25/12/2024

Giải cứu kinh tế toàn cầu do dịch Covid-19

Giải cứu kinh tế toàn cầu do dịch Covid-19

Các chính phủ Mỹ và châu Âu đẩy mạnh nhiều gói giải cứu kinh tế, sau khi Uỷ ban Châu Âu thừa nhận giới lãnh đạo đã đánh giá thấp mức độ nguy hiểm của dịch Covid-19.
Phản ứng của các nhà giao dịch tại sàn chứng khoán New York (Mỹ) trước biến động của cổ phiếu vào ngày 17.3 (theo giờ Mỹ) /// Reuters

Phản ứng của các nhà giao dịch tại sàn chứng khoán New York (Mỹ) trước biến động của cổ phiếu vào ngày 17.3 (theo giờ Mỹ)  Reuters
Dịch Covid-19 do vi rút Corona chủng mới (SARS-CoV-2) đang lan rộng khắp thế giới. Bên cạnh nỗ lực chạy đua ngăn chặn dịch bệnh lan rộng và hạn chế số người chết, các cường quốc thế giới đồng thời tìm cách giới hạn ảnh hưởng đối với kinh tế. Cụ thể, các quốc gia giàu nhất thế giới đang lên kế hoạch triển khai những biện pháp đầy tốn kém nhằm chống lại nguy cơ sụp đổ dây chuyền đối với nền kinh tế toàn cầu do ảnh hưởng dịch bệnh.

Gói giải cứu 1.000 tỉ USD

Theo AP, Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc giục quốc hội hãy đẩy nhanh tốc độ thông qua gói giải cứu kinh tế do Nhà Trắng đề xuất. Với giá trị dự kiến lên đến 1.000 tỉ USD, đây là sáng kiến giải cứu với quy mô chưa từng thấy tại Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 – 2009. Trong số này, khoảng 250 tỉ USD có thể chạy thẳng vào túi của dân Mỹ bằng hình thức “phát tiền”. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin nhấn mạnh Tổng thống Trump muốn người Mỹ phải nhận tiền trong vòng 2 tuần nữa.
Vẫn chưa rõ số tiền mặt mà mỗi người dân có thể nhận được, nhưng theo đề xuất của Thượng nghị sĩ Mitt Romney là 1.000 USD/người. Không riêng gì chính phủ, mà một số doanh nghiệp Mỹ cũng có hình thức tương tự, như Facebook trả thêm 1.000 USD/nhân viên để hỗ trợ họ làm việc từ xa trong giai đoạn khó khăn này.

Châu Âu đồng loạt ra tay

Tại châu Âu, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak công bố gói ứng cứu khổng lồ trị giá 330 tỉ bảng Anh (gần 400 tỉ USD), tương đương 15% GDP của nước này. Ông Sunak nhấn mạnh: “Tôi muốn đảm bảo với mỗi người Anh rằng, chính phủ sẽ trao cho các bạn mọi công cụ cần thiết để vượt qua cuộc khủng hoảng hiện tại”, theo báo The Guardian. Trong khi đó, Pháp chuẩn bị bơm 45 tỉ euro vào nền kinh tế để hỗ trợ các công ty và người lao động, theo báo Les Echos. Thụy Sĩ cũng triển khai các biện pháp trị giá khoảng 30 tỉ USD nhằm bảo vệ các công ty và người lao động.
Về phần mình, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ngày 17.3 tuyên bố đã thông qua gói giải cứu 200 tỉ euro nhằm làm dịu các ảnh hưởng kinh tế do Covid-19 gây ra. Gói giải cứu này chiếm khoảng 20% GDP cả nước và đánh dấu “sự huy động các nguồn lực kinh tế lớn nhất trong lịch sử Tây Ban Nha”. “Chúng ta phải chiến đấu với con vi rút đó trên mặt trận kinh tế… dựng nên lá chắn kinh tế và xã hội để bảo vệ việc làm, công ty và gia đình của mỗi công dân Tây Ban Nha”, Reuters dẫn lời Thủ tướng Sanchez.
Ở nam bán cầu, chính phủ New Zealand tuyên bố chi 12,1 tỉ NZD (7,1 tỉ USD), chiếm 4% GDP, cho các hoạt động hỗ trợ kinh doanh, tăng cường phúc lợi cho người cao tuổi và các gia đình thu nhập thấp, cũng như chi trả cho người lao động không thể đi làm vì bị cách ly. Úc hôm qua cũng bơm thêm 715 triệu AUD giải cứu ngành hàng không đang bị thua lỗ vì dịch Covid-19.
Sau khi Mỹ hôm 17.3 xác nhận dịch Covid-19 đã lan đến toàn bộ 50 tiểu bang, Lầu Năm Góc tuyên bố khởi động quy trình chuẩn bị cho các tàu bệnh viện tham gia cuộc chiến chống vi rút SARS-CoV-2 tại nước này, theo trang USNI News. Hai tàu bệnh viện là USNS Mercy và USNS Comfort đều có 1.000 giường bệnh, đảm bảo nhu cầu trong tình trạng khẩn cấp. Quân đội Mỹ cũng sẵn sàng triển khai cơ sở bệnh viện dã chiến chuyên phục vụ cho hoạt động viễn chinh nếu cần thiết. Tính đến tối qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper cho biết lực lượng vệ binh quốc gia đã được kích hoạt tại ít nhất 18 tiểu bang của Mỹ, nhằm đảm bảo thi hành các biện pháp phong tỏa và cách ly tại địa phương.
THUỴ MIÊN
TNO