23/12/2024

Hơn 15% số doanh nghiệp cắt giảm quy mô sản xuất vì COVID-19

Hơn 15% số doanh nghiệp cắt giảm quy mô sản xuất vì COVID-19

Trong tháng 2-2020, khoảng 10% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất. Đặc biệt, chỉ 2 tuần đầu tháng 3, khi dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp, trên 15% doanh nghiệp cắt giảm quy mô sản xuất.

 

Hơn 15% số doanh nghiệp cắt giảm quy mô sản xuất vì COVID-19 - Ảnh 1.

Lao động ngành dệt may là một trong những nhóm ngành bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch COVID-19 – Ảnh: Đ.BÌNH

Đây là số liệu mới nhất về tình hình thị trường lao động thời dịch COVID-19 vừa được Văn phòng Bộ lao động, thương binh và xã hội cung cấp cho Tuổi Trẻ Online trưa 20-3.

Theo báo cáo này, các doanh nghiệp thực hiện cắt giảm quy mô sản xuất tập trung vào ngành dệt may với gần 2,8 triệu lao động đang làm việc, nhiều doanh nghiệp đã phải áp dụng các biện pháp giãn ca, không làm thêm giờ.

Tiếp đó là các doanh nghiệp dịch vụ vận tải hàng không, vận tải đường sắt, đường bộ, hoạt động dịch vụ hỗ trợ cho vận tải, với gần 500.000 lao động đang làm việc, trong đó vận tải hàng không thực hiện cắt giảm lương từ 20%-40% tùy vào từng vị trí, chưa sa thải nhân viên nhưng đang áp dụng biện pháp cho nghỉ luân phiên để tiến tới giảm lương.

“Tình hình dịch bệnh kéo dài thì nguy cơ hàng ngàn lao động thuộc ngành này cũng sẽ bị mất việc làm trong thời gian tới”-báo cáo của Bộ lao động nhận định.

Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống, có trên 500.000 lao động đang làm việc cũng gặp rất nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn vay, lãi xuất ngân hàng và gánh nặng chi phí tiền thuê mặt bằng bắt buộc phải ngừng hoạt động nhưng hầu hết các doanh nghiệp thỏa thuận với người lao động thực hiện cắt giảm lương, giãn ca hoặc cho nhân viên nghỉ không lương để người lao động có thể quay trở lại làm việc ngay sau khi phục hồi kinh doanh…

Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết do bị tác động bởi dịch COVID-19, hàng chục ngàn hộ sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực lưu trú, ăn uống buộc phải tạm ngưng, bỏ kinh doanh (riêng Hà Nội 2 tháng đầu năm đã lên tới 3.000 hộ).

Về nhu cầu tuyển dụng lao động, tất cả các địa phương đều giảm so với cùng kỳ năm 2019, mức độ giảm dao động từ 20-30%, thậm chí có nơi giảm mạnh như TP.HCM giảm tới 40%, Hà Nội giảm 37%.

Về tình trạng thất nghiệp, do tác động của dịch COVID-19 nên số người thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng lên rõ rệt. Tháng 2-2020 có trên 47.000 người, tăng 59,2% so với tháng 01-2020 (gần 30.000 người) và tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái (gần 28.000).

Riêng tại TP.HCM, trong tháng 2 có 9.872 người lao động thất nghiệp nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, tăng gần 4.500 người (80%) so với tháng 01-2020 và tăng hơn 3.600 người (57%) so với tháng 02-2019.

Theo Bộ LĐ-TB&XH thì tại TP.HCM cũng như một số thành phố lớn, lao động thất nghiệp chủ yếu rời vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo…

Bộ LĐ-TB&XH dự báo nếu dịch bệnh được khống chế trong tháng 3-2020 và nền kinh tế quay lại trạng thái bình ổn thì số lao động bị giảm giờ làm bị hoặc mất việc làm là từ 132.000 đến 220.000 lao động.

Nếu dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến xấu (như hiện nay) thì số lao động bị giảm giờ làm bị hoặc mất việc làm là từ 440.000 đến 880.000 lao động. Thậm chí, nếu dịch bùng phát, thì số lao động bị giảm giờ làm bị hoặc mất việc làm là từ 880.000 đến 1,32 triệu lao động.

Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, vận tải và kho bãi, du lịch sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất, với số người chịu ảnh hưởng chiếm khoảng 75-85% tổng số bị ảnh hưởng theo các ước tính ở trên.

ĐỨC BÌNH
TTO