24/11/2024

Tìm ‘bà đỡ’ cho dự án nghệ thuật cộng đồng

Tìm ‘bà đỡ’ cho dự án nghệ thuật cộng đồng

Sự lan toả của dự án nghệ thuật Phố bên đồi, sự thành công của dự án cải lương Tiếp bước trăm năm, hay sự quan tâm của giới trẻ dành cho những dự án của Nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Sài Gòn… cho thấy mô hình này đóng vai trò nhất định trong sự phát triển chung của đời sống văn hoá.
Tác phẩm của các họa sĩ thực hiện trên tường nhà dân ở dốc Nhà Làng, thuộc dự án Phố bên đồi  /// BTC

Tác phẩm của các họa sĩ thực hiện trên tường nhà dân ở dốc Nhà Làng, thuộc dự án Phố bên đồi  BTC
Trong buổi trò chuyện Vì nghệ thuật trong mình mới đây, nhà thiết kế Nguyễn Trung Hiền (người sáng lập dự án nghệ thuật cộng đồng Phố bên đồi, được tổ chức từ năm 2016 tại Đà Lạt) cho rằng, nghệ thuật cộng đồng ở Việt Nam đang phát triển, từ các dự án của nhà nước đến các dự án của những nghệ sĩ đương đại; các loại hình nghệ thuật ngày càng đa dạng, đa hình thái; và khái niệm cộng đồng cũng mở rộng hơn, không chỉ có người dân địa phương, nghệ sĩ, nhóm quan tâm mà tất cả các đơn vị cùng tham gia vào dự án.
“Điểm mạnh là những người sáng lập đều yêu nghệ thuật và đầy nhiệt huyết cống hiến. Nhưng hạn chế là đa phần họ không phải là những nhà quản lý thực thụ, không biết quản lý dự án. Quan trọng hơn, các bạn khá rụt rè trong việc…gõ cửa doanh nghiệp, tìm nguồn kinh phí để chạy dự án cũng như e dè trong việc kết nối với chính quyền để xin giấy phép khởi động dự án”, nhà thiết kế Nguyễn Trung Hiền nhận định.

Đừng nghĩ “mình cô đơn”

Nguyễn Trung Hiền cho biết, anh cùng các cộng sự bắt đầu với Phố bên đồi chỉ bằng sự kiện triển lãm tranh tại Đà Lạt của 10 họa sĩ trẻ khắp cả nước xoay quanh những chủ đề về danh thắng nơi đây, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu…; hướng đến thông điệp: sự tác động sâu sắc của môi trường đến đời sống đô thị và thị dân. “Sau khi tổ chức, tôi phát hiện ra rằng, hóa ra chúng tôi không hề cô đơn khi có nhiều người muốn chung tay với mình. Điều đó khiến tôi thấy vừa là trách nhiệm vừa là thách thức”, anh Hiền chia sẻ. Để rồi năm 2017, Phố bên đồi mở rộng hơn với sự tham gia của nghệ sĩ đến từ các tỉnh thành và cả quốc tế.
“Người chơi nhạc muốn đóng góp nội dung âm nhạc, kiến trúc sư/họa sĩ tham gia những buổi trò chuyện; người không đóng góp chuyên môn thì ủng hộ kinh phí cho khâu hậu cần, in ấn… Đến năm 2018, chính quyền TP.Đà Lạt thấy dự án mình khá hay nên mời Phố bên đồi đóng góp vào nội dung chính trong các hoạt động kỷ niệm 125 năm thành phố. Năm 2019, Phố bên đồi trở nên thân thuộc với người dân cũng như du khách, qua chương trình nghệ thuật đa hình thái mang tính cộng đồng được triển khai tại dốc Nhà Làng”, anh nói.
Về sự “không cô đơn” này, TS Đào Lê Na (sáng lập và điều hành Liên hoan phim ngắn FY – sân chơi dành cho các nhà làm phim trẻ Việt Nam, sáng lập và đồng điều hành Yume Art Project – dự án phát triển nghệ thuật và sáng tạo cho cộng đồng) chia sẻ, chị từng rất bất ngờ khi chỉ sau một ngày “bày tỏ” ý tưởng dịch phụ đề các phim nghệ thuật sang tiếng Việt trên Facebook, chị đã nhận được rất nhiều sự quan tâm cũng như số lượng cộng tác viên cùng góp sức, dù có người chị không hề quen biết.

Tìm tài trợ từ đâu?

Theo TS Đào Lê Na, trước khi chị xin tài trợ cho dự án cải lương Tiếp bước trăm năm (đưa cải lương đến gần người trẻ và cộng đồng), Yume cũng từng triển khai các dự án nhỏ dành cho cải lương và giới trẻ, ít nhiều gầy dựng được cộng đồng trẻ quan tâm đến loại hình nghệ thuật này. Vì thế, khi chương trình Kết nối di sản của Hội đồng Anh tìm kiếm các dự án nghệ thuật cộng đồng để tài trợ, Yume đã xin được quỹ để triển khai các hoạt động nhằm truyền dạy cải lương miễn phí cho trẻ em và thanh thiếu niên.
Ngoài ra, một hình thức tìm nguồn kinh phí được phổ biến gần đây là gây quỹ cộng đồng (crowd funding). “Dù hình thức nào, quan trọng vẫn là làm cho người quan tâm, muốn đầu tư/ủng hộ thấy được sự thiết thực của dự án mình”, TS Lê Na nhấn mạnh.
Tuy nhiên, với những người chưa có “bề dày” thành tích, theo anh Nguyễn Trung Hiền, nhà đầu tư đầu tiên chính là mình. Muốn mình không “một mình”, không có nền tảng nào ngoài đề cương dự án. Kinh nghiệm từ những nghệ sĩ thành công ngay lần đầu tiên cho thấy, phải làm rõ trong hồ sơ xin tài trợ quyền lợi của nhà đầu tư được thể hiện thế nào, dự án của mình sẽ được truyền thông quan tâm ra sao, được cộng đồng chia sẻ thế nào…
“Cứ mạnh dạn gõ cửa giống như mình đi xin học bổng vậy. Hồ sơ cũng phải gửi cho nhiều nhà tài trợ cùng lúc chứ không phải gửi một đơn vị rồi chờ kết quả, nếu không được mới gửi tiếp”, TS Đào Lê Na đúc rút.
Tìm 'bà đỡ' cho dự án nghệ thuật cộng đồng

Ảnh: Đăng Khoa

Điều được không ít nghệ sĩ trẻ, người quan tâm khi xây dựng dự án nghệ thuật cộng đồng chính là kết nối với chính quyền trong việc xin phép tổ chức. Nghệ sĩ Trà Nguyễn (từng điều hành Sàn Art, góp phần xây dựng và phát triển nhiều chương trình trong mảng nghệ thuật thị giác; xây dựng The Run – A Theater Project qua nhiều vở diễn và chương trình trao đổi nhằm mở ra hướng thực hành liên kết đa ngành cho sân khấu tại Việt Nam) chia sẻ từ kinh nghiệm chính mình: Khi tổ chức sự kiện Flaw x Cú chót (ảnh) – dự án kép triển lãm và diễn kịch của chị cùng nghệ sĩ Võ Thủy Tiên cuối năm 2019, chị đã kết hợp với Sân khấu 5B để tổ chức. Bởi theo Trà Nguyễn: “Nếu chưa đủ tự tin, chúng ta có thể tìm kiếm cá nhân/đơn vị đã có sự kết nối với chính quyền để phối hợp tổ chức. Đó sẽ là kênh để cơ quan quản lý văn hóa biết đến mình”.

NGUYÊN VÂN
TNO