26/12/2024

Các nước châu Âu chạy đua khống chế dịch, riêng Ý ‘như thời chiến’

Các nước châu Âu chạy đua khống chế dịch, riêng Ý ‘như thời chiến’

Nhiều bác sĩ Ý kể rằng họ như đối mặt với cơn sóng thần bệnh nhân COVID-19 và số ca bệnh nhiều đến nỗi như tình cảnh thời chiến khi các bác sĩ phải ra quyết định sinh tử: ai sống, ai chết và ai được vào phòng cấp cứu.

 

Các nước châu Âu chạy đua khống chế dịch, riêng Ý như thời chiến - Ảnh 1.

Các nhân viên y tế Ý chăm sóc bệnh nhân trong phòng hồi sức cấp cứu ở Cremona, Ý – Ảnh: Reuters

Hàng loạt quốc gia châu Âu siết chặt các biện pháp chống COVID-19 trong bối cảnh dịch lây lan nhanh chóng tại khu vực. Nhiều nước cấm cửa du khách từ phương Tây.

Từ việc cho học sinh nghỉ học cho đến đóng cửa toàn bộ nhà hàng, cửa hàng… trên toàn quốc, các nước từ Anh, Pháp, Đức cho đến Ý đang gấp rút áp dụng các biện pháp mạnh để ngăn sự lây lan của virus corona chủng mới, hiện đang là sát thủ tại nhiều nước.

Chạy đua phong tỏa

Pháp, Ireland, Áo, Bỉ, Thổ Nhĩ Kỳ và Na Uy là những nước mới nhất quyết định đóng cửa toàn bộ trường học các cấp và đại học tính đến ngày 13-3 sau khi con số lây nhiễm ở Ý tiếp tục tăng vọt.

Tây Ban Nha, một trong những nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất sau Ý, áp dụng các biện pháp kiểm soát mạnh tay hơn, cách ly bốn thành phố gần Barcelona sau khi số ca tử vong tăng mạnh từ 47 lên 84 sau một ngày.

Ý trước đó đã quyết định đóng cửa toàn bộ cửa hàng, nhà hàng toàn quốc, trừ các nhà thuốc và siêu thị. Nguy cơ châu Âu “vỡ trận” đã buộc Mỹ và nhiều nơi ở châu Á phải cấm du khách từ khu vực này.

Tổ chức Y tế thế giới đã bày tỏ lo ngại “một số nước không tiếp cận nguy cơ ở mức độ có các cam kết chính trị cần thiết để kiểm soát nó”. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu mới đây cũng cảnh báo khả năng “những tình huống tương tự ở Ý và Trung Quốc sẽ xảy ra ở các nước châu Âu khác hoặc Anh”.

Tại Ý, đặc biệt tại vùng Lombardy, hệ thống y tế đang ngày càng quá tải trước sức ép từ số ca bệnh tăng. Giulio Gallera – một quan chức y tế cấp cao ở Lombardy, nơi đã có hơn 600 ca tử vong – nói rằng để giải phóng bớt chỗ trong các phòng chăm sóc đặc biệt, khu vực này đã đơn giản hóa thủ tục cấp giấy báo tử. Và do không được tổ chức tang lễ, việc hỏa táng cũng được đẩy nhanh.

Nhiều bác sĩ Ý kể rằng họ như đối mặt với cơn sóng thần bệnh nhân COVID-19 và số ca bệnh nhiều đến nỗi như tình cảnh thời chiến khi các bác sĩ phải ra quyết định sinh tử: ai sống, ai chết và ai được vào phòng cấp cứu.

“Cuộc chiến đã bùng nổ đúng nghĩa và các trận chiến diễn ra liên tục ngày đêm” – bác sĩ Daniele Macchini nói và cho rằng người dân Ý có thể đã đánh giá thấp dịch bệnh bởi các khuyến cáo không nên quá hoảng sợ.

Tại Anh, Cơ quan Y tế quốc gia Anh (NHS) cũng đang đứng trước sức ép lớn từ dịch. Báo Guardian ngày 13-3 cho biết nhiều nhân viên y tế Anh lo ngại hệ thống y tế của nước này sẽ không thể chống chịu được nếu xảy ra cuộc khủng hoảng như tại Ý.

Không gì là không thể

Ý hiện có tỉ lệ tử vong cao hơn nhiều nước châu Âu khác khi có hơn 1.000 ca tử vong trên khoảng 15.000 ca bệnh.

Truyền thông các nước châu Âu đưa ra nhiều lý giải cho điều này từ việc Ý có số đơn vị hồi sức cấp cứu thấp, thông thường vào khoảng 5.000 đơn vị so với 13.000 đơn vị ở Pháp. Ngoài ra người già chiếm tỉ lệ cao ở Ý cũng là nguyên nhân làm cho các ca tử vong vì COVID-19 tại nước này tăng cao.

Các chuyên gia đánh giá việc người chết tăng cao còn phụ thuộc vào chính sách xét nghiệm tại mỗi nước, chỉ xét nghiệm những ca nghiêm trọng sẽ có số ca nhiễm thấp hơn và tỉ lệ tử vong cao hơn. Ngoài việc Ý cũng được cho là đã “hụt chân” khi số ca nhiễm tăng quá nhanh trong thời gian đầu khiến nước này không kịp trở tay để khống chế dịch.

“Đức là nước dẫn đầu trong việc chẩn đoán” – nhà virus học người Đức Christian Drosten tự tin, cho biết các cơ sở y tế trên khắp nước này đã đẩy mạnh việc xét nghiệm virus corona chủng mới từ tháng 1-2020.

Đài BBC cho rằng Anh đã chẩn đoán được nhiều ca nhiễm hơn Ý ở giai đoạn đầu của dịch. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, dịch bệnh tại từng nước châu Âu đang ở giai đoạn khác nhau và giai đoạn bùng phát ở Anh, Pháp đang chậm hơn Ý từ một đến hai tuần.

Có nhiều lo ngại rằng con số thực tế tại Ý, điểm du lịch thu hút nhiều du khách châu Âu, cao hơn nhiều so với thống kê. Trong khi số ca nhiễm cao ở Đức cho thấy dịch đang khó kiểm soát. “Chúng ta phải chuẩn bị cho một kịch bản như nước Ý” – tổng giám đốc Cơ quan Y tế Pháp Jerome Salomon nhấn mạnh ngày 12-3.

Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 12-3 cũng cảnh báo có thể đã có đến 5.000 – 10.000 ca nhiễm ở nước này dù con số thống kê chính thức vào thời điểm này chỉ khoảng 600 ca.

“Một số người so sánh nó (COVID-19) với cúm mùa nhưng điều đó không đúng. Do chúng ta thiếu sự miễn dịch, căn bệnh này nguy hiểm hơn nhiều. Dịch sẽ lây lan mạnh hơn và tôi phải nói thẳng với các bạn, nói thẳng với công chúng Anh rằng sẽ còn có nhiều gia đình mất đi người thân” – ông Johnson nói.

TRẦN PHƯƠNG
TTO