26/12/2024

ADB: Toàn cầu có thể thiệt hại gần 350 tỉ USD vì COVID-19

ADB: Toàn cầu có thể thiệt hại gần 350 tỉ USD vì COVID-19

Sự bùng phát của dịch COVID-19 tác động đáng kể đến các nền kinh tế châu Á đang phát triển thông qua nhiều kênh, làm suy giảm nhu cầu trong nước, du lịch và kinh doanh du lịch, gián đoạn liên kết sản xuất và thương mại, chuỗi cung ứng…

ADB: Toàn cầu có thể thiệt hại gần 350 tỉ USD vì COVID-19 - Ảnh 1.

Ngành du lịch Việt Nam đã chịu nhiều thiệt hại vì dịch COVID-19

Tuy vào từng kịch bản theo mức độ bùng phát của dịch COVID-19 mà con số thiệt hại của GDP toàn cầu có thể mất từ 0,1% – 0,4%, tương đương từ 77 đến 346 tỉ USD trong năm 2020. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định như vậy trong nghiên cứu về tác động kinh tế của dịch bệnh này được công bố ngày 6-3.

Mức độ thiệt hại kinh tế, theo ADB, sẽ phụ thuộc vào mức độ bùng phát khó lường của dịch bệnh. Tuy nhiên, trong tất cả các kịch bản, Trung Quốc đều gánh khoảng 2/3 tổng thiệt hại, GDP của quốc gia này được dự báo mất 0,3 – 1,7%. Các nước châu Á đang phát triển, không tính Trung Quốc, mất 0,2 – 0,5%.

Trong một kịch bản ở mức vừa phải, khi các hành vi và biện pháp phòng ngừa sau 3 tháng dịch bệnh bùng phát như cấm đi lại và các hạn chế đã được áp dụng vào cuối tháng 1 bắt đầu được nới lỏng, Trung Quốc sẽ chịu thiệt hại khoảng 0,8% GDP, tương đương 103 tỉ USD.

Phần còn lại của châu Á sẽ mất 22 tỉ USD, tương đương 0,2% GDP trong khi thiệt hại toàn cầu có thể lên tới 156 tỉ USD, tương đương 0,2% GDP toàn cầu.

Với Việt Nam, ADB tính toán thiệt hại vào khoảng 0,41% GDP trong kịch bản dịch bị ảnh hưởng ở mức độ vừa phải.

Kinh tế trưởng của ADB Yasuyuki Sawada cho biết: “Có rất nhiều điều không chắc chắn về COVID-19, bao gồm cả tác động kinh tế. Điều này đòi hỏi phải sử dụng nhiều kịch bản để có bức tranh rõ ràng hơn về những tổn thất có thể xảy ra.

Chúng tôi hi vọng báo cáo này có thể hỗ trợ các chính phủ trong việc chuẩn bị ứng phó nhằm giảm thiểu tác động đến con người và kinh tế của đợt bùng phát này”.

ADB đến nay đã hỗ trợ hàng chục triệu USD cho Trung Quốc và các nước tiểu vùng Mekong mở rộng để ứng phó với COVID-19.

N.BÌNH
TTO