24/11/2024

Công nhận tín chỉ học trực tuyến

Công nhận tín chỉ học trực tuyến

Theo PGS.TS Vũ Hải Quân – phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, quy chế đào tạo do ĐH này ban hành có công nhận tối đa 20% tín chỉ áp dụng hình thức học trực tuyến (online).

 

Công nhận tín chỉ học trực tuyến - Ảnh 1.

Thí sinh thi trực tuyến năng lực tiếng Việt tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) – Ảnh: N.T.

Bộ GD-ĐT cần xem xét công nhận khoảng bao nhiêu phần trăm số tín chỉ sinh viên học online và có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc này. Trên cơ sở đó, các trường có thể chủ động xây dựng các phương án dạy online.

PGS.TS Vũ Hải Quân (phó giám đốc ĐHQG TP.HCM)

Quy định khung này mang tính chất pháp lý để các trường có thể xây dựng các môn học sử dụng hình thức online phù hợp.

Xu hướng tất yếu

“Khi dạy online, tất cả các khâu liên quan như làm bài tập, kiểm tra, thi cử… đều phải online. Nhưng trong điều kiện chưa đảm bảo quy trình đào tạo online hoàn chỉnh thì có thể duy trì, sau đó tùy tình hình thực tế có thể bổ sung các giờ dạy trực tiếp. Nếu áp dụng cứng nhắc việc dạy online trong thời điểm này sẽ rất khó cho nhà trường và cả người học” – ông Quân nói.

TS Phạm Tấn Hạ – phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cho rằng quy chế này mở ra hướng cho phép các trường dạy online hoàn toàn ở một số môn học có đủ điều kiện đào tạo theo hình thức này. Nhưng thực tế ở trường chưa có môn học nào dạy trực tuyến 100%, mà chỉ kết hợp các hình thức khác nhau.

“Với tình hình dịch COVID-19, chúng tôi đã yêu cầu các khoa chủ động triển khai cho giảng viên dạy trực tuyến, có thể sử dụng các phần mềm do trường cung cấp hoặc một số ứng dụng khác. Hiện rất nhiều giảng viên đã thực hiện rồi. Theo đó, với môn học 50 tiết thì thời gian dạy online 20 tiết.

Tôi nghĩ nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp thì các trường sẽ mở rộng ra nhiều môn. Với điều kiện công nghệ hiện nay, việc áp dụng công nghệ vào đào tạo online là xu hướng tất yếu các trường ĐH cần đẩy mạnh để đáp ứng nhu cầu người học”, ông Hạ nói.

Không dạy online sẽ bị giảm lương

Ngày 11-3, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM thông báo cho sinh viên toàn trường tiếp tục học online đến cuối tháng 3-2020. Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng – hiệu trưởng nhà trường, hiện trường có hai hệ thống quản lý học tập online dành cho hệ đại trà và hệ chất lượng cao, có thể kiểm soát, điểm danh sinh viên.

Việc dạy học online trường thực hiện theo ba cấp độ: cấp độ 1 – giảng viên đưa bài giảng, bài tập lên mạng, sinh viên tải tài liệu và làm bài tập trên mạng; cấp độ 2 – giảng viên thực hiện các yêu cầu như cấp độ 1 và phải tương tác với sinh viên hằng ngày; cấp độ 3 – sinh viên được học hoàn toàn ở nhà và khuyến khích giảng viên dạy qua các ứng dụng trên mạng xã hội.

“Thống kê từ ngày 31-1 đến 7-2 có hơn 50% giảng viên tương tác trên hệ thống LMS của trường. Đến nay 100% giảng viên nhà trường dạy online cấp độ 2. Đây là nhiệm vụ của giảng viên, nếu không hoàn thành sẽ bị giảm trừ lương tăng thêm” – ông Dũng nhấn mạnh.

Tại Trường ĐH Văn Lang, khi đưa vào giảng dạy online, nhà trường yêu cầu giảng viên phải lên lớp theo thời khóa biểu trong khi sinh viên được học ở nhà. “Trong khi trường không có chủ trương thay thế thời lượng học chính khóa bằng học online (khoảng 80% thời lượng trên lớp, 20% tự học) nên chắc chắn sau này chúng tôi sẽ phải dạy bù. Vì không đồng ý, một số giảng viên thỉnh giảng đã trả lớp…” – một giảng viên nói.

PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu – hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang – cho biết: “Việc trường yêu cầu giảng viên lên lớp dạy online để thầy cô dạy đúng giờ, đảm bảo quyền lợi sinh viên. Nhà trường cũng phân công người hỗ trợ giảng viên về mặt kỹ thuật trong việc dạy online. Tuy nhiên, sau tuần đầu tiên, trường đã cho phép thầy cô đăng ký dạy online ở nhà nhưng phải cam kết dạy đúng giờ, trường sẽ kiểm soát việc này”.

Học qua mạng nhưng thi tập trung

ThS Văn Chí Nam – phó trưởng khoa công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cũng cho hay mấy tuần qua khoa đã đẩy mạnh đào tạo trực tuyến với 15% môn học. Nhưng với diễn biến mới của dịch bệnh hiện nay, khoa đã xây dựng kế hoạch bắt đầu từ tuần sau dạy trực tuyến đối với tất cả môn học.

Tuy nhiên, hiện có một số môn đặc thù (thể dục, thực hành…) và một số giảng viên chưa ủng hộ dạy theo hình thức này 100%. Riêng chương trình đào tạo từ xa qua mạng ngành công nghệ thông tin hiện vẫn diễn ra bình thường. Sinh viên học qua mạng nhưng vẫn phải tập trung về trường thi hết môn.

TR.HUỲNH
TTO