30/12/2024

Rút ngắn khâu giải phóng mặt bằng

Rút ngắn khâu giải phóng mặt bằng

Nghị quyết số 27 của Chính phủ cho phép UBND TP.HCM áp dụng thí điểm cơ chế đặc thù để rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng…
Các dự án trọng điểm của TP.HCM hầu hết đều bị kéo dài thời gian do đền bù giải phóng mặt bằng chậm  /// Ảnh: Độc Lập

Các dự án trọng điểm của TP.HCM hầu hết đều bị kéo dài thời gian do đền bù giải phóng mặt bằng chậm Ảnh: Độc Lập
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 27 cho phép UBND TP.HCM áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn.
Cơ chế này được kỳ vọng sẽ tạo đột phá để đẩy nhanh các dự án đầu tư hạ tầng đang bế tắc trong khâu giải phóng mặt bằng hiện nay.

Mới gỡ được một phần

Theo đó, Chính phủ giao UBND TP.HCM ban hành hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) vào đầu kỳ hằng năm để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lấy ý kiến người dân có đất thu hồi. Tuy nhiên, UBND TP.HCM sẽ quyết định giá đất cụ thể của loại đất thu hồi tại thời điểm nhà nước quyết định thu hồi đất theo quy định tại khoản 2 điều 74 của luật Đất đai 2013. UBND TP.HCM có trách nhiệm ban hành quy chế phối hợp thực hiện trong việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để áp dụng trên địa bàn TP, đảm bảo công khai, minh bạch nhằm rút ngắn thời gian thực hiện.
Nghị quyết này chỉ đáp ứng được một phần trong kiến nghị của UBND TP. Trước đó ngoài kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho TP cơ chế, quy trình “đặc thù” để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng các dự án có thu hồi đất trên địa bàn TP chưa có trong quy định của pháp luật và không thuộc thẩm quyền của UBND TP, UBND TP còn kiến nghị với Chính phủ về việc cho phép thành lập trung tâm phát triển quỹ đất quận, huyện trên cơ sở ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận, huyện.
Cơ quan này sẽ góp phần giảm đáng kể thời gian, nhân lực khi TP được chủ động ban hành hệ số K làm cơ sở lấy ý kiến người dân và ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện được ủy quyền cân đối mặt bằng giá bồi thường, được phê duyệt hệ số K đối với các dự án nhóm C.
Bởi hiện bình quân mỗi năm TP có 700 dự án mới, tương ứng số hồ sơ cần thẩm định giá đất để bồi thường, giải tỏa rất lớn. Nếu chỉ có một cửa duy nhất để thực hiện là Sở Tài nguyên – Môi trường sẽ dẫn đến quá tải, khiến thời gian giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa kéo dài. Nếu có được cơ chế đặc thù, ước tính sẽ rút ngắn quy trình bồi thường – giải tỏa – tái định cư xuống rất nhiều.

Quan trọng vẫn là con người

Thực tế thời gian qua, rất nhiều dự án trọng điểm của TP.HCM đã phải chịu thiệt hại do khâu giải phóng mặt bằng chậm trễ. Đơn cử tuyến metro số 1 bị kéo dài thời gian, đội vốn, phải bị phạt tiền chỉ do một công ty “ngáng đường” suốt một thời gian dài. Tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) dù chậm do vốn nhưng nay vẫn phải tiếp tục chờ công tác giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật dù từ khi phê duyệt dự án đến nay đã 10 năm nhưng khâu giải phóng mặt bằng vẫn chưa thể hoàn thành.
Dẫn đến dự án bị đội vốn, ảnh hưởng đến hợp đồng tài trợ vốn của nhà tài trợ. Hay dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng, dự án cấp thiết trong bối cảnh ngập lụt đô thị ngày càng nghiêm trọng nhưng đến nay vẫn chưa thể xong khâu đền bù giải phóng mặt bằng, công trình gần đến đích lại đứng bánh, không thể tiếp tục thi công.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng nghị quyết trên sẽ có tác động tích cực đối với các dự án nhà nước đầu tư bằng vốn ngân sách, những dự án PPP, dự án chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị mới (nhà tái định cư, nhà ở xã hội theo quy hoạch của nhà nước), khu dân cư nông thôn, khu công nghệ cao, khu chế xuất…
Nếu như trước đây, các dự án thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng đúng theo luật là 200 ngày, nhưng trên thực tế đều kéo dài hơn rất nhiều. Việc cho TP áp dụng cơ chế “đặc thù” sẽ giúp rút ngắn thời gian xuống còn khoảng 100 ngày. “TP đã có cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 54. Tuy nhiên, do TP cẩn trọng nên xin thêm vấn đề này để thực hiện mạnh mẽ hơn nhằm rút ngắn thời gian, tiết kiệm ngân sách”, ông Châu phân tích.
Theo ông Tô Như Toàn, Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Phú – Invest, đơn vị đang thực hiện đầu tư dự án đường Vành đai 2, lâu nay cơ chế, pháp luật về thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng đã có và cũng khá rõ ràng. Tuy nhiên, việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng nhanh hay chậm là do con người quyết định, nhất là ý chí của những người lãnh đạo của TP.
Trên thực tế, có những dự án khi có quyết định bồi thường cũng là lúc chênh lệch giá giữa bồi thường và thực tế đã không còn ở mức chấp nhận được. Vì vậy, việc cho TP một cơ chế đặc thù sẽ giúp quá trình từ đền bù đến tiến độ giải phóng mặt bằng. Điều này rất có ý nghĩa khi hàng loạt dự án lớn của TP.HCM như: đường Vành đai 2, quốc lộ 13, dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng… được đẩy nhanh khi trong nhiều năm nay vẫn chưa thể hoàn thành vì vướng giải phóng mặt bằng.
Ông Lê Hoàng Châu nhận định: Ngay cả khi có cơ chế đặc thù, có thực hiện được hay không là một điều khác. Bởi quá trình thu hồi đất, ngoài trình tự thủ tục thời gian còn phụ thuộc vào việc bồi thường thỏa đáng, vấn đề an sinh xã hội (học hành, khám chữa bệnh, công việc) và tái định cư tại chỗ.
Trong thời gian qua, đa số các dự án đền bù chậm do bồi thường chưa thỏa đáng, chưa tái định cư tại chỗ mà người dân bị đẩy đi quá xa gây ảnh hưởng đến quyền lợi, sinh kế, học hành, khám chữa bệnh…
Chính vì vậy, thời gian qua để thu hồi đất, TP đã ban hành nhiều quyết định điều chỉnh hệ số K với giá bồi thường cao hơn 20 lần so với bảng giá đất để đẩy nhanh công đoạn này.
ĐÌNH SƠN
TNO