24/11/2024

Mỹ cấm nhập cảnh, EU phản đối

Mỹ cấm nhập cảnh, EU phản đối

Trong bài phát biểu trực tiếp về chính sách phòng đại dịch COVID-19, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố lệnh tạm cấm nhập cảnh với du khách từ châu Âu tới Mỹ trong 30 ngày để phòng lây lan dịch bệnh.

 

Mỹ cấm nhập cảnh, EU phản đối - Ảnh 1.

Người dân Mỹ theo dõi bài phát biểu của ông Trump trên truyền hình ở thành phố Seattle, bang Washington, Mỹ ngày 11-3-2020 – Ảnh: REUTERS

Đây không phải một cuộc khủng hoảng tài chính. Đây chỉ là một thời khắc tạm thời mà chúng ta sẽ vượt qua.

Ông Trump nhắn gửi thông điệp lạc quan và trấn an người dân tin tưởng vào những biện pháp bảo hộ của chính quyền.

Phát biểu từ Phòng bầu dục ngày 11-3, ông Trump cho biết lệnh tạm cấm nhập cảnh với các hành khách từ 26 nước châu Âu thuộc khối Schengen sẽ có hiệu lực từ 11h59 đêm thứ sáu tuần này (13-3, giờ Mỹ).

Ban đầu ông Trump còn đề nghị cấm luôn cả việc nhập khẩu hàng, song sau đó Nhà Trắng nói lại quy định mới chỉ áp dụng với người.

Yêu cầu người dân không xuất ngoại

Nhiều giờ sau bài phát biểu của ông Trump, Bộ Ngoại giao Mỹ khuyến cáo công dân Mỹ không nên đi nước ngoài thời gian này, ngay cả tới những nước chưa có dịch. Theo báo Wall Street Journal, cơ quan ngoại giao Mỹ cảnh báo công dân rằng những quy định cách ly y tế bắt buộc, các hạn chế đi lại và những biện pháp phòng dịch của các nước có thể khiến trải nghiệm xuất ngoại của họ mệt mỏi và phiền toái hơn.

Những hạn chế này chắc chắn sẽ gây tổn thất nặng nề cho ngành công nghiệp hàng không vốn đã lao đao vì sụt giảm nhu cầu đi lại trong mùa dịch. Đây hẳn cũng là đòn chí tử giáng xuống nền kinh tế châu Âu.

Bộ An ninh nội địa Mỹ cho biết thông cáo của ông Trump áp dụng với hầu hết công dân nước ngoài đã ở 26 quốc gia châu Âu (không bao gồm Anh và Ireland) thuộc khối Schengen trong vòng 14 ngày trước chuyến đi tới Mỹ của họ.

Công dân Mỹ và những người có thẻ xanh cùng vợ/chồng, con cái họ được miễn trừ khỏi lệnh cấm đi lại này. Những hành khách đi trên các chuyến bay cất cánh trước nửa đêm 13-3 sẽ vẫn được phép nhập cảnh Mỹ, ngay cả khi tới Mỹ sau thời điểm lệnh cấm đã có hiệu lực.

Trong cuộc họp của Nhà Trắng với các lãnh đạo ngân hàng ngày 11-3, trước khi ông Trump có bài phát biểu, ông Trump đã nêu những lo ngại về tình trạng lây lan dịch bệnh COVID-19 tại châu Âu. Tổng thống Mỹ gọi châu Âu là nơi thuận lợi để phát sinh ổ dịch. Ông Trump cho rằng một trong những lý do khiến virus lây lan nhanh ở đó là vì họ cho phép du khách đi lại xuyên biên giới tự do, thoải mái.

Chính quyền ông Trump lần đầu áp dụng lệnh cấm nhập cảnh với người nước ngoài vào ngày 31-1. Khi đó, lệnh cấm liên quan tới những người đã tới Trung Quốc trong vòng 2 tuần và bắt buộc cách ly y tế với những người Mỹ đã tới khu vực bị ảnh hưởng dịch nặng nhất của Trung Quốc. Đó cũng là lần đầu tiên trong khoảng 50 năm Chính phủ liên bang Mỹ đưa ra một động thái như vậy.

Một tháng sau đó, Mỹ lại cấm nhập cảnh với công dân nước ngoài đã tới Iran và phát cảnh báo mạnh mẽ khuyên người dân không tới Ý và Hàn Quốc. Và nay khuyến cáo không nên đi nước ngoài.

Mỹ cấm nhập cảnh, EU phản đối - Ảnh 3.

Vệ sinh Trung tâm dưỡng lão Kirkland, nơi phát hiện nhiều ca nhiễm tại bang Washington, Mỹ – Ảnh: REUTERS

Hành động khẩn cấp

Tổng thống Trump cũng nói ông sẽ có phương án hành động khẩn cấp “để đảm bảo người lao động Mỹ bị ảnh hưởng dịch bệnh có thể ở nhà mà không lo sợ khó khăn về tài chính”.

Theo ông, mọi khoản hỗ trợ sẽ dành cho những người lao động bị bệnh, bị cách ly y tế hoặc phải chăm sóc cho người khác. Ngoài ra, ông cũng nói Chính phủ đã có kế hoạch yêu cầu Quốc hội phê chuẩn thêm những hỗ trợ tài chính khác cho nhóm đối tượng này.

Ông Trump cũng nói sẽ chỉ đạo Sở Thuế vụ (IRS) nới thêm thời hạn chót quyết toán thuế 15-4 cho một số cá nhân và doanh nghiệp cụ thể để hỗ trợ họ. Theo ước tính của ông, động thái này sẽ giúp “bơm thêm” 200 tỉ USD cho nền kinh tế.

Tổng thống Mỹ cho biết Cơ quan quản lý doanh nghiệp nhỏ của Mỹ cũng sẽ đưa ra những gói vay lãi suất thấp để giúp các doanh nghiệp nhỏ vượt qua khó khăn vì dịch bệnh. Nhà Trắng cũng đã lên kế hoạch yêu cầu Quốc hội phê chuẩn khoản chi ngân sách bổ sung 50 tỉ USD cho chương trình hỗ trợ doanh nghiệp.

Mặc dù ông Trump nói các hãng bảo hiểm đã đồng ý miễn phí đồng chi trả cho việc điều trị bệnh COVID-19, nhưng trong cuộc họp báo ngày 10-3, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence nói các hãng bảo hiểm chỉ chấp nhận miễn phí đồng chi trả cho việc xét nghiệm virus corona chứ không phải khoản đồng chi trả phí điều trị.

Theo trang Business Insider, các thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ muốn hối thúc ông Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia với dịch bệnh COVID-19 để có cơ sở huy động 40 tỉ USD ngân sách chống dịch.

Tuy nhiên trang Politico dẫn một số nguồn tin của họ cho biết có vẻ ông Trump ngần ngại phải đưa ra tuyên bố này, vì nó sẽ mâu thuẫn với quan điểm ông từng nói khi cho rằng bệnh COVID-19 cũng tương tự như cúm mùa.

Dịch bệnh và đường đua Nhà Trắng

Với sự bùng nổ của đại dịch COVID-19, ông Trump không chỉ đối mặt với một rắc rối lớn về y tế ở quy mô toàn quốc cần giải quyết, mà còn là một thử thách chính trị trong bối cảnh ông đang tiến sâu hơn vào chiến dịch tái tranh cử nhiệm kỳ mới.

Vực dậy và tạo ra một nền kinh tế mạnh mẽ cho nước Mỹ đã luôn là một trong những yếu tố “ghi điểm” lớn nhất của ông, nhưng dịch bệnh đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới điều đó.

Đối thủ chính của ông Trump, nguyên phó tổng thống Mỹ Joe Biden, dự kiến cũng sẽ có một bài phát biểu về dịch COVID-19 ngày 12-3 (giờ Mỹ) tại thành phố Wilmington, bang Delaware.

Châu Âu phản đối Mỹ

Liên minh châu Âu (EU) phản đối việc Mỹ đơn phương cấm đi lại từ châu Âu tới Mỹ, theo tuyên bố chung ngày 12-3 của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel.

“EU không tán thành việc Mỹ quyết định đặt lệnh cấm đi lại một cách đơn phương mà không tham khảo ý kiến”, tuyên bố nêu rõ và nhấn mạnh châu Âu đang thực hiện các biện pháp “mạnh” nhằm giới hạn virus lan rộng. (VŨ NGUYÊN)

D.KIM THOA
TTO