Doanh nghiệp ngóng gói hỗ trợ tín dụng
Doanh nghiệp ngóng gói hỗ trợ tín dụng
Cầm cự trả lãi
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Giám đốc Công ty TNHH vật liệu Hải Long (hoạt động lĩnh vực nhập khẩu phân phối hàng vật liệu xây dựng tại TP.HCM), cho biết doanh nghiệp (DN) đang vay ngắn hạn với lãi suất 8,2%/năm.
Từ sau tết, khi dịch bùng phát, DN gặp khó khăn vì hoạt động bán hàng ngưng lại do nhu cầu giảm mạnh, tồn kho tăng. Doanh thu giảm nhưng DN vẫn phải duy trì chi phí hoạt động trả lương cho nhân viên, dự trữ hàng nhập… tạo thêm áp lực chi phí mặt bằng.
DN vẫn đang gồng gánh trả lãi suất. “Trước khi vay ngân hàng (NH), đâu ngờ dịch bệnh lại kéo dài, thị trường thay đổi nhanh chóng mà chi phí lãi vay vẫn phải trả đều. Trước thông tin NH hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch, chúng tôi cũng đã liên hệ một vài NH hỏi thăm nhưng vẫn chưa có phản hồi và đang chờ hướng dẫn cụ thể. Chỉ mong NH sớm có thể hỗ trợ DN giảm lãi khoản vay cũ để vượt qua giai đoạn này, chứ nói vay mới để cho hoạt động kinh doanh thì thật sự chưa nghĩ tới vì không thể biết được khi nào hết dịch để các hoạt động kinh doanh trở lại bình thường”, bà Vân nói.
|
|
Một DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ kho bãi, cảng, logistics tại TP.HCM cũng cho biết bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Doanh thu và lợi nhuận giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái, DN vẫn phải gồng gánh chi phí 100% về tài chính, nhân công, thuế… “Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề nhưng đến nay vẫn chưa nhận được bất cứ khoản hỗ trợ nào như giảm lãi suất, cho vay lãi suất thấp, cơ cấu lại nợ…
Chúng tôi đang trong tình trạng chờ đợi NH khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, mở rộng hạn mức cho vay, cơ cấu lại các khoản vay”, đại diện công ty cho biết.
May mắn hơn, ông Đặng Quang Mẫn, Giám đốc Công ty TNHH Khởi Phát (kinh doanh dịch vụ giải trí tại TP.Đà Nẵng), cho hay vừa được NH TMCP Bản Việt (Phòng giao dịch Hải Châu) giảm lãi suất cho vay 1% đối với khoản vay bổ sung vốn kinh doanh ngắn hạn. Nhờ phần lãi được giảm, DN duy trì hoạt động, nhân viên thay ca làm việc mà không phải cho nghỉ.
Sau khi tiếp nhận một số ý kiến phản hồi của các DN trong hội, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ VN, cho hay về cơ bản các NH có giãn nợ gốc và lãi cho DN nhưng chưa tiến hành cơ cấu lại nợ trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp, khó lường. Việc giảm lãi suất thì rất ít, hầu như chưa có DN nào được giảm. Cộng đồng DN hiện vẫn chờ hướng dẫn, thực hiện những giải pháp đã được công bố. “Hầu hết DN đều đang rất khó khăn, các giao dịch thương mại gần như bị đình trệ, doanh thu giảm sút. DN lo trả nợ nên nhu cầu đầu tư cho các dự án mới cũng rất hạn chế”, ông Hồng Anh lo lắng.
Theo báo cáo của 23 nhà băng đã tham gia “giải cứu”, ước tính vào đầu tháng 3 có khoảng 926.000 tỉ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm khoảng 14,27% trên tổng dư nợ của 23 nhà băng này và chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống. NH đã hỗ trợ cho trên 44.000 khách hàng với dư nợ khoảng 222.000 tỉ đồng thông qua các biện pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay các khoản nợ hiện hữu, giảm lãi vay các khoản cho vay mới, miễn giảm các loại phí…
Mới đây, Chính phủ đã giao NH Nhà nước hỗ trợ tín dụng đối với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh gói hỗ trợ khoảng 250.000 tỉ đồng.
Gói 250.000 tỉ đồng không dùng ngân sách
Theo nhận xét của ông Bùi Quang Tín, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Trường doanh nhân Bizlight (TP.HCM), gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỉ đồng lần này của ngành NH hoàn toàn không dùng ngân sách, khác hẳn gói hỗ trợ kích cầu 1 tỉ USD hồi năm 2008.
Đây là gói tín dụng tổng hợp các công cụ như giảm lãi suất, khoanh nợ, tái cơ cấu kỳ hạn trả nợ…, đồng thời giao quyền tự chủ thẩm định hồ sơ DN cho các NH để hỗ trợ một cách tích cực nhất. NH nếu không thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN trong giai đoạn này thì DN khó có thể trả nổi được mức lãi suất vay đã thỏa thuận trước đó.
Vì vậy mà ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, lo ngại thực tế hỗ trợ sẽ không được nhiều như kỳ vọng.
Các DN trong hiệp hội rất mừng khi nghe sẽ có gói tín dụng hỗ trợ lãi suất, kéo dài thời hạn thanh toán, DN được vay lãi suất thấp… Thế nhưng NH cũng là đơn vị hoạt động kinh doanh, họ cũng sẽ tính đến bài toán có lãi nên chắc chắn sẽ áp dụng các điều kiện nghiêm ngặt đối với những gói hỗ trợ để tránh rủi ro nợ xấu. Khi đó, DN cũng sẽ khó tiếp cận sự hỗ trợ.
“Nên chăng nhà nước cần rõ ràng hơn về chính sách hỗ trợ lãi suất, chẳng hạn NH giảm lãi suất từ 6% xuống 4%/năm, nhà nước bù cho 2% thì lúc này các NH mới mạnh dạn cho vay ra. Với tình hình dịch bệnh mà kéo dài thêm vài tháng nữa, DN sẽ không thể cầm cự nổi. Một số nước đã đưa ra các gói hỗ trợ DN nên trong trường hợp này ngân sách nhà nước có thể sử dụng để hỗ trợ thêm cho nền kinh tế”, ông Hưng nói.
Theo TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính (Học viện Tài chính), thời điểm hiện nay không phải DN nào cũng có phương án sản xuất kinh doanh để phát sinh nhu cầu vay vốn, mấu chốt là họ sẽ khó có doanh thu, chẳng hạn như ngành du lịch, để được hưởng lãi vay thấp.
Nói chung bây giờ người dân, DN đang “ngồi chờ” dịch qua, các hoạt động sản xuất kinh doanh cầm chừng thì việc vay mới là khó. Định hướng giãn, giảm, miễn lãi cho khách hàng nhằm hỗ trợ trong giai đoạn dịch này là hoàn toàn chính đáng nhưng còn phụ thuộc vào các NH thương mại đánh giá cụ thể “sức khỏe” DN như thế nào để có giải pháp hỗ trợ phù hợp. Thực tế, NH không hỗ trợ DN trong giai đoạn này thì cũng bị ảnh hưởng kéo theo nợ xấu gia tăng.
Lúc dịch qua đi, DN mới mạnh dạn vay mới nên gói lãi suất thấp có tác dụng. Còn hiện nay việc giãn thời gian trả nợ và không chuyển nhóm nợ của khách hàng qua nhóm xấu đã phần nào chia sẻ với DN.
TS Nguyễn Đức Độ
THANH XUÂN
TNO