06/01/2025

Covid-19 thành đại dịch, thế giới ứng phó ra sao ?

Covid-19 thành đại dịch, thế giới ứng phó ra sao ?

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi chính phủ các nước và từng cá nhân cần nỗ lực hơn nữa để ngăn chặn đại dịch Covid-19.
Người dân mang khẩu trang tại Skopje, Bắc Macedonia ngày 12.3  /// Reuters

Người dân mang khẩu trang tại Skopje, Bắc Macedonia ngày 12.3   Reuters
AFP hôm qua 12.3 dẫn lời Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi chính phủ các nước nâng mức ứng phó với vi rút Corona chủng mới (SARS-CoV-2) sau khi Covid-19 được gọi là đại dịch toàn cầu.
“Tuyên bố đại dịch là lời kêu gọi hành động đối với mọi người, mọi nơi. Chúng ta vẫn có thể thay đổi tình trạng đại dịch này. Tôi kêu gọi chính phủ mọi nước đẩy mạnh, nâng tầm nỗ lực ngay từ bây giờ”, ông Guterres kêu gọi.
Tổng thư ký LHQ nhấn mạnh rằng thế giới có thể đạt bước tiến đáng kể trong việc giảm thiểu lây nhiễm nếu các nước nỗ lực phát hiện, thử nghiệm, điều trị, cách ly, theo dõi và vận động người dân ứng phó.

Kêu gọi hợp nhất chống dịch

Lời kêu gọi được đưa ra sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHOtuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu, đồng thời chỉ trích việc lây lan và tình trạng dịch bệnh hiện nay là do “mức độ báo động về tình trạng không hành động”.
Theo ông Guterres, tuyên bố đại dịch còn là “lời kêu gọi trách nhiệm và đoàn kết – các nước cùng hợp nhất và mọi người cùng hợp nhất” chống dịch.
“Khi chiến đấu với vi rút, chúng ta không thể để nỗi sợ hãi lây lan. Khi tiếc thương cho tất cả những người đã tử vong và nhiều gia đình phải chịu đựng đau khổ, chúng ta phải thể hiện sự đoàn kết với những người dễ bị ảnh hưởng nhất – người cao tuổi, người bệnh, người không được hưởng chăm sóc y tế đáng tin cậy và những người nghèo”, ông nói.
Trong thông cáo đưa ra hôm qua, ông khẳng định Covid-19 “là đại dịch có thể khống chế được” nếu các nước đẩy mạnh các biện pháp ứng phó. Hãng Reuters cùng ngày dẫn lời cố vấn y tế cấp cao của chính phủ Trung Quốc Chung Nam Sơn dự báo dịch bệnh trên toàn cầu sẽ chấm dứt vào tháng 6 nếu các nước chung sức đối phó.
Sau khi Covid-19 nâng lên mức đại dịch, HĐBA quyết định giảm quy mô các cuộc họp trong tháng 3 – tháng do Trung Quốc giữ chức chủ tịch luân phiên. Trước đó, LHQ hoãn nhiều sự kiện không liên quan đến HĐBA, bao gồm hội nghị về đa dạng sinh học và diễn đàn về các vấn đề người bản địa. Cuộc họp về vị thế phụ nữ dự kiến có 12.000 người tham dự tại New York vào tháng 3 cũng bị hoãn.
Một quan chức LHQ không nêu tên cho hay tổ chức này cũng hoãn hội nghị tổng kết 5 năm về Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) dự kiến diễn ra từ ngày 27.4 – 22.5.

Công bố đại dịch là nhằm nâng cao ý thức

WHO cho biết việc tuyên bố đại dịch không liên quan đến sự thay đổi tính chất của căn bệnh nhưng liên quan đến những quan ngại về khả năng lây lan về mặt địa lý, theo The Guardian.
Tình trạng đại dịch được xác nhận nếu một căn bệnh mới mà con người chưa có khả năng miễn nhiễm lan rộng ngoài dự kiến của thế giới. Khi có các ca bệnh liên quan đến người nhiễm từ nước ngoài trở về, hoặc khi người này trở về và lây nhiễm cho người khác thì chưa đủ tiêu chí tuyên bố đại dịch mà cần phải ghi nhận làn sóng lây nhiễm thứ 2 từ người sang người trong cộng đồng. Công bố đại dịch đồng nghĩa với việc thừa nhận nhiều khả năng sẽ xảy ra sự lây nhiễm rộng trong cộng đồng trên toàn cầu, và chính phủ cùng hệ thống y tế các nước phải đảm bảo sẵn sàng đối phó.
WHO là tổ chức có tiếng nói sau cùng về thời điểm công bố đại dịch, trong khi không có tiêu chí cụ thể nào về số người tử vong, lây nhiễm hay số quốc gia bị ảnh hưởng. Mục đích chủ yếu của việc công bố đại dịch là nhằm nâng cao ý thức chứ không phải để dẫn đến tình trạng hoảng sợ. Trên thực tế, đã có nhiều tranh cãi về việc WHO tuyên bố dịch cúm A (H1N1) là đại dịch vào năm 2009. Những người chỉ trích cho rằng điều này gây nên hoảng loạn không cần thiết, khiến các cơ sở cấp cứu quá tải và nhiều nước phải chi quá mức để mua thuốc kháng vi rút.
WHO nhấn mạnh rằng việc dùng từ “đại dịch” không phải là dấu hiệu cho thấy tổ chức này thay đổi về các khuyến cáo. WHO vẫn kêu gọi các nước phát hiện, xét nghiệm, chữa trị, cách ly, theo dõi và vận động người dân chống dịch. Trong khi đó, chuyên gia Nathalie MacDermott tại Đại học King London (Anh) cho rằng việc thay đổi cách gọi cơ bản sẽ không dẫn đến thay đổi nào vì trong vài tuần qua, thế giới đã được khuyến cáo chuẩn bị cho khả năng xảy ra đại dịch. “Tuy nhiên, việc dùng khái niệm mới nhấn mạnh tầm quan trọng của các nước trên thế giới trong việc phối hợp và cởi mở với nhau, cùng đoàn kết nỗ lực đưa tình hình vào vòng kiểm soát”, theo bác sĩ MacDermott.
Những đại dịch cúm trong lịch sử
– Năm 1918, đại dịch cúm Tây Ban Nha lây nhiễm khoảng 500 triệu người, tức 1/3 dân số thế giới khi đó và làm khoảng 50 triệu người tử vong.
– Năm 1957, đại dịch cúm A/H1N1 (còn gọi là cúm châu Á) bùng phát ở Đông Á, làm chết 1,1 triệu người trên toàn thế giới.
– Năm 1968, đại dịch cúm A/H3N2 bùng phát từ Trung Quốc và lan rộng khắp thế giới khiến khoảng 1 triệu người tử vong (hầu hết là người trên 65 tuổi).
– Năm 2009, đại dịch cúm A/H1N1 được phát hiện đầu tiên ở Mỹ và sau đó lây lan nhanh chóng trên toàn thế giới. Ước tính có khoảng 151.700 – 575.400 người tử vong trong năm đầu tiên H1N1 xuất hiện. Trên toàn cầu, 80% số ca tử vong là những người dưới 65 tuổi. Đến tháng 8.2010, WHO tuyên bố đại dịch cúm toàn cầu. Từ đó, H1N1 vẫn tiếp tục trở lại dưới dạng cúm mùa hằng năm.

Ảnh hưởng toàn cầu

Sau khi WHO công bố đại dịch, Ý tăng cường phong tỏa và Mỹ cấm mọi hành khách đến từ châu Âu trong 1 tháng, trừ Anh. Quốc gia đông dân thứ 2 thế giới là Ấn Độ quyết định tạm ngưng “mọi thị thực hiện tại”, trừ thị thực ngoại giao, quan chức, tổ chức quốc tế đến ngày 15.4. Phản ứng của các nước bắt đầu gây tác động dây chuyền đến nền kinh tế toàn cầu. Song song với việc Ả Rập Xê Út tuyên bố tăng sản lượng và giảm giá dầu thô, việc Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu khiến giá dầu tiếp tục giảm. Theo Reuters, giá dầu thô Brent hôm qua có thời điểm giảm đến 5,3%. Nhìn chung, giá dầu giảm khoảng 50% so với thời điểm cao nhất trong tháng 1, trong khi giới phân tích dự báo giá dầu sẽ còn giảm thêm do nhu cầu nhiên liệu trong ngành vận tải giảm khi nhiều nước giới hạn đi lại.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán toàn cầu hôm qua lao dốc, với cả 3 chỉ số chứng khoán quan trọng của Mỹ là S&P 500, Dow Jones và Nasdaq đều sụt giảm 5%, theo CNBC. Tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm hơn 4,4%, chỉ số Topix (Nhật Bản) giảm 3%, Hang Seng (Hồng Kông) sụt 2,3%, Kospi (Hàn Quốc) giảm 2,4%.
Việt Nam đã chủ động với mọi tình huống
Ngày 12.3, ông Trần Đắc Phu, cố vấn của Trung tâm đáp ứng dịch khẩn cấp (Bộ Y tế), cho hay việc WHO thông báo dịch Covid-19 như đại dịch nhằm kêu gọi các quốc gia vào cuộc mạnh mẽ trong ngăn chặn lây lan và nỗ lực kiểm soát. Mỗi quốc gia cần có ứng xử phù hợp với diễn biến dịch. Như Việt Nam hiện nay không phải chỉ là ngăn chặn, ứng phó ca dịch xâm nhập như giai đoạn đầu mà còn là các giải pháp ứng phó với bệnh lây lan trong cộng đồng. Chúng ta đã rất chủ động với các tình huống và đã có kịch bản cụ thể với 4 tình huống cả ngàn ca mắc, thậm chí là cả chục ngàn ca mắc.
PGS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cũng cho hay WHO công bố đại dịch là mang tính chất toàn cầu. Với Việt Nam, chúng ta vẫn đang kiểm soát và có các tình huống phù hợp với diễn biến dịch trong nước và mức độ ảnh hưởng từ các nước, mức độ gia tăng ca bệnh để có các phân tuyến, thu dung điều trị. Do đó, ngay từ khi WHO chưa thông tin về đại dịch thì Việt Nam cũng đã xây dựng kịch bản đáp ứng phù hợp.
Liên Châu
KHÁNH AN
TNO