25/12/2024

Hàng quán đóng cửa, trả mặt bằng

Hàng quán đóng cửa, trả mặt bằng

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, tình trạng buôn bán, kinh doanh của người dân ở hầu hết các lĩnh vực ế ẩm, do dịch Covid-19, khiến nhiều người phải tạm đóng cửa, trả lại mặt bằng, sang hàng quán.
Dịch Covid-19 khiến hàng loạt cơ sở kinh doanh, cửa hàng buôn bán ế ẩm phải đóng cửa hoặc trả lại mặt bằng /// Đình Sơn

Dịch Covid-19 khiến hàng loạt cơ sở kinh doanh, cửa hàng buôn bán ế ẩm phải đóng cửa hoặc trả lại mặt bằng  Đình Sơn

“Lỗ cả tỉ đồng vì dịch cúm”

Không còn thấy cảnh tấp nập mua sắm, từ sau tết, hàng loạt trung tâm thương mại tại TP.HCM rơi vào tình trạng đìu hiu, vắng vẻ. Chủ một cửa hàng kinh doanh ăn uống tại Trung tâm thương mại Vivo City (Q.7, TP.HCM), cho biết từ khi dịch cúm bùng phát đến nay lượng khách giảm khoảng 50%. Những ngày trong tuần, thậm chí không có khách, cuối tuần vớt vát lại chút xíu nhưng cũng không đáng kể.
“Chúng tôi đầu tư khá nhiều tiền cho nhà hàng, cộng với việc hợp đồng thuê mặt bằng dài hạn nên đành “cắn răng” duy trì. Chỉ mong dịch cúm mau qua để việc buôn bán kinh doanh ổn định trở lại. Nếu tình trạng kéo dài thêm 1 – 2 tháng nữa chắc chúng tôi cũng phải nghĩ đến việc đóng cửa, sang mặt bằng để cắt lỗ”, chủ nhà hàng này cho biết. Đó là cảnh của rất nhiều hàng quán hiện nay. Chị Hạnh Nguyên, ngụ Q.3 (TP.HCM), kể tối thứ năm tuần trước, chị đưa gia đình đi ăn lẩu hotpot ở Diamond (Q.1, TP.HCM). Cả một nhà hàng rộng mênh mông chỉ có 2 bàn, một bàn nhà chị và một bàn gồm 2 khách. “Chỗ này trước kia rất đông, cuối tuần phải đặt trước mới có chỗ mà bây giờ, sợ thật”, chị Hạnh Nguyên nói.
Dọc con đường Nguyễn Đình Chiểu chạy từ Q.1 đến Q.3 là một trong những con đường buôn bán sầm uất nhất nhưng giờ đây trở nên ảm đạm khi nhiều cửa hàng kinh doanh buộc phải đóng cửa, một số khác đang treo bảng cho thuê lại mặt bằng. Tòa nhà hai tầng được đầu tư “hoành tráng” số 541 Nguyễn Đình Chiểu (Q.3, TP.HCM) nằm ngay ngã ba đường được một hãng trà sữa thuê mở cửa hàng cách đây chưa lâu. Thế nhưng từ khi nghỉ Tết âm lịch đến nay cửa hàng này cũng trả mặt bằng, nghỉ luôn.
Chị Ngọc (ngụ Q.7, TP.HCM) kể: Mùng 10 tết, chị khai trương cửa hàng sản xuất và bán bánh mì ở đường Gò Ô Môi và một quán bán cơm gà ở đường Huỳnh Tấn Phát (Q.7). Sau 10 ngày khai trương gần như không một bóng khách nên chị đã quyết định đóng cửa, sang quán.
“Dịch cúm khiến đa số người dân ở nhà nấu ăn, ít ra đường khiến kinh doanh ế ẩm. Hai cửa hàng gia đình đầu tư khoảng 1,5 tỉ đồng, trong đó cửa hàng bánh mì đầu tư khoảng 700 triệu đồng, cơm gà đầu tư khoảng 800 triệu đồng. Nay sang quán cơm gà 350 triệu còn tiệm bánh mì sang 180 triệu đồng đã lâu vẫn chưa ai quan tâm trong khi tiền thuê mặt bằng vẫn phải đóng đều. Nếu tính ra chỉ trong vòng hơn 1 tháng gia đình đã chịu lỗ cả tỉ đồng”, chị Ngọc than thở.

Hỗ trợ khách thuê

Chị Phương, chủ chuỗi cửa hàng trà sữa The Happy Tea (Q.7, TP.HCM), cho biết đã đóng cửa 3 cửa hàng kinh doanh trà sữa vì dịch cúm. “Các tiệm trà sữa của gia đình đều thuê mặt bằng gần các trường. Từ lúc dịch cúm xảy ra, sinh viên, học sinh nghỉ học nên không kinh doanh được ngày nào, trong khi đó tiền thuê mặt bằng mỗi tháng vẫn phải đóng đều hơn 30 triệu đồng. Tôi đặt vấn đề với những chủ nhà xin được giảm tiền mặt bằng thì họ nói công việc kinh doanh của họ cũng bị ảnh hưởng nên không thể giúp được. Thế là đành đóng cửa chứ biết làm sao được”, chị Phương thở dài.
Cũng như chị Phương, chị Dung, chủ quán cà phê Quỳnh Mai trên đường 15B (Q.7), cho biết hồi tháng 9.2019 chị sang nhượng lại quán cà phê này với giá 650 triệu đồng, trong đó bao gồm tiền cọc 150 triệu đồng. Tuy nhiên thời gian gần đây doanh thu của quán giảm mạnh. Dù chủ nhà đã thiện chí giảm 10% tiền thuê trong 3 tháng nhưng chị vẫn cầm cự không nổi nên đã treo bảng sang lại quán.
Theo thống kê sơ bộ tại TP.HCM, từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, lượng khách đến các trung tâm thương mại, siêu thị giảm từ 40 – 50% so với trước. Lượng khách đến các cửa hàng ăn uống vào ngày thường giảm từ 20 – 30%, cuối tuần giảm tới 50%. Doanh thu tại các cửa hàng tiện lợi, shopping mall giảm tới 40%. Khách hàng sụt giảm nghiêm trọng khiến doanh thu cũng lao dốc không phanh. Ông Troy Griffiths, Phó tổng giám đốc Savills VN, cho rằng chủ đầu tư các trung tâm thương mại, mặt bằng bán lẻ cần xem xét những phương pháp hỗ trợ ngắn hạn cho khách thuê.
Là chủ đầu tư các trung tâm thương mại, ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hưng Thịnh, đánh giá dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tất cả hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó Tập đoàn Hưng Thịnh cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, trước khó khăn chung, Tập đoàn Hưng Thịnh đã quyết định triển khai chương trình hỗ trợ giảm giá thuê mặt bằng trung tâm thương mại tại các khu căn hộ do tập đoàn và các đơn vị thành viên làm chủ đầu tư. Thời gian áp dụng từ tháng 2 – 4.2020 với mức giảm từ 20 – 40%.
Tập đoàn Tuần Châu giảm phí 20% cho các dịch vụ tại cảng
Tại Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu hiện có gần 400 tàu du lịch hoạt động, thực hiện vận chuyển khách tham quan vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, do dịch Covid-19, lượng khách thông qua cảng giảm sâu, chỉ còn khoảng 2.000 lượt hành khách thăm vịnh Hạ Long/ngày so với 10.000 lượt/ngày trước đây. Chính vì vậy, Tập đoàn Tuần Châu đã giảm 20% phí đối với các dịch vụ cảng như: neo đậu tàu thuyền, an ninh trật tự, điểm văn phòng đại diện hãng tàu…
ĐÌNH SƠN
TNO