Ngành dâu tằm tơ đối mặt nhiều thách thức
Ngành dâu tằm tơ đối mặt nhiều thách thức
Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp cũng khiến người trồng dâu nuôi tằm Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn về nguồn giống, phát triển vùng nguyên liệu.
Tại hội nghị phát triển chăn nuôi tằm bền vững, do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 6.3 ở TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết khi dịch Covid-19 xảy ra, người nuôi tằm Việt Nam không thể nhập giống tằm lưỡng hệ kén trắng phục vụ sản xuất. Chỉ khi Bộ NN-PTNT có văn bản gửi các bộ, ngành liên quan và 2 tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh thì khó khăn mới dần được tháo gỡ.
Lệ thuộc nguồn giống tằm
Nguyên nhân là Việt Nam chưa chủ động được nguồn giống trứng tằm lưỡng hệ, phải nhập khẩu từ Trung Quốc đến 90% qua đường tiểu ngạch. Khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra tại Trung Quốc thì việc nhập khẩu giống trứng tằm càng thêm khó khăn. Theo Cục Chăn nuôi, việc nhập khẩu trứng giống tằm qua đường tiểu ngạch không được kiểm tra chất lượng và kiểm soát dịch bệnh, dẫn tới rủi ro cao cho người sản xuất, đây là thách thức đối với ngành dâu tằm Việt Nam. Ông Đặng Vĩnh Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam, cho biết thêm trong 2 năm gần đây tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai gia tăng diện tích trồng dâu với 10.000 ha. Riêng tỉnh Lâm Đồng có tới 15.000 hộ đang canh tác khoảng 8.500 ha dâu, nhưng nhu cầu trứng giống tằm lưỡng hệ phục vụ sản xuất khoảng 500.000 hộp/năm đều phải nhập từ Trung Quốc.
Ngay từ bây giờ, nếu Việt Nam không có chiến lược phát triển mạnh mẽ ngành dâu tằm tơ thì 10 – 15 năm tới chúng ta sẽ không đủ nguyên liệu để sản xuất
Ông Đặng Vĩnh Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam
Đại diện Trung tâm nghiên cứu dâu tằm tơ T.Ư kiến nghị Bộ NN-PTNT tiếp tục giao cho trung tâm này và Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng thực hiện đề tài trọng điểm cấp bộ, giai đoạn 2021 – 2025 nghiên cứu chọn tạo giống dâu, tằm cho các vùng sinh thái. Trong đó tập trung nghiên cứu chọn tạo các giống tằm cao sản có chất lượng kén tốt, thích nghi với điều kiện Việt Nam.
Cần chiến lược phát triển bền vững
Tại hội nghị, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết ngành dâu tằm tơ là ngành phát triển mạnh tại Việt Nam từ rất lâu đời với diện tích, sản lượng, giá trị ngày càng tăng cao và khẳng định trên thị trường quốc tế. Minh chứng đầu tiên là sản lượng tơ tằm của Việt Nam đứng trong tốp 5 thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ, Uzbekistan và Thái Lan. Năm 2019 sản lượng kén tằm đạt gần 9.200 tấn, sản lượng tơ đạt hơn 1.500 tấn và trên 5,2 triệu mét lụa. Tuy nhiên, ngành dâu tằm của nước ta còn gặp nhiều vướng mắc trong quản lý nhà nước, hợp tác quốc tế, liên kết chuỗi, công nghệ chế biến, kiểm dịch…
Đáng lưu ý, theo ông Đặng Vĩnh Thọ, dù sản lượng tơ gia tăng từng năm, nhưng hiện nay mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu hàng ngàn tấn tơ từ Trung Quốc, Brazil… để gia công cho Matsumura (Nhật Bản) xuất khẩu đi các nước Nhật Bản, Ý, Ấn Độ, Pháp. “Ngay từ bây giờ, nếu Việt Nam không có chiến lược phát triển mạnh mẽ ngành dâu tằm tơ thì 10 – 15 năm tới chúng ta sẽ không đủ nguyên liệu để sản xuất”, ông Thọ nói và kiến nghị để ngành dâu tằm tơ Việt Nam ổn định, phát triển trong những năm tới, Bộ NN-PTNT nhanh chóng đàm phán với phía Trung Quốc thống nhất các tiêu chí về kiểm dịch, từ đó các doanh nghiệp có thể nhập khẩu trứng giống tằm bằng đường chính ngạch, đảm bảo kiểm soát được nguồn giống. Mặt khác, Bộ cần phối hợp với Bộ Công thương có biện pháp ngăn chặn gian lận thương mại trong khâu xuất khẩu tơ và chống hành vi nhập lụa không rõ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa gây thiệt hại cho các cơ sở dệt lụa trong nước.
Còn theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), vấn đề của ngành dâu tằm tơ Việt Nam không phải khó khăn về đầu ra mà là bài toán kinh tế, hiệu quả kinh tế của sản xuất thấp do cạnh tranh từ các nước, đặc biệt là Trung Quốc. Do đó, phải có giải pháp nâng cao năng suất, giảm giá thành, tăng cường công nghệ trong khâu sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm cho tơ tằm Việt Nam…
Theo Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam, dự kiến năm 2020 ngành dâu tằm Việt Nam đạt trên 2.000 tấn tơ và 7 triệu mét lụa các loại. Cả nước có 32 tỉnh thành có nghề trồng dâu nuôi tằm, với diện tích trồng dâu khoảng 15.000 ha, riêng tỉnh Lâm Đồng có hơn 8.500 ha và chiếm 73% sản lượng tơ của cả nước. Ở Tây nguyên hình thành và phát triển ngành nông công nghiệp hoàn chỉnh từ trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa.
LÂM VIÊN
TNO