04/01/2025

Biên giới Hi Lạp – Thổ nóng từng ngày

Biên giới Hi Lạp – Thổ nóng từng ngày

Hàng chục ngàn người tị nạn và người di cư tìm cách đi qua Hi Lạp trong hai tuần qua, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ mở cửa biên giới. Quan hệ giữa hai cựu thù trong lịch sử nóng lên từng ngày.

 

Biên giới Hi Lạp - Thổ nóng từng ngày - Ảnh 1.

Ông bố che mặt con trai để ngăn hơi cay do lực lượng Hi Lạp bắn về khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ – Ảnh: GETTY IMAGES

 

Có phải Thổ Nhĩ Kỳ đang dùng các bạn để gây áp lực lên châu Âu?”, nhiều di dân đồng thanh: “Không! Không phải như vậy!”.

Trong phóng sự của Đài CNN

Hôm 11-3, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu tập đại sứ Hi Lạp Michael-Christos Diamessis để yêu cầu Hi Lạp chấm dứt các vụ xâm phạm lãnh hải của Thổ, cảnh báo các đơn vị quân sự trên bộ của Hi Lạp dừng hành động khiêu khích và thả những nhà báo đưa tin về tình hình người tị nạn ở các đảo Lesbos và Rhodes của Hi Lạp.

Cùng thời điểm, Bộ Ngoại giao Hi Lạp đã triệu tập đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ Burak Ozugergin về vụ một tàu tuần tra Thổ Nhĩ Kỳ bị cáo buộc cố tình đâm vào tàu tuần duyên Hi Lạp.

Chuyện gì đang xảy ra?

Những diễn biến này nằm một phần trong bức tranh căng thẳng lớn hơn giữa Ankara và Athens liên quan tới quyết định gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ: mở cửa biên giới để người tị nạn đi vào châu Âu.

Hi Lạp – một thành viên của Liên minh châu Âu (EU) từ lâu phàn nàn vì không nhận đủ sự hỗ trợ từ EU để đối phó với dòng người di cư – đang tăng cường các biện pháp canh gác quanh biên giới. Các lực lượng đặc biệt từ một số nước châu Âu cũng tới biên giới Hi Lạp – Thổ Nhĩ Kỳ hôm 11-3 để hỗ trợ nhà chức trách Hi Lạp, theo trang Euronews.

Dòng người tị nạn đổ tới biên giới gây áp lực đến mức lực lượng bảo vệ biên giới Hi Lạp phải bắn hơi cay và dùng vòi rồng trong nhiều cuộc đối đầu để đẩy lùi họ, còn cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ bị cáo buộc bắn hơi cay về phía lực lượng Hi Lạp. Đã xuất hiện các báo cáo cho biết người di cư bị thương và một số người bị bắt.

Hình ảnh được truyền thông đăng tải cho thấy các nhóm người di cư tìm cách vượt rào ở biên giới để đi vào Hi Lạp, trong khi số khác ném đá về phía cảnh sát Hi Lạp. Lực lượng biên phòng Hi Lạp đã phản ứng bằng loạt hơi cay, một số nơi chìm trong khói trắng.

Theo báo New York Times, chính quyền Hi Lạp còn đang giam giữ nhiều di dân tại một địa điểm bí mật trước khi đưa họ về lại Thổ Nhĩ Kỳ mà không thông qua các thủ tục. Tuy nhiên, phía Hi Lạp đã bác thông tin này.

Tình hình biên giới hai nước trở nên căng thẳng sau khi Ankara hôm 28-2 bất ngờ tuyên bố mở cửa biên giới, ngưng ngăn chặn người tị nạn tìm đường tới châu Âu bằng đường bộ và đường biển.

Theo thỏa thuận năm 2016, Ankara sẽ ngăn dòng người di cư và đổi lại EU cung cấp 6 tỉ euro viện trợ cho người tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Ankara cho biết đã không nhận được toàn bộ số tiền trên, trong khi các cam kết khác, bao gồm việc miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ, vẫn chưa được đáp ứng.

Còn Hi Lạp và EU chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng vấn đề người di cư để gây áp lực EU chi thêm tiền hoặc hỗ trợ các mục đích địa chính trị của Ankara trong cuộc xung đột ở Syria.

Ai sẽ cưu mang người tị nạn?

Tuần này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã so sánh hành động của Hi Lạp với di dân ở biên giới chẳng khác gì các chiến thuật được lực lượng của Hitler triển khai trong Thế chiến 2.

Ông cáo buộc các lực lượng Hi Lạp đã khiến ít nhất 4 người thiệt mạng và khoảng 1.000 di dân bị thương tích. Nhà lãnh đạo Thổ khẳng định sẽ duy trì chính sách mở cửa biên giới đến khi mọi yêu cầu của Ankara được đáp ứng.

Đáp lại, người phát ngôn Chính phủ Hi Lạp Stelios Petsas đã lên án cách so sánh của ông Erdogan. “Chúng tôi sẽ tiếp tục việc làm của mình. Việc của chúng tôi là bảo vệ người Hi Lạp và các biên giới châu Âu” – ông Petsas nói.

“Chúng tôi đã cưu mang người di cư trong 9 năm và bây giờ họ muốn đến châu Âu. Tôi luôn nói rằng nếu EU không chia sẻ gánh nặng, chúng tôi sẽ mở cửa biên giới. Những vị khách của chúng tôi đang rời đi, chúng tôi không có nghĩa vụ cản họ” – ông Erdogan nói hôm 11-3. Đồng thời, ông tiết lộ: “Khoảng 150.000 người di cư đã lên đường tới Hi Lạp”.

Trong khi đó, với Hi Lạp, nếu thêm hàng ngàn người tị nạn tới nước này, Athens sẽ hứng thêm gánh nặng, dẫn tới gia tăng căng thẳng xã hội và khiến nền kinh tế xấu thêm. Hàng chục ngàn người tị nạn hiện sống trong cảnh khó khăn trên một số hòn đảo ở Hi Lạp và nhiều người Hi Lạp cảm thấy đang phải gánh vác thêm trách nhiệm do sự thờ ơ của EU.

Do đó, câu hỏi kế tiếp là liệu EU sẽ đáp ứng các yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ để Ankara tiếp tục là “bức tường” ngăn người tị nạn, hay sẽ cho phép họ đi vào châu Âu? Báo Guardian ngày 12-3 cho hay các nhà lãnh đạo EU sẽ lên đường tới Hi Lạp để thảo luận về tình hình hiện tại.

3,7 triệu

Hiện tại, cả Ankara và Athens đều rơi vào thế khó vì bài toán người tị nạn. Với 3,7 triệu người tị nạn Syria hiện đang ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều hơn ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, và khoảng 1 triệu người đang trong trạng thái sẵn sàng băng qua biên giới phía bắc Syria, Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng nước này không thể nhận thêm người tị nạn nữa.

BẢO ANH
TTO