25/12/2024

WHO: Dân thu gom khẩu trang, nhân viên y tế các nước không có để dùng

WHO: Dân thu gom khẩu trang, nhân viên y tế các nước không có để dùng

 “Chúng ta không thể ngăn COVID-19 khi không bảo vệ được nhân viên y tế của chúng ta”, WHO cảnh báo việc khẩu trang, kính và đồ bảo hộ đang cạn kiệt vì tình trạng “nhu cầu tăng, tích trữ và sử dụng sai mục đích”.

 

WHO: Dân thu gom khẩu trang, nhân viên y tế các nước không có để dùng - Ảnh 1.

Người dân đeo khẩu trang trong mùa dịch COVID-19 – Ảnh: AFP

Dịch bệnh do virus corona chủng mới (COVID-19) đang lây lan với hơn 90.000 ca nhiễm trên toàn cầu, hiện diện tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Sự lây lan của virus đang tạo ra nỗi sợ dịch bệnh, dẫn tới tình trạng tranh thủ thu gom khẩu trang và thiết bị y tế.

Điều này không chỉ khiến giá cả các mặt hàng thiết bị y tế tăng chóng mặt mà còn tạo ra một bi kịch cho y bác sĩ, những người đang là niềm hi vọng cho bệnh nhân: bản thân họ không đủ thiết bị y tế.

Hãng tin AFP ngày 4-3 dẫn lời Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhấn mạnh mối lo ngại về việc “khẩu trang, kính và các thiết bị bảo hộ khác được dùng cho nhân viên y tế đang cạn kiệt vì nhu cầu tăng, tích trữ và sử dụng sai mục đích”.

Phát biểu tại Geneva (Thụy Sĩ), Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus lưu ý tình trạng giá khẩu trang tăng lên gấp 6 lần, trong khi thiết bị lọc khí tăng gấp ba. Ông khẳng định: “Chúng ta không thể ngăn COVID-19 khi không bảo vệ được nhân viên y tế của chúng ta”.

Ông Tedros thông báo WHO đã chuyển hơn nửa triệu gói thiết bị bảo hộ tới 27 quốc gia nhưng cảnh báo rằng “nguồn cung đang cạn kiệt nhanh chóng”.

Việc thiếu hụt thiết bị ở Trung Quốc khiến hàng ngàn nhân viên y tế bị nhiễm virus, với hàng chục trường hợp đã qua đời vì COVID-19. Trung Quốc hiện phải tăng nguồn cung thiết bị bằng cách tận dụng dây chuyền sản xuất ở các nhà máy sản xuất tã lót, áo khoác và cả điện thoại thông minh để làm khẩu trang và đồ bảo hộ, theo AFP.

Tình hình khó khăn này cũng lan ra toàn cầu khi các nước khác cũng tranh thủ bảo vệ nguồn cung trong nước khi ngày 4-3 chứng kiến tình trạng hoảng loạn thu gom, tích trữ và cả trộm cắp do lo ngại dịch.

Ít nhất 500 người đã xếp hàng ngoài một siêu thị tại Seoul (Hàn Quốc) để mua khẩu trang, trong khi Tổng thống Moon Jae In đã phải xin lỗi vì sự thiếu hụt.

Được biết, Hàn Quốc sản xuất 10 triệu chiếc khẩu trang mỗi ngày. Chính phủ nước này đã ra lệnh các nhà sản xuất cung ứng một nửa sản lượng cho các bưu điện, nhà thuốc… để bán với mức giá cố định và mỗi người chỉ được mua giới hạn 5 cái. Hiện nay hơn 5.600 người tại Hàn Quốc nhiễm COVID-19, với 32 trường hợp tử vong. Số ca nhiễm mới mỗi ngày của Hàn Quốc hiện cũng cao hơn Trung Quốc.

Tại Indonesia, cảnh sát tịch thu 600.000 khẩu trang tại một nhà kho ở Jakarta, sau khi nước này công bố những ca nhiễm đầu tiên và người dân bắt đầu hoảng loạn, đi mua khẩu trang.

Nga ngày 4-3 ban hành quy định cấm xuất khẩu khẩu trang, đồ bảo hộ và thiết bị hô hấp nhằm đảm bảo đầy đủ trang thiết bị phục vụ công dân và người bệnh ở Nga. Lệnh cấm này được áp dụng đối với 17 loại trang thiết bị y tế khác nhau, với mục đích “bảo vệ lợi ích của công dân Nga” trước tình trạng lây lan của virus chủng corona mới.

Tại Ý, một quan chức cấp cao phụ trách bảo vệ người dân nói với AFP rằng nước này đang nhập 800.000 khẩu trang từ Nam Phi nhưng cần thêm ít nhất 10 triệu chiếc nữa. Ý đang là một trong 4 tâm dịch virus corona của thế giới, nhưng nước này lại không sản xuất khẩu trang.

Tại Mỹ, câu chuyện về ám ảnh khẩu trang cũng không hơn mấy. Đài CNN cho biết bất chấp các quan chức y tế liên tục “năn nỉ” người dân đừng mua khẩu trang, mọi người vẫn đổ xô đi thâu gom khẩu trang và thiết bị hô hấp.

WHO: Dân thu gom khẩu trang, nhân viên y tế các nước không có để dùng - Ảnh 2.

Một cửa hàng tại San Rafael, California, Mỹ dán thông báo đã hết khẩu trang N95 – Ảnh: AFP

Theo CNN, cơn sốt khẩu trang tại Mỹ khiến nhân viên y tế – những người cần dùng nhất để cứu người khác, hiện đang thiếu đồ dùng cho chính mình. Những người Mỹ gốc Trung Quốc còn mua khẩu trang chuyển về cho gia đình ở đại lục.

Giám đốc Trung tâm Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) Robert Redfield nói: “Chúng tôi cần đảm bảo khẩu trang N95 đủ cho bác sĩ và y tá, vốn đang sắp phải chăm sóc cho người nhiễm bệnh. Và thực sự tôi rất bất mãn khi thấy người dân làm vậy, vì khẩu trang này không có công dụng gì trong cộng đồng hết”.

CNN viết thẳng người Mỹ không cần khẩu trang nhưng họ vẫn mua chỉ vì sợ: “Nói cho rõ một lần nữa, người Mỹ không cần khẩu trang. CDC nói người khỏe mạnh ở Mỹ không nên đeo khẩu trang vì chúng không bảo vệ được họ trước virus corona chủng mới”.

NHẬT ĐĂNG
TTO