25/11/2024

Chiến lược đạt ‘miễn dịch cộng đồng’ virus corona của Anh nghĩa là gì?

Chiến lược đạt ‘miễn dịch cộng đồng’ virus corona của Anh nghĩa là gì?

Đã xuất hiện thêm lo ngại về việc truyền thông Anh dẫn lời ông Patrick Vallance, trưởng cố vấn khoa học Chính phủ Anh, nói về việc sẽ cần 60% (tức khoảng 40 triệu) người Anh bị nhiễm virus corona để có miễn dịch cộng đồng.

 

Chiến lược đạt ‘miễn dịch cộng đồng’ virus corona của Anh nghĩa là gì? - Ảnh 1.

Ông Patrick Vallance – trưởng cố vấn khoa học Chính phủ Anh – Ảnh: AFP

Những lo ngại này bao gồm: Liệu Chính phủ Anh có đang “chủ động cho virus corona lây lan diện rộng nhằm giúp đạt được trạng thái miễn dịch cộng đồng” hay không? Nếu đúng vậy, phải chăng Chính phủ Anh đang muốn người dân nước này nhiễm virus?

Tuổi Trẻ Online cung cấp thêm thông tin cho bạn đọc về khái niệm “miễn dịch cộng đồng” và phát biểu đầy đủ của ông Patrick Vallance về ý tưởng “miễn dịch cộng đồng” nhằm ngăn virus corona ở nước Anh.

Miễn dịch cộng đồng là gì?

Miễn dịch cộng đồng trong tiếng Anh là “herd immunity”, chỉ tình trạng một cộng đồng được bảo vệ gián tiếp trước nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Miễn dịch cộng đồng xuất hiện khi một tỉ lệ lớn cộng đồng ấy đã trở nên miễn dịch với bệnh, từ đó họ trở thành “lá chắn sống” cho những người chưa bị nhiễm.

Lấy ví dụ nếu tỉ lệ dân số nhiễm bệnh của một cộng đồng là 10%, thì số 10% này sẽ tiếp xúc với 90% còn lại và lây bệnh.

Nhưng nếu có tới 80% đến 90% cộng đồng ấy đã mắc bệnh và qua khỏi, cơ thể họ sẽ có kháng thể chống virus. Sử dụng giả thiết rằng người mắc bệnh rồi sẽ không mắc bệnh lần hai, 90% số người này sẽ là lá chắn sống xung quanh những người chưa bị nhiễm, vì 90% này là những người sẽ tiếp xúc với 10% người chưa bị nhiễm còn lại.

Các chuyên gia cho rằng việc tạo ra miễn dịch cộng đồng sẽ có ý nghĩa lớn đối với người già, trẻ em hoặc trẻ sơ sinh, vốn là những đối tượng dễ tổn thương nhất trước dịch bệnh do sức đề kháng, hệ miễn dịch hoặc sức khỏe yếu.

Nói cách khác, 10% người chưa nhiễm đó nếu là người già và trẻ em, trẻ sơ sinh, họ sẽ được 90% người nhiễm và khỏi bệnh che chắn.

Chiến lược đạt ‘miễn dịch cộng đồng’ virus corona của Anh nghĩa là gì? - Ảnh 2.

Sơ đồ giải thích hiệu quả của miễn dịch cộng đồng. Những người đã miễn dịch và khỏe mạnh (màu vàng) chiếm đa số trong cộng đồng sẽ giúp “ngăn cách” những người không miễn dịch và khỏe mạnh (màu xanh) và những người không miễn dịch và bị bệnh (màu đỏ). Vì những người màu vàng đã miễn dịch, họ sẽ không lây nhau, không lây cho các thành phần còn lại, đồng thời cũng là một “lá chắn sống” ngăn virus – Ảnh chụp màn hình

Cố vấn Anh Patrick Vallance đã nói gì?

Trong thực tế, phát biểu chính thức của ông Vallance không trực tiếp nói Chính phủ Anh đang chủ động thúc đẩy dịch lây lan.

CNN tường thuật ông Vallance trả lời Reuters chính xác như sau: “Chúng tôi cho rằng virus này nhiều khả năng sẽ quay lại hằng năm và trở thành virus mùa, và cộng đồng sẽ trở nên miễn dịch với nó, và đó cũng là một phần quan trọng trong việc kiểm soát nó trong dài hạn. 60% (người bị nhiễm – PV) là con số bạn cần để có miễn dịch cộng đồng”.

Guardian ngày 14-3 (giờ Việt Nam) cũng đăng bản tin ông Vallance bảo vệ cách tiếp cận của Chính phủ Anh như sau:

“Cái chúng tôi không muốn ở đây là mọi người bị nhiễm trong một giai đoạn ngắn, từ đó tràn ngập và gây áp lực cho dịch vụ của NHS (Cơ quan Y tế quốc gia Anh). Đây là cách kiềm hãm đỉnh dịch.

Mục tiêu của chúng tôi là cố gắng và hạ thấp đỉnh dịch, kéo giãn đỉnh dịch, chứ không ngăn nó hoàn toàn; thêm nữa, vì đa phần mọi người có bệnh nhẹ, việc xây dựng miễn dịch cộng đồng sẽ giúp càng nhiều người miễn dịch hơn với dịch này, và chúng tôi giảm được sự lây nhiễm, đồng thời chúng tôi bảo vệ những người dễ tổn thương vì dịch bệnh…”, ông Vallance nói.

Chính phủ Anh đang làm gì?

Chính phủ Anh đề ra kế hoạch ba giai đoạn gồm kiềm chế, trì hoãn (làm chậm lại) và giảm thiểu, trong đó cụ thể hơn về phản ứng thì có 4 giai đoạn tổng cộng tính thêm khâu research (nghiên cứu): kiềm chế, trì hoãn, nghiên cứu và giảm thiểu.

Ban đầu, người Anh triển khai giai đoạn 1 (kiềm chế). Đến ngày 12-3 vừa qua, Thủ tướng Anh Boris Johnson mới xác nhận chính phủ đang bước vào giai đoạn 2, tức trì hoãn. Lần tuyên bố này cũng bao gồm những phát biểu mới đây của ông Vallance về “miễn dịch cộng đồng”.

Ưu tiên của Chính phủ Anh lúc này là làm chậm lại sự lây lan của dịch, tức sẽ khuyến cáo người dân tự cách ly và hạn chế tham gia các sự kiện đông người. Theo đó, chiến lược này cũng bao gồm một số biện pháp như đóng cửa trường học, hủy các sự kiện lớn…

Những biện pháp như đóng cửa trường học vừa nêu được xếp vào chiến thuật “cách ly xã hội” (social distancing).

Đáng chú ý, việc “cách ly xã hội” chưa được Chính phủ Anh chính thức triển khai, và đây cũng là điểm tạo ra sự chỉ trích từ phe đối lập. Lấy ví dụ ông Jeremy Hunt, cựu bộ trưởng y tế, hiện nay ủng hộ các biện pháp mạnh tay về cách ly xã hội như hủy sự kiện và đóng cửa trường học.

Miễn dịch cộng đồng đang gây tranh cãi

Về lý thuyết, miễn dịch cộng đồng là giải pháp lâu dài để ngăn virus. Khái niệm này thường được dùng trong việc tiêm ngừa, văcxin.

Nhưng tới nay, nhiều ý kiến phản đối cho rằng khác với cúm mùa hay bệnh sởi, dịch bệnh do virus corona chủng mới gây ra (COVID-19) chưa có văcxin và cũng chưa ai có kháng thể với nó. Chính vì vậy chuyện cho người dân nhiễm bệnh, nếu có, cũng là một cách làm quá mạo hiểm, trong khi văcxin mới là lựa chọn tốt nhất để có miễn dịch cộng đồng.

Tạp chí Newsweek (Mỹ) dẫn lời bác sĩ y khoa Gary L. LeRoy, chủ tịch Học viện bác sĩ gia đình Mỹ (AAFP), khẳng định vì chưa có văcxin, vào lúc này cách duy nhất để tạo ra bất kỳ hình thức miễn dịch cộng đồng nào cũng là để cho mọi người có bệnh và tự phát triển kháng thể.

Tuy nhiên, ông LeRoy cho biết hiện nay chưa có miễn dịch cộng đồng đối với virus corona chủng mới gây COVID-19.

Shaun Lintern, cây bút y tế của báo Independent, thậm chí quả quyết hiện nay “không có cơ hội có miễn dịch cộng đồng với virus corona”.

Ông nói: “Là một virus hoàn toàn mới, hiện không ai có miễn dịch với nó cả, nên mỗi người đều dễ tổn thương do virus. Miễn dịch cộng đồng chỉ có hiệu quả một khi đa số người dân nhiễm bệnh và sống sót, vì khi đó cơ thể họ tạo kháng thể với virus”.

NHẬT ĐĂNG
TTO