27/12/2024

Xoá bao cấp, độc quyền ở ngành năng lượng

Xoá bao cấp, độc quyền ở ngành năng lượng

Thí điểm cho thuê nhà máy điện, không bù chéo giữa các vùng miền, áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng, thu hút vốn ngoài nhà nước cũng như tái cơ cấu mạnh các tập đoàn nhà nước trong lĩnh vực năng lượng…

 

Xóa bao cấp, độc quyền ở ngành năng lượng - Ảnh 1.

Sẽ xã hội hóa, thu hút vốn đầu tư ngoài nhà nước vào cả khâu truyền tải điện – Ảnh: XUÂN HOAN

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Bình – ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Kinh tế trung ương – cho biết định hướng như trên sau khi ngày 11-2-2020, Bộ Chính trị ban hành nghị quyết số 55 về định hướng chiến lược năng lượng quốc gia của VN đến năm 2030… Ông Bình nói:

– Sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước chúng ta đã đạt được những thành tựu vô cùng to lớn mà như Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Chưa bao giờ đất nước chúng ta có cơ đồ tốt đẹp như ngày hôm nay”.

Trong đó, ngành năng lượng VN đã có đóng góp hết sức xứng đáng. Nhưng đến nay VN đang chuyển sang một giai đoạn phát triển mới đòi hỏi ngành năng lượng cũng phải có bước phát triển mới.

Xóa bỏ độc quyền, thiếu minh bạch

* Theo ông, đâu là những điểm then chốt, được nhấn mạnh trong nghị quyết 55?

– Tại nghị quyết này, Bộ Chính trị đã đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo rất toàn diện và sâu sắc. Trong đó, trước hết là vấn đề bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia…

Thứ hai, phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và xu thế hội nhập quốc tế. Nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch với nhiều hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh.

Tiếp đến là áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng. Khuyến khích tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân, tham gia phát triển năng lượng. Kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh thiếu bình đẳng, minh bạch trong ngành năng lượng.

* Một vấn đề người dân quan tâm là làm sao để tiến tới thị trường cạnh tranh, xóa bỏ độc quyền để có giá điện hợp lý có tăng có giảm. Vấn đề này được nêu trong nghị quyết ra sao, thưa ông?

– Nghị quyết chú trọng các giải pháp trọng tâm như đẩy nhanh lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh, các dự án đầu tư năng lượng tái tạo, năng lượng mới; minh bạch giá mua bán điện, thúc đẩy cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng tiêu thụ…

Đặc biệt, nghị quyết nêu khuyến khích thu hút vốn ngoài nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện quốc gia. Theo đó, về đầu tư là xã hội hóa, còn về vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia sẽ theo hướng độc lập dưới sự kiểm soát của Nhà nước.

Để khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia, sẽ chú trọng việc công khai quy hoạch, danh mục các dự án đầu tư, xóa bỏ mọi rào cản để thu hút, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án năng lượng trong và ngoài nước…

Thí điểm bán, cho thuê nhà máy điện

* Trong ngành năng lượng hiện đều do doanh nghiệp nhà nước nắm vai trò chủ chốt. Vậy nghị quyết có yêu cầu gì với doanh nghiệp nhà nước?

– Việc cơ cấu lại toàn diện các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng sẽ theo hướng tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi, có thế mạnh.

Cụ thể, sẽ tách bạch chức năng kinh doanh với chức năng quản lý nhà nước; áp dụng các mô hình và thông lệ quản trị tiên tiến, nâng cao hệ số tín nhiệm quốc tế, triệt để thực hiện công khai, minh bạch hóa trong hoạt động…

Để doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng hoạt động hiệu quả hơn, sẽ hoàn thiện các quy định về đánh giá các nguồn lực, tài sản phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn. Đồng thời sẽ xử lý, tái cơ cấu triệt để các dự án, doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả, thua lỗ trong lĩnh vực năng lượng.

Nghiên cứu, triển khai thí điểm cơ chế bán có thời hạn hoặc cho thuê dài hạn đối với các nhà máy điện, kho nhiên liệu, nhà máy lọc dầu… thuộc sở hữu của doanh nghiệp nhà nước.

Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục đẩy nhanh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành điện; xây dựng cơ chế đầu tư thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính để bảo đảm tiến độ các công trình điện.

Không bù chéo giữa các vùng miền

* Để thu hút đầu tư ngoài nhà nước cần phải có chính sách giá năng lượng hấp dẫn. Nghị quyết nêu vấn đề này thế nào, thưa ông?

– Giá năng lượng luôn được quan tâm vì gắn với khả năng chi trả của người dân, tác động trực tiếp đến thu hút đầu tư cũng như đến hiệu quả kinh doanh. Trong khi đó, thị trường năng lượng, giá năng lượng có một số tồn tại.

Vì vậy, nghị quyết nêu rõ cần xóa bỏ mọi rào cản để đảm bảo giá năng lượng minh bạch, do thị trường quyết định; không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng miền để đảm bảo nguyên tắc thị trường. Về quản lý, Nhà nước sẽ điều tiết hợp lý thông qua các công cụ thị trường (thuế, phí, các quỹ…) và chính sách an sinh xã hội phù hợp.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, thực hiện luật hóa việc điều hành giá điện và một số ưu đãi cho dự án được khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực năng lượng…

* Ban Kinh tế trung ương sẽ phối hợp với các cấp, ngành triển khai thực hiện nghị quyết thế nào?

– Để nghị quyết đi vào cuộc sống, cần sự quan tâm, quán triệt thực hiện đầy đủ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành.

Ban Kinh tế trung ương được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, hướng dẫn kiểm tra, giám sát, đôn đốc triển khai thực hiện nghị quyết; định kỳ sơ kết, tổng kết thực hiện, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Do đó, sau khi nghị quyết được ban hành, Ban Kinh tế trung ương đã chủ động phối hợp với Chính phủ và các bộ, ngành chuẩn bị tổ chức Diễn đàn cấp cao về năng lượng VN 2020 triển khai nghị quyết dự kiến tổ chức vào 30-3.

Trong thời gian tới, căn cứ vào những yêu cầu trong nghị quyết, Ban Kinh tế trung ương sẽ phối hợp, đôn đốc các cơ quan sớm xây dựng chương trình hành động để có cơ sở triển khai cụ thể từng yêu cầu, nhiệm vụ liên quan.

TS Trần Đình Thiên (thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ):

Giúp cải thiện môi trường

Lâu nay chúng ta bị trói vào năng lượng than, năng lượng truyền thống, bây giờ có cơ sở để định hướng ưu tiên phát triển những ngành năng lượng tái tạo dựa trên nền tảng công nghệ cao. Cái này giúp giải quyết một vấn đề rất cơ bản đó là môi trường. Tôi cho rằng đây là điểm rất mấu chốt.

Nghị quyết này được nhiều ý kiến cho là bước đột phá, mở ra thị trường năng lượng cạnh tranh thực sự của VN. Việc phát triển năng lượng của quốc gia không chỉ là trách nhiệm của một ngành mà đây là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt của các cấp ủy Đảng và chính quyền từ trung ương đến địa phương.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh:

Đầu tư năng lượng chiếm 18 – 20% tổng đầu tư xã hội

Trong giai đoạn vừa qua, tổng đầu tư vào ngành năng lượng chiếm khoảng 18 – 20% tổng đầu tư toàn xã hội và ngành này ngày càng đa dạng hóa về định chế sở hữu và phương thức kinh doanh.

Để thực hiện hiệu quả nghị quyết, Bộ Công thương sẽ thể chế hóa thông qua việc xây dựng các quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia, quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (quy hoạch điện 8) theo các định hướng chiến lược trong nghị quyết…

Bộ Công thương sẽ xây dựng các chương trình, kế hoạch, tổ chức xây dựng và thực hiện các quy hoạch về điện lực, hệ thống xăng dầu, năng lượng tái tạo, các chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tăng trưởng xanh…

NGỌC AN thực hiện
TTO