23/11/2024

Kháng thể tinh thần, đề kháng văn hoá thời COVID-19

Kháng thể tinh thần, đề kháng văn hoá thời COVID-19

Nhìn lại lịch sử nhân loại, trong những trận đại dịch thảm khốc, con người ngoài suy nhược bởi chết chóc bệnh tật còn kiệt sức bởi xung đột, kỳ thị, định kiến và chia rẽ.

Điềm tĩnh, khoan dung, trách nhiệm và thương yêu là những gì cần thiết để giữ cho được sự kết nối hài hòa và trách nhiệm giữa cá nhân với đồng loại.

Nhìn lại lịch sử nhân loại, trong những trận đại dịch thảm khốc, con người ngoài suy nhược bởi chết chóc bệnh tật còn kiệt sức bởi xung đột, kỳ thị, định kiến và chia rẽ.

Có thể nói, những rạn nứt lẫn tổn thương tinh thần từ các trận đại dịch gây ra mất mát không kém sự mất mát về nhân mạng.

Những gì con người đang trải qua trong dịch bệnh COVID-19 của thời hiện đại, xét về mặt tâm bệnh, có nhiều nét trùng lặp với cha ông, tổ tiên mình từng trải qua.

Chiếc vương miện của tử thần đã khiến những đô thị phồn thịnh trở thành thành phố ma sau một đêm, con người hủy bỏ mọi kế hoạch, tính toán phát triển để quay về phấp phỏng việc giữ an toàn sinh mạng.

Mọi giao lưu, kết nối bị gián đoạn. Hình ảnh của hôm nay là những nhân diện bất an, ngờ vực phía sau những chiếc khẩu trang đồng dạng.

Trong những khu cách ly điều trị, những bệnh viện, con người phải bao bọc mình trong những bộ đồ bảo hiểm như thể phi hành gia bước vào một tinh cầu không trọng lực.

Con người buộc phải che chắn, hạn chế giao tiếp, tương tác với xung quanh.

Nụ hôn kiểu Pháp, cái bắt tay kiểu Ý, cái xởi lởi của người Hoa, sự khiêm cung của người Nhật… – tất cả những gì ta cảm nhận được, thuộc về cái đẹp văn hóa vùng miền, tâm tính quốc gia, nguồn mạch của cảm hứng gắn kết – gần như phải khép lại, tiết chế, thay vào đó là khoảng cách, là cách ly, là những làn sóng suy diễn chuyện và xung đột quan điểm.

Chiếc vương miện độc địa đó vẫn lầm lì, không từ một thành phần nào trong xã hội: một chính trị gia hàng đầu quốc gia, lãnh tụ tôn giáo hay một người giàu, một người nghèo…, tất cả đều có thể là nạn nhân.

Nó làm thổi bùng mọi nghi ngờ kết nối giữa con người với nhau đến mức một tiếng ho của tha nhân đủ khiến ta giật mình hốt hoảng, lo âu.

Tri thức về dịch tễ hiện đại đã soi sáng những khoảng tối tăm trong tâm tính nhân loại ở vào các cảnh huống ngặt nghèo của tai ương, để giúp con người ngày nay thức tỉnh lương tri và chuẩn bị một kháng thể văn hóa đủ mạnh, vượt thắng những khó khăn hiện tại.

Công nghệ cũng giúp con người nhìn thấy và cảm nhận rõ hơn nỗi đau của đồng loại nơi những điểm nóng của bệnh dịch để có thể san sẻ và cảm thông, chứ không kích hoạt tâm lý hả hê định kiến.

Công nghệ cũng giúp con người nắm bắt, hiểu rõ hơn cơ chế lây lan để mỗi cá nhân có trách nhiệm liên đới với cộng đồng trong việc ngăn chặn dịch bệnh, chứ không để nuông chiều tính ích kỷ, bất chấp hệ lụy cho cộng đồng.

Công nghệ cũng làm minh bạch hóa diễn tiến của dịch bệnh, không phải để làm cho các quốc gia tự đặt mình ra bên ngoài thế giới với lối hành xử duy ý chí, mà để gắn kết và gia tăng năng lực ứng phó một cách bản lĩnh và trách nhiệm.

Hỉ, nộ, ái, ố vẫn như thuở ông bà, phơi bày trên bề mặt của một thực tế đầy đe dọa, bất an. Nhưng còn có cách nào khác để đi qua sự khốn khó mà không lặp lại bạo lực, sự kỳ thị, thành kiến đắp lên thành kiến; không phải gánh chịu những di chứng của sự đứt gãy kết nối, không suy giảm kháng thể trách nhiệm?

Điềm tĩnh, khoan dung, trách nhiệm và thương yêu là những gì cần thiết để giữ cho được sự kết nối hài hòa và trách nhiệm giữa cá nhân với đồng loại, giữa dân tộc này với dân tộc khác. Đó là những kháng thể tinh thần, đề kháng văn hóa không thể thiếu để con người đi qua tai ương.

NGUYỄN AN NAM
TTO