp EU, Mỹ đề nghị doanh nghiệp Việt Nam tạm dừng xuất khẩu các mặt hàng dệt may, da giày do dịch COVID-19 khiến sức mua kém, hiệp hội ngành hàng cảnh báo nguy cơ ‘bùng’ hợp đồng ở các nhà đặt hàng nhỏ.

 

Cảnh báo doanh nghiệp nhỏ của EU, Mỹ bùng đơn hàng với Việt Nam - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp sản xuất giày trong nước đang theo dõi rất sát động thái nhập khẩu từ hai thị trường lớn nhất hiện nay của ngành là EU và Mỹ trong giai đoạn này – Ảnh: T.V.N.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Diệp Thành Kiệt, phó chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam (Lefaso), cảnh báo nguy cơ “bùng” hợp đồng, hủy bỏ đơn hàng từ các doanh nghiệp thuần kinh doanh thương mại có quy mô nhỏ của EU, Mỹ, chuyên thực hiện đặt hàng nhỏ lẻ thông qua nhiều cấp trung gian với các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Đây chính là những đơn vị dễ “bỏ của chạy lấy người” nhất nếu đầu ra không bán được ngay tại nước sở tại và sẽ tác động dây chuyền lên các doanh nghiệp trong nước mà họ có giao dịch.

“Tình trạng này đã diễn ra năm 2008 khi khủng hoảng kinh tế xuất hiện. Và thực tế hiện nay đã có doanh nghiệp bị hủy hợp đồng”, ông Kiệt thông tin.

Theo ước tính chưa đầy đủ của Lefaso, nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới, tỉ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất da giày trong nước sẽ bị ảnh hưởng khá lớn, dự báo 50% phải đóng cửa vào cuối tháng 3 và tăng dần đều lên mức ngoài 65% kể từ tháng cuối tháng 4-2020 trở đi.

Ngược lại, với các thương hiệu nổi tiếng, phần lớn đều có nhà máy sản xuất tại Việt Nam nên luôn có các thông báo kịp thời, chi tiết cung cấp cho doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Hiện nay, với các doanh nghiệp sản xuất có nguyên liệu đầu vào đã xử lý hoàn tất, các nhà mua hàng nước ngoài vẫn tiếp tục cho sản xuất nhưng yêu cầu không xuất đi trong giai đoạn này.

“Bản thân các thương hiệu này cũng hết sức quan tâm đến sự ổn định theo chuẩn của chuỗi sản xuất toàn cầu nên có sự giám sát chặt chẽ về số lượng thành phẩm đã làm xong ở từng quốc gia, trong đó có Việt Nam. Từng tiếng một, họ đều cập nhập các quyết định mới  nhất “, ông Kiệt cho hay.

TRẦN VŨ NGHI
TTO