17/11/2024

Thủ tướng Đức: Trung Quốc hỗ trợ châu Âu chống COVID-19 là ‘có đi có lại’

Thủ tướng Đức: Trung Quốc hỗ trợ châu Âu chống COVID-19 là ‘có đi có lại’

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã hạ thấp mối lo ngại về việc Trung Quốc hỗ trợ vật tư y tế cho các nước châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, gọi đây động thái “có đi có lại”.
Đội ngũ chuyên gia y tế Trung Quốc tại sân bay Fiumicino (Rome, Ý) để hỗ trợ Ý dập dịch Covid-19 /// Reuters

Đội ngũ chuyên gia y tế Trung Quốc tại sân bay Fiumicino (Rome, Ý) để hỗ trợ Ý dập dịch Covid-19  Reuters
Liên minh châu Âu (EU) trước đó đã gửi thiết bị y tế đến Trung Quốc khi Bắc Kinh yêu cầu giúp đỡ để chống lại dịch COVID-19, bà Merkel nói trong buổi họp báo ngày 17.3, theo tờ South China Morning Post.
“Những gì chúng ta đang thấy ở đây là có đi có lại. Hiện chúng ta đang gặp khủng hoảng nên không thể hy vọng mọi thứ sẽ được cung cấp trong khuôn khổ EU. Chúng tôi rất hài lòng về sự hỗ trợ của Trung Quốc”, bà Merkel nói thêm.
Trước đó, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ cung cấp các thiết bị y tế như khẩu trang, máy thở và thiết bị bảo hộ cho Ý và Tây Ban Nha, hai quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì đại dịch COVID-19 ở châu Âu.
Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng động thái hỗ trợ y tế của Bắc Kinh là một phần của chiến dịch ngoại giao được thiết kế để làm chệch hướng dư luận quốc tế, và nhất là tuyên bố của Mỹ cho rằng virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh COVID-19 có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Thủ tướng Đức: Trung Quốc hỗ trợ châu Âu chống COVID-19 là ‘có đi có lại’ - ảnh 1

Quầy check-in ở sân bay quốc tế Frankfurt (Đức) vắng ngắt, ngày 16.3.2020  Reuters

SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tiên vào cuối năm ngoái tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) và các quan chức địa phương bị cáo buộc cố gắng che giấu thông tin ban đầu. Khi số ca nhiễm giảm mạnh gần đây, chính phủ Trung Quốc đã tìm cách nhấn mạnh vai trò tích cực trong việc kiểm soát sự lây lan của bệnh và tăng cường hợp tác quốc tế, theo Reuters.
Ngày 17.3, một máy bay từ Thượng Hải đã hạ cánh ở thành phố Zaragoza phía bắc Tây Ban Nha, mang theo 500.000 khẩu trang do tập đoàn thương mại điện tử Alibaba tặng, theo AFP. Đây là một phần trong chương trình quyên góp 2 triệu khẩu trang và bộ dụng cụ xét nghiệm COVID-19 cho một số quốc gia, do tỉ phú Trung Quốc, ông Jack Ma khởi xướng.
Tuần rồi, 9 chuyên gia Trung Quốc và vài tấn viện trợ y tế đã được gửi đến Ý bằng một chuyến bay đặc biệt để hỗ trợ nước này chống lại dịch COVID-19.
Trung Quốc đẩy mạnh hỗ trợ các nước ở châu Âu chống lại dịch COVID-19, nhưng lại kèm hình ảnh bản đồ với tuyên bố chủ quyền phi lý “đường lưỡi bò” nuốt trọn gần cả Biển Đông vào thông điệp trên tài khoản chính thức của đại sứ Trung Quốc tại Ý, khiến dư luận Việt Nam bức xúc.

Động thái ngoại giao vì dịch COVID-19 của Trung Quốc diễn ra đúng vào thời điểm căng thẳng giữa Mỹ và EU leo thang. Chính phủ Tổng thống Trump vừa ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với tất cả người từ châu Âu sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 13.3 tuyên bố châu lục này hiện là “tâm chấn” của đại dịch COVID-19 toàn cầu.

Bên cạnh đó, chính phủ Trung Quốc đang muốn né tránh dư luận quốc tế chỉ trích nước này làm lây lan dịch COVID-19 khắp thế giới, nên tăng cường hoạt động ngoại giao và gần đây còn gieo rắc thuyết âm mưu cho rằng SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Mỹ. Điều này dẫn đến cuộc khẩu chiến giữa Mỹ và Trung Quốc giữa lúc thế giới đang căng thẳng dập dịch COVID-19.
Kể từ khi bùng phát tại Trung Quốc cuối năm ngoái, dịch COVID-19 đến nay đã lây nhiễm cho hơn 197.100 người và làm chết hơn 7.900 người ở 145 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
So về số ca tử vong, các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì COVID-19 là Trung Quốc đại lục, với hơn 3.200 người chết; Ý là hơn 2.500; gần 1.000 người ở Iran và hơn 530 người tại Tây Ban Nha.
PHÚC DUY
TNO