28/12/2024

Châu Âu loay hoay tìm cách cách ly hiệu quả nhất

Châu Âu loay hoay tìm cách cách ly hiệu quả nhất

Các nhà khoa học Anh đánh giá cách ly rộng rãi như nhiều nước đang áp dụng là giải pháp hiệu quả để ngăn chặn dịch lây lan. Dù vậy, virus corona chủng mới vẫn còn nhiều ẩn số.

 

Châu Âu loay hoay tìm cách cách ly hiệu quả nhất - Ảnh 1.

Ngày 13-3-2020, một bà nội trợ ở Rome (Ý) hát trên ban công trong cảnh sống cách ly – Ảnh: AFP

Nhóm nghiên cứu của GS Neil Ferguson ở Đại học Hoàng gia London (Anh) đã lập mô hình các dịch bệnh để xác định chiến lược tốt nhất chống virus corona chủng mới (SARS-CoV-2).

Chiến lược tốt nhất là cách ly

Trong báo cáo công bố hôm 16-3, nhóm nghiên cứu Anh nhận định mối đe dọa sức khỏe của dịch COVID-19 trên toàn cầu mang tính chất nghiêm trọng nhất trong các chủng virus đường hô hấp kể từ dịch cúm Tây Ban Nha.

Từ đó họ đưa ra kết luận: Để tránh hàng trăm ngàn người chết, cần phải thiết lập một phương pháp chung được gọi là phương pháp “loại trừ” nhằm giữ mức lây lan của dịch thấp nhất.

Phương pháp “loại trừ” gồm bốn biện pháp ngăn chặn kết hợp: Cách ly người nhiễm, đóng cửa trường học, cách ly các hộ gia đình và giữ khoảng cách trong mọi tình huống dù trong siêu thị hoặc khi chạy bộ.

Báo cáo của nhóm nghiên cứu ghi nhận chiến lược cách ly không chỉ làm giảm số ca tử vong và giảm số người nhiễm mà còn bảo đảm được mức giới hạn năng lực của cơ sở hạ tầng y tế, nhất là các bệnh viện.

Nếu ít ca nhiễm nặng, các bác sĩ có thể chăm sóc tốt hơn cho người bị nhiễm, từ đó lại giúp giảm số ca tử vong tốt hơn.

Châu Âu loay hoay tìm cách cách ly hiệu quả nhất - Ảnh 2.

Với biện pháp cách ly, ít ra mọi thứ sẽ không trở nên tồi tệ hơn. Trong ảnh là quang cảnh vắng vẻ ở Madrid (Tây Ban Nha) – Ảnh: AFP

Nguy cơ mới sau cách ly

Mô hình cách ly của GS Neil Ferguson chỉ có điểm yếu ở chỗ biện pháp cách ly chỉ mang lại hiệu quả trong thời gian dài, nếu không nói là rất dài.

Nhóm nghiên cứu Anh đã đề xuất mô hình với 5 tháng cách ly kéo dài từ cuối tháng 3-2020 đến cuối tháng 8-2020.

Đối với các bậc cha mẹ bắt buộc phải làm việc từ xa, người học tại nhà hoặc các cặp vợ chồng sống tù túng trong căn hộ 30 m2, thời gian 5 tháng quả là dài đằng đẵng.

Giải pháp quyết liệt cách ly áp dụng cho mọi người chỉ làm trì hoãn đỉnh điểm dịch bệnh vì nhóm nghiên cứu dự báo một khi biện pháp cách ly được dỡ bỏ, virus sẽ gia tăng lây nhiễm dẫn đến cao điểm dịch mới vào giữa tháng 11 và tháng 12-2020.

Nguyên nhân vì mọi người không thể miễn dịch. Khi sống khu trú trong nhà và giữ khoảng cách an toàn một thời gian dài, chúng ta sẽ dễ bị tổn thương hơn một khi hết cách ly.

Châu Âu loay hoay tìm cách cách ly hiệu quả nhất - Ảnh 3.

Một hộ gia đình ở Bordeaux (Pháp) kêu gọi mọi người hạn chế ra ngoài với lời kêu gọi: “Chúng tôi ở nhà. Các bạn hãy làm như vậy” – Ảnh: AFP

Virus có thề bùng phát trong 1-2 năm

Nhóm nghiên cứu của GS Neil Ferguson không phải là nhóm duy nhất đưa ra dự báo như thế.

Chuyên gia dịch tễ học Adam Kucharski tại Trường Y học nhiệt đới & Vệ sinh London (Anh) nhận xét trên trang Vox (Mỹ): “Nghĩ rằng đóng cửa trường học và nhà hàng trong vài tuần để dập dịch rồi sau đó mọi người trở lại cuộc sống bình thường là điều sai lầm. Đây không phải là cách mọi việc sẽ xảy ra. Virus sẽ tiếp tục lưu hành trong một hoặc hai năm”.

Adam Kucharski tóm tắt: “Do không có văcxin hoặc liệu pháp điều trị hiệu quả, không có gì chứng minh cách ly vài tuần (hoặc thậm chí 5 tháng) là đủ”.

Ngoài ra, biện pháp cách ly không thể áp dụng kéo dài. Thật vậy, rất khó tưởng tượng một nền kinh tế trì trệ trong thời gian rất dài.

Hiện tại các nước đã mở van ngân sách nhưng làm sao có thể hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp và cá nhân suốt nhiều tháng. Trường học cũng không thể đóng cửa quá lâu. Chưa kể nguồn nhân lực để ngăn chặn dịch bệnh có giới hạn, nhất là ngành y tế.

Ngoài ra còn phải tính đến hậu quả về tâm lý và xã hội đối với đông đảo dân số bị cách ly.

Chuyên gia dịch tễ học Jennifer Nuzzo ở Trung tâm An ninh y tế John Hopkins (Mỹ) nhận xét ngay cả khi biện pháp cách ly là cần thiết thì biện pháp này cũng không bền vững.

Châu Âu loay hoay tìm cách cách ly hiệu quả nhất - Ảnh 4.

Nguồn nhân lực ngành y tế để ngăn chặn dịch bệnh có giới hạn. Trong ảnh là trung tâm cấp cứu dã chiến trong sân vận động ở Ottawa (Canada) – Ảnh: REUTERS

Giải pháp cách ly không liên tục

Với trở ngại nêu trên, GS Neil Ferguson đã đưa ra chính sách thích ứng: Sẽ dở bỏ biện pháp cách ly ngay khi mức lây nhiễm mới giảm xuống tới ngưỡng nhất định, sau đó tái lập biện pháp cách ly khi số ca nhiễm tăng cao.

Theo mô hình của nhóm nghiên cứu Anh, cách ly theo kiểu không liên tục này có thể được thực hiện ở cấp địa phương (đặc biệt ở quốc gia rộng lớn như Mỹ) nhưng kéo dài 2/3 thời gian cho đến tháng 11-2021, tức thời điểm dự kiến có đủ văcxin cho mọi người.

Nhóm nghiên cứu còn xem xét một lựa chọn khác là tạo miễn dịch cho người dân và lúc đó chỉ cần cách ly người có triệu chứng nhiễm rõ ràng.

Dù vậy, biện pháp này không tránh được tình cảnh bệnh viện quá tải và có thể dẫn đến 250.000 ca tử vong theo mô hình dự báo. Chính vì vậy nhóm nghiên cứu đã quay trở lại giải pháp “loại trừ” đã nói ở đầu bài.

Thật ra các mô hình nêu trên đều dựa vào nhiều dữ liệu dễ thay đổi và thậm chí chưa được biết đến.

Đến nay vẫn còn nhiều điều chưa biết về cách thức lây truyền virus, về mức độ phổ biến của virus (tổng số ca mắc bệnh trên thực tế) và tỉ lệ tử vong thực tế.

Chuyên gia virus học Angela Rasmussen tại Đại học Columbia (Mỹ) nhận định: “Làm thế nào thiết lập biện pháp cách ly hiệu quả khi bạn chưa biết mức độ phổ biến của virus đến đâu?”

Chính vì virus còn nhiều ẩn số nên bắt buộc chúng ta phải thực hiện các biện pháp triệt để nhất.

Angela Rasmussen giải thích: “Công chúng có thể xem cách ly là biện pháp thái quá nhưng ít ra mọi thứ sẽ không trở nên tồi tệ hơn”.

 

HOÀNG DUY LONG

TTO