16/11/2024

Cạnh tranh độc quyền vắc xin Covid-19

Cạnh tranh độc quyền vắc xin Covid-19

Truyền thông Đức loan tin Mỹ muốn được độc quyền sản xuất vắc xin phòng Covid-19 đang được phát triển tại Đức.
Một chuyên gia của Hãng CureVac làm việc trong phòng điều chế vắc xin chống Covid-19 tại TP.Tuebingen, Đức ngày 12.3 /// Reuters

Một chuyên gia của Hãng CureVac làm việc trong phòng điều chế vắc xin chống Covid-19 tại TP.Tuebingen, Đức ngày 12.3  Reuters
Hãng AFP ngày 16.3 đưa tin chính phủ Berlin cam kết sẽ chống lại mọi nỗ lực được cho là của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tìm cách mua lại bản quyền vắc xin phòng bệnh Covid-19 do công ty Đức phát triển.

“Không phải để bán”

Cuộc chạy đua được cho là giành thế độc quyền giữa Đức và Mỹ diễn ra trong lúc các nhà khoa học nỗ lực phát triển vắc xin phòng vi rút Corona mới (SARS-CoV-2) gây bệnh Covid-19, đến nay làm tử vong hơn 6.500 người trên thế giới. “Các nhà khoa học Đức đóng vai trò tiên phong trong phát triển thuốc và vắc xin. Chúng tôi không cho phép người khác tiếp cận kết quả nghiên cứu độc quyền này”, theo tờ Funke dẫn lời Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 16.3.
“Nghiên cứu vắc xin của Đức không phải để bán”, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier khẳng định trên Đài truyền hình ARD, nhằm phản ứng về một bài báo đăng trên tờ Die Welt có tiêu đề “Trump vs Berlin” (tạm dịch Tổng thống Trump đối đầu với Berlin).
Tờ Die Welt cho rằng Tổng thống Trump đang cố bảo đảm Mỹ được độc quyền về vắc xin phòng Covid-19, đang được nghiên cứu bào chế tại Hãng công nghệ sinh học CureVac có trụ sở tại TP.Tuebingen (Đức). Trích dẫn các nguồn tin thân cận với chính phủ Đức, Die Welt đưa tin Tổng thống Trump đề nghị trả CureVac khoảng “1 tỉ USD” (23.200 tỉ đồng) để bảo đảm vắc xin “chỉ dành riêng cho Mỹ”. Tại cuộc họp báo ngày 15.3, khi được hỏi liệu Mỹ có cố mua lại CureVac hay không, Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer cho hay ông có nghe thông tin đó từ “một số quan chức chính phủ”.

Sẵn sàng chia sẻ vắc xin với thế giới

Tuy nhiên, hai quan chức Mỹ khẳng định với tờ The New York Times rằng câu chuyện trên đã được thổi phồng. Một trong hai người cho biết chính phủ Mỹ đã thảo luận với hơn 25 công ty tuyên bố có thể chế tạo vắc xin. Quan chức này cũng phủ nhận cáo buộc cho rằng Mỹ đang tìm cách giữ vắc xin cho riêng mình. Ông nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận với bất kỳ công ty nào tuyên bố có thể chế tạo được vắc xin. Và mọi giải pháp hiệu quả sẽ được chia sẻ với thế giới”.
Hãng CureVac ngày 15.3 ra thông cáo phủ nhận việc bán công ty hay bán công nghệ. Công ty đã bắt đầu nghiên cứu một số loại vắc xin và hiện chọn 2 loại triển vọng nhất để thử nghiệm lâm sàng, với hy vọng sẽ có vắc xin thử nghiệm vào tháng 6 – 7. Theo AFP, Hãng CureVac đang hợp tác với Viện Paul-Ehrlich thuộc Bộ Y tế Đức để điều chế vắc xin. “Chính phủ Đức rất quan tâm đến việc phát triển vắc xin và các hoạt chất chống SARS-CoV-2 được thực hiện ở Đức và châu Âu”, một phát ngôn viên của Bộ Y tế nói với tờ Die Welt, đồng thời cho biết thêm chính phủ Đức đang đàm phán với CureVac về việc phát triển vắc xin.
Nhà đầu tư chính của CureVac khẳng định sẽ không bán vắc xin cho bất cứ quốc gia riêng lẻ nào. “Chúng tôi muốn phát triển vắc xin cho cả thế giới và không cho bất cứ quốc gia riêng lẻ nào”, đại diện Tập đoàn Dievini Hopp Biotech Holding, nhà đầu tư của CureVac, phát biểu trên tờ Mannheimer Morgen. Bộ trưởng Altmaier hoan nghênh tuyên bố này, nói rằng đó là một “quyết định đúng đắn”. Ông cũng nói thêm nếu có bên nào mua lại, chính phủ Đức sẽ can thiệp. Ông Altmaier nhấn mạnh: “Đối với cơ sở hạ tầng quan trọng cho lợi ích quốc gia và châu Âu, chúng tôi sẽ hành động nếu cần thiết”.
Mỹ thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covid-19
Hãng AP đưa tin Mỹ đang khởi động cuộc thử nghiệm lâm sàng đối với một loại vắc xin phòng SARS-CoV-2. Cuộc thử nghiệm vắc xin không được công khai, nhưng một quan chức chính phủ Mỹ xác nhận những người tham gia nhận vắc xin tại Viện Nghiên cứu y tế Kaiser Permanente Washington ở TP.Seattle ngày 16.3. Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) là bên cấp quỹ cho hoạt động thử nghiệm này. Giới chức Mỹ cho hay phải mất từ 12 – 18 tháng nếu muốn có vắc xin sử dụng được cho người.
WHO: Không có bằng chứng Mỹ lây SARS-CoV-2 sang Trung Quốc
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết không có bằng chứng cho thấy Mỹ mang SARS-CoV-2 vào Trung Quốc. “Chúng tôi chưa bao giờ thấy cáo buộc cũng như bất kỳ bằng chứng nào để củng cố giả thuyết Mỹ mang SARS-CoV-2 vào Trung Quốc”, theo tờ The Washington Times ngày 15.3 dẫn lời phát ngôn viên Christian Lindmeier của WHO. Ông Lindmeier nhấn mạnh WHO đã điều nhóm chuyên gia đến Trung Quốc để tìm hiểu cơ chế lây lan của SARS-CoV-2. Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Nghiên cứu dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, vẫn khẳng định SARS-CoV-2 chắc chắn có nguồn gốc từ TP.Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc). Trước đó, trên Twitter ngày 12.3, ông Triệu Lập Kiên, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, viết: “Biết đâu chính quân đội Mỹ đã mang SARS-CoV-2 đến Vũ Hán”, nhưng không đưa ra bằng chứng cụ thể.
HUỲNH THIỀM
TNO