24/11/2024

Mỹ – châu Âu chấp nhận ‘kháng chiến trường kỳ’ với COVID-19

Mỹ – châu Âu chấp nhận ‘kháng chiến trường kỳ’ với COVID-19

Với số ca nhiễm và người chết do COVID-19 tăng liên tục, giới chức y tế Mỹ, châu Âu cho rằng đã đến lúc chuẩn bị cho một cuộc chiến trường kỳ, khi các biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu đã không còn hiệu quả.

 

Mỹ - châu Âu chấp nhận kháng chiến trường kỳ với COVID-19 - Ảnh 1.

Một người đeo khẩu trang đứng trước tháp Eiffel ở thủ đô Paris của Pháp. Pháp là một trong những quốc gia có nhiều ca nhiễm COVID-19 nhất ở châu Âu – Ảnh: REUTERS

Hơn 2 tháng trôi qua kể từ khi những ca nhiễm virus đầu tiên ở Trung Quốc được công bố, dịch COVID-19 đã lan đến gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ tính đến ngày 7-3. Số ca nhiễm hiện đã vượt quá 100.000, còn số người chết là hơn 3.500.

Không ai có thể nói trước khi nào dịch bệnh đạt đến đỉnh, nhưng điều quan trọng cần nhấn mạnh là nó sẽ xảy ra, chúng ta phải chuẩn bị.

Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn

“Châu Âu phải chấp nhận thực tế”

Nhìn lại chặng đường đã qua, các chuyên gia nhận xét khi số ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh ở Trung Quốc hồi tháng 1 và 2, nhiều khu vực, trong đó có Mỹ và châu Âu, đã tập trung phần lớn nguồn lực cho công tác hạn chế đi lại và xét nghiệm, nhưng chưa tính đến việc đương đầu với dịch trong trường hợp nó bùng lên.

“Khi chúng ta biết được loại virus này lây dễ dàng từ người sang người qua đường hô hấp, lẽ ra chúng ta phải nhận thấy việc ngăn chặn là bất khả thi. Vào lúc này, mọi quốc gia trên thế giới phải bắt đầu chuẩn bị đón dịch” – ông Amesh Adalja, học giả cao cấp thuộc Trung tâm Johns Hopkins về an ninh y tế (Mỹ), nhận định.

Trong lúc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) còn do dự, các đầu tàu kinh tế của châu Âu, tiêu biểu là Đức, đã xem COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Trong bài phát biểu cách đây vài ngày, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn nhận định hiện tại vẫn chưa phải là đỉnh dịch, có nghĩa là giai đoạn xấu nhất vẫn còn phía trước.

“Chúng ta phải chấp nhận rằng dịch bệnh sẽ còn tiếp tục, và sẽ có thêm ca nhiễm. Không ai có thể ngăn con virus này lây lan” – báo New York Times dẫn ý kiến ông Dilek Kalayci, một lãnh đạo y tế Đức ở Berlin.

Tính đến ngày 7-3, dịch COVID-19 đã xuất hiện ở gần 30 nước châu Âu, với hơn 6.000 ca nhiễm và hơn 200 người chết. Ổ dịch lớn nhất hiện tại là Ý, nhưng các nước xung quanh như Đức, Pháp, Tây Ban Nha… cũng ghi nhận số người nhiễm tăng nhanh.

“Hiện tại, khả năng virus tiếp tục lây lan rộng là rất cao”, người phát ngôn cho Thủ tướng Anh Boris Johnson dự báo. Vừa thoát ly khỏi EU nhưng Anh đã có 206 ca nhiễm COVID-19, 2 người chết (ngày 7-3). Anh và Thụy Sĩ mới ghi nhận các ca tử vong đầu tiên hôm thứ năm (5-3), còn Tây Ban Nha đã có ca tử vong thứ 8 ngày 7-3, tăng thêm 6 chỉ trong 2 ngày.

Đáng ngại nhất là ở Berlin, nhà chức trách cho biết có 13 ca nhiễm COVID-19 họ không thể truy được sự tiếp xúc với bất cứ ai trở về từ vùng dịch. Điều đó có nghĩa là virus corona chủng mới đã bắt đầu lây lan không kiểm soát trong cộng đồng tại Đức.

Tuy nhiên, khác với Ý hoặc Thụy Sĩ, những nơi chính quyền đã cấm các sự kiện đông người, Đức yêu cầu mọi hoạt động xã hội phải được duy trì càng bình thường càng tốt.

Mỹ - châu Âu chấp nhận kháng chiến trường kỳ với COVID-19 - Ảnh 3.

Đồ họa: N.KH.

Vừa khoanh vùng, vừa giảm thiểu thiệt hại

Những dự báo về việc dịch COVID-19 sẽ đạt đến quy mô toàn cầu đã xuất hiện từ giữa tháng 2, thậm chí khi số ca nhiễm do Trung Quốc công bố bắt đầu giảm mạnh.

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), các chiến lược ngăn virus xâm nhập từ bên ngoài chỉ để kéo dài thời gian cho công tác chuẩn bị đón dịch.

“Chúng tôi dự báo lây nhiễm cộng đồng cuối cùng vẫn sẽ diễn ra ở Mỹ. Đó không còn là câu hỏi có hay không, mà là khi nào và có bao nhiêu người cần sự trợ giúp y tế” – bác sĩ Nancy Messonnier, giám đốc Trung tâm quốc gia về miễn dịch và bệnh truyền nhiễm (thuộc CDC), công bố trước báo giới cách đây không lâu.

Theo bà Nancy, trong bối cảnh số quốc gia xảy ra tình trạng lây nhiễm cộng đồng tăng mạnh, việc ngăn không để virus corona tràn qua biên giới mỗi lúc càng khó khăn hơn. Đến một thời điểm nào đó, công tác khoanh vùng dịch sẽ phải diễn ra song song với “giảm thiểu thiệt hại”, hiểu nôm na là “sống chung với lũ”.

Đáng chú ý vào thời điểm CDC phát cảnh báo cuối tháng 2, Mỹ chỉ có 14 ca nhiễm COVID-19 (không tính 40 người trên du thuyền Diamond Princess bị cách ly ở Nhật), nhưng sự chuẩn bị có vẻ lơ là và đến ngày 6-3 nước này đã có 308 ca nhiễm, 17 người chết.

PHÚC LONG
TTO