23/12/2024

Liên minh Mỹ – Nhật trong bước ngoặt ứng phó Trung Quốc

Liên minh Mỹ – Nhật trong bước ngoặt ứng phó Trung Quốc

Sau 60 năm kể từ khi Hiệp ước An ninh song phương Mỹ – Nhật được ký kết, liên minh hai bên đang chuyển sang bước ngoặt mới trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy.
Tàu khu trục chở máy bay JS Izumo trong lần cập cảng Cam Ranh tháng 6.2019
 /// Ảnh: Nguyễn Chung

Tàu khu trục chở máy bay JS Izumo trong lần cập cảng Cam Ranh tháng 6.2019 Ảnh: Nguyễn Chung
Rạng sáng 28.2 theo giờ Việt Nam, Viện Nghiên cứu Hudson (có trụ sở tại Washington D.C, Mỹ) đã tổ chức hội thảo đánh dấu 60 năm Hiệp ước An ninh song phương Mỹ – Nhật được ký kết (1960 – 2020).

Cấu trúc an ninh mới

Liên minh hai nước đã bắt đầu hình thành từ năm 1951. Tuy nhiên, suốt nhiều năm, vai trò của Washington và Tokyo trong liên minh này là không giống nhau. Giờ đây, nhiều quốc gia trong khu vực đang đối mặt với các thách thức từ Trung Quốc, Nhật Bản đã thể hiện vai trò quan trọng chưa từng có. Tại sao như vậy?

Ông truyền – cháu nối

Năm 1960, dưới thời Tổng thống Mỹ Dwight D.Eisenhower và Thủ tướng Nhật Nobusuke Kishi, Hiệp ước An ninh song phương hai nước đã được ký kết.
Cố Thủ tướng Nobusuke Kishi chính là ông ngoại của đương kim Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe – người vạch rõ con đường đẩy mạnh hợp tác với một số nước để hình thành “liên minh kim cương”. Cuối năm 2012, khi quay lại giữ chức Thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe có bài đăng trên chuyên san Project Syndicate để nhấn mạnh chiến lược trên trong bối cảnh có nhiều lo ngại về Trung Quốc.
Khi đó, ông nêu rõ: “Đối với Nhật Bản, không có gì quan trọng hơn việc tái đầu tư cho liên minh với Mỹ. Úc, Ấn Độ, Nhật Bản cùng bang Hawaii của Mỹ tạo thành một “liên minh kim cương” để bảo vệ cho cộng đồng hàng hải trải dài từ Ấn Độ Dương đến tây Thái Bình Dương”.
Đến nay, chiến lược “liên minh kim cương” gần như đã được hiện thực hóa bằng chương trình hợp tác Tứ giác an ninh gồm Mỹ – Nhật Bản – Úc – Ấn Độ ở khu vực liên Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo – Pacific). Cả bốn nước đều có các chiến lược, chương trình cụ thể cho khu vực này. Mỹ có “Chiến lược Indo – Pacific”, Nhật Bản có “Tầm nhìn Indo – Pacific tự do và rộng mở”, Úc cũng đưa ra Khái niệm định hình Indo – Pacific, Ấn Độ thì có nhiều chiến lược xoay quanh Indo – Pacific như Chính sách hướng đông…
Chính vì thế, nếu như cố Thủ tướng Nobusuke Kishi góp phần mở ra chương mới cho liên minh Mỹ – Nhật, thì Thủ tướng Shinzo Abe đang chung tay nâng tầm liên minh này lên tầm mức đa phương trước các thách thức từ Trung Quốc.
Hoàng Đình

Ban đầu, liên minh Mỹ – Nhật là một phần của hệ thống an ninh truyền thống do Washington dẫn đầu, có tên gọi là “Hub and Spoke” (tạm dịch là “Trục bánh xe và nan hoa” – được hình thành dựa trên nhiều liên minh song phương mà Mỹ ký kết với Nhật Bản, với Úc, Philippines, Hàn Quốc… Tuy nhiên, theo hệ thống này, cả Nhật và Úc đều là đồng minh của Mỹ, nhưng Nhật và Úc lại chẳng phải là đồng minh của nhau, tương tự với các cặp đồng minh khác.

Thế nhưng, đến gần đây thì thực tế cho thấy tự thân Washington không thể giải quyết mọi thách thức liên quan Bắc Kinh, do cán cân sức mạnh Mỹ – Trung đã thay đổi. Ví dụ như từ năm 2000 – 2017, Trung Quốc bổ sung 44 tàu ngầm mới, còn Mỹ chỉ đóng mới và triển khai thêm 15 tàu ngầm.
Nếu Washington và các đồng minh tiếp tục giữ một hệ thống liên minh phụ thuộc chủ yếu vào Mỹ thì hệ thống này không còn hiệu quả. Vì thế, Mỹ cần một hệ thống mới.

Nhật Bản chuyển từ phòng thủ sang sẵn sàng tấn công

Theo đó, hệ thống an ninh mới phải bao gồm mạng lưới đa phương, không chỉ giới hạn trong các liên minh song phương kiểu như Mỹ – Nhật, Mỹ – Úc, Nhật – Úc… Như thế, mạng lưới không còn phụ thuộc quá nhiều vào Washington. Ngoài ra, hệ thống này không chỉ bao gồm các đồng minh chính thức, mà còn có thể mở rộng hợp tác với các nước đang cùng chia sẻ các thách thức như Việt Nam, Ấn Độ – vốn không phải là đồng minh của Mỹ. Sự đóng góp của nhiều bên sẽ giúp mạng lưới càng trở nên mạnh mẽ hơn. Trong đó, các nước như Nhật Bản, Úc và Ấn Độ… cần chia sẻ thêm gánh nặng phòng vệ.
Ví dụ như trước kia, Nhật Bản chỉ tập trung vào việc đánh chặn nếu CHDCND Triều Tiên tấn công bằng tên lửa, còn việc tấn công đáp trả do Mỹ tiến hành. Bởi theo hệ thống an ninh truyền thống thì Nhật có vai trò phòng thủ còn Mỹ mang sứ mệnh tấn công. Thế nhưng giờ đây, Tokyo đã sở hữu năng lực tấn công để sẵn sàng đáp trả. Năm 2019, nội dung định hướng phòng vệ Nhật Bản cho 10 năm tiếp theo đã vạch rõ nước này sẽ hướng đến sở hữu năng lực tấn công giới hạn như bom dẫn đường, tên lửa hành trình tầm xa, tàu sân bay…
Khi sở hữu khả năng tấn công, Nhật Bản có thể chia sẻ gánh nặng cùng Mỹ. Không dừng lại ở đó, Nhật Bản cùng với Ấn Độ, Úc… còn phải có trách nhiệm cùng chia sẻ các thách thức, hỗ trợ các nước khác trong khu vực tăng cường khả năng ứng phó trước các hành vi đe dọa.
Chính vì thế, thông qua cấu trúc an ninh mới, tàu sân bay Nhật Bản có thể đồng hành cùng hải quân Mỹ hiện diện ở Biển Đông hay một số khu vực nhằm ngăn chặn sự hung hăng của bên khác.

TS Satoru Nagao

(Chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ)