24/11/2024

Doanh nghiệp lo bị xếp vào nhóm nợ xấu

Doanh nghiệp lo bị xếp vào nhóm nợ xấu

“Vấn đề nghiêm trọng nữa là không biết sụt giảm khi nào mới dừng vì dịch vẫn đang lan rộng, cho nên ngoài giãn nợ, ngân hàng cũng cần thiết nghiên cứu giảm lãi suất cho vay. .. “

 

Doanh nghiệp lo bị xếp vào nhóm nợ xấu - Ảnh 1.

Du lịch là một trong số những ngành chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19. Trong ảnh: du khách tham quan quần đảo Nam Du, Kiên Giang – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bà Nguyễn Thị Hoa Lệ – tổng giám đốc Công ty cổ phần du lịch Hòa Bình Việt Nam – cho biết từ khi COVID-19 bùng phát, cũng như nhiều doanh nghiệp (DN) khác, Hòa Bình mất 100% khách Trung Quốc, các thị trường khác cũng giảm, DN chỉ còn hoạt động chưa đến 10%.

Vấn đề hiện nay là dịch bệnh xảy ra khi DN đang đầu tư hệ sinh thái cho du lịch, trong đó có khách sạn và đội xe để phục vụ khách. COVID-19 đã làm cho kế hoạch khai trương khách sạn 5 sao trên đảo Phú Quốc mà DN này đang đầu tư phải ngưng lại dù hạ tầng đã sẵn sàng.

Theo tính toán của bà Hoa Lệ, để đầu tư một dự án khách sạn lớn trên cần cả 1.000 tỉ đồng. Nếu theo hình thức vốn đối ứng, dự án cũng ngốn của DN cả 600 tỉ đồng. Hiện nay, dự án chưa đi vào hoạt động nên DN chỉ phải tính tiền lãi vay nhưng với lãi suất đang áp dụng, mỗi tháng tiền lãi cũng gần 10 tỉ đồng.

Trong bối cảnh đó, các nguồn thu trả lãi cho dự án gần như không còn. Lượng khách giảm kéo theo công suất phòng khách sạn của DN này cũng giảm, hiện có nơi chỉ còn 10%, hệ số chỗ của hệ thống xe và tàu đường thủy giảm 70%, tất cả hoạt động cầm chừng vì khách không có.

“Ngay cả đội xe cũng chỉ hoạt động 10%, chưa đủ tiền để trả lương nhân viên, nhưng gánh nặng lãi thì vẫn tồn tại mỗi ngày” – bà Hoa Lệ cho biết.

Do đó, nữ tổng giám đốc này cho biết trong tình hình hiện nay, các ngân hàng cần phải giãn nợ cho những DN bị ảnh hưởng bởi dịch dù dự án đi vào hoạt động hay chưa.

Nếu không khoanh vùng, DN rất dễ bị rơi vào nhóm nợ xấu, khả năng phục hồi sau dịch xem như không có, hoạt động đầu tư trì trệ, chất lượng cơ sở xuống cấp do không thể tiếp tục đầu tư.

“Vấn đề nghiêm trọng nữa là không biết sụt giảm khi nào mới dừng vì dịch vẫn đang lan rộng, cho nên ngoài giãn nợ, ngân hàng cũng cần thiết nghiên cứu giảm lãi suất cho vay. Các DN chỉ có khả năng trả nợ khi kinh doanh có thu, họ cần thời gian chống chọi qua dịch này” – bà Hoa Lệ chia sẻ với Tuổi Trẻ.

Giám đốc một DN lữ hành cũng tha thiết được giãn nợ trong lúc này. Trước tết DN ông đầu tư một đội xe chuyên chở phục vụ khách du lịch với số tiền vay ngân hàng hơn 5 tỉ đồng.

Xe chạy chưa được bao lâu thì dịch COVID-19 ập đến, toàn bộ xe giờ nằm yên một chỗ vì không có khách nhưng hằng tháng ông vẫn phải gồng mình trả lãi cả trăm triệu đồng.

“Mới đây dựa trên đề xuất của Thủ tướng, ngân hàng có đến làm việc nhưng họ vẫn không thông báo gì. Trong khi hạn trả lãi đã rất gần, nếu bị tính trả lãi chậm, nợ DN bị xếp vào nhóm 2, xem như sau này rất khó tiếp tục làm ăn” – ông này cho biết.

Theo các DN, trong “bão” dịch COVID-19, những DN du lịch mới ra đời có nguy cơ phá sản rất cao vì không thể vượt qua được những tác động nặng nề thời điểm này, do chi phí dự phòng gần như chưa có trong khi họ vẫn phải chi trả các khoản vay, lương nhân viên dù doanh thu không phát sinh.

* ThS Nguyễn Đăng Lý (hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP.HCM):

Nhà trường cũng cần gỡ khó

Trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, nhà trường phải cho toàn bộ sinh viên nghỉ học để phòng tránh dịch.

Việc sinh viên nghỉ học kéo dài không chỉ gây nhiều khó khăn cho trường trong kế hoạch đào tạo mà còn gây thiệt hại nặng về tài chính, đặc biệt đối với các trường tư thục.

Như trường chúng tôi, mặc dù sinh viên nghỉ học nhưng trường vẫn tổ chức dạy online bình thường, giảng viên, nhân viên và người lao động toàn trường làm việc bình thường… Vì vậy, trường vẫn phải trả lương bình thường, trong đó có cả việc chi trả bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.

Với hơn 200 người làm việc tại trường hiện nay, mỗi tháng chúng tôi phải trả lương mấy trăm triệu đồng. Chi phí phục vụ đào tạo online rất lớn.

Bên cạnh đó, trường còn phải chi trả tiền thuê cơ sở trường lớp với khoảng 400 triệu đồng/tháng. Sau khi sinh viên đi học trở lại trường còn phải tổ chức dạy bù thời gian nghỉ, trong khi không thể thu thêm học phí.

Như vậy nếu tiếp tục phải cho sinh viên nghỉ học thì khó khăn thêm chồng chất. Nếu được, Nhà nước cần xem xét hỗ trợ chi phí bảo hiểm cho giảng viên, nhân viên nhà trường.

TR.H. ghi

N.BÌNH
TTO