Việt Nam áp thuế chống bán phá giá với bột ngọt của Trung Quốc và Indonesia
Việt Nam áp thuế chống bán phá giá với bột ngọt của Trung Quốc và Indonesia
Mức thuế chống bán phá giá được áp trong khoảng 2,89 – 6,39 triệu đồng cho mỗi tấn bột ngọt nhập từ 2 quốc gia nói trên. Dự kiến biện pháp này sẽ kết thúc vào quý 4/2020.
Bộ Công thương vừa ban hành Quyết định 881 về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm bột ngọt có xuất xứ từ Trung Quốc và Indonesia.
Theo đó, các sản phẩm bột ngọt nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc và Indonesia sẽ bị áp dụng mức thuế tuyệt đối trong khoảng 2.889.245 – 6.385.289 đồng/tấn.
Bộ Công thương bắt đầu điều tra vụ việc từ tháng 10.2019 trên cơ sở kết quả thẩm định hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá của đại diện ngành sản xuất trong nước. Qua quá trình điều tra sơ bộ theo đúng quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Luật Quản lý ngoại thương và các quy định liên quan, Bộ Công thương cho biết, đã xem xét và đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố thiệt hại của ngành sản xuất trong nước, mức độ bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc và Indonesia cũng như các tác động, ảnh hưởng của sản phẩm bột ngọt đối với ngành sản xuất hạ nguồn và người tiêu dùng.
Kết quả điều tra cho thấy, mặc dù biện pháp tự vệ dưới hình thức thuế tuyệt đối ở mức hơn 3,201 triệu đồng/tấn nhưng lượng hàng hóa nhập khẩu sau khi áp thuế tự vệ có dấu hiệu bán phá giá với lượng khá lớn, từ 2,88 triệu đồng/tấn đến hơn 6,3 triệu đồng/tấn đối với hàng hóa nhập khẩu từ 2 Trung Quốc và Indonesia, tương ứng với biên độ bán phá giá cao nhất lên tới hơn 28%.
Bộ Công thương nhận định, mức độ bán phá giá như vậy cho thấy hàng hóa nhập khẩu đang tiếp tục đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất bột ngọt trong nước.
Từ năm 2016 đến nay, ngành sản xuất bột ngọt tại một số nước bắt đầu xảy ra tình trạng dư cung, hàng tồn kho tăng cao dẫn đến việc đẩy mạnh xuất khẩu sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Điều này đã góp phần gây khó khăn và áp lực cho hoạt động của ngành sản xuất trong nước bởi sự gia tăng mạnh hàng hóa bị điều tra nhập khẩu vào Việt Nam trong thời gian qua. Thêm vào đó, Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Trung Quốc và lớn thứ 4 của Indonesia. Do đó, khi thuế tự vệ hết hiệu lực, hàng hóa từ 2 thị trường này sẽ tăng cường xuất khẩu vào thị trường Việt Nam, đe dọa gây thiệt hại đối với sản xuất trong nước.
Cũng theo thông tin của Bộ Công thương, bột ngột của Trung Quốc và Indonesia đang bị Mỹ, EU áp dụng biện pháp chống bán phá giá. Trong nỗ lực tìm thị trường mới thay thế, bột ngột từ 2 quốc gia nói trên đã tìm ra “bến đỗ” mới là Việt Nam.
NGUYÊN NGA
TNO