23/12/2024

Gỡ khó cho doanh nghiệp: Phải giảm thuế, hạ lãi suất

Gỡ khó cho doanh nghiệp: Phải giảm thuế, hạ lãi suất

Giảm thuế, gia hạn thời gian quyết toán thuế, gia hạn nợ và giảm lãi suất cho vay… là những giải pháp cấp bách để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng dịch COVID-19 có thể tồn tại và vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

 

Gỡ khó cho doanh nghiệp: Phải giảm thuế, hạ lãi suất - Ảnh 1.

Cảnh vắng vẻ tại một trung tâm thương mại ở quận 1, TP.HCM do dịch COVID-19 – Ảnh: TRÚC PHƯƠNG

Đó là đề xuất của các chuyên gia, lãnh đạo ngành thuế khi đề cập đến biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người dân trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Theo các chuyên gia, các biện pháp phải được triển khai ngay và phải có sự giám sát để tránh tình trạng “công bố nhiều nhưng hỗ trợ không bao nhiêu” như lo ngại của các DN.

TS Trần Du Lịch (thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ):

Tháo gỡ ngay các điểm nghẽn

Dù chưa thể có con số ước tính cụ thể về ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng chắc chắn rằng tác động từ đợt dịch bệnh này sẽ rất lớn. Chưa kể còn có độ trễ sau khi hết dịch. VN có đặc thù là một số ngành phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc như nông nghiệp, du lịch, khách sạn… nên chịu tác động rất rõ.

Do đó, theo tôi, việc hỗ trợ thiết thực nhất của Chính phủ là bằng chính sách tài khóa như giãn, hoãn, giảm thuế để doanh nghiệp có thể trụ được qua lúc khó khăn. Để bù đắp cho nguồn thu ngân sách 2020 bị sụt giảm, có thể giảm chi thường xuyên, thoái vốn mạnh hơn ở các doanh nghiệp nhà nước. Nhưng trước mắt phải có các biện pháp để hỗ trợ ngay cho DN.

Ngoài ra, có thể giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ xuống mức 15-17%. Cùng với đó là rà soát ngay các điểm nghẽn, nhất là về thủ tục hành chính nhằm tháo gỡ kịp thời. Các dự án đầu tư công dang dở cũng phải đẩy mạnh thực hiện để nền kinh tế có thể hấp thụ được vốn nhằm vực dậy đà tăng trưởng.

Ông Vũ Viết Ngoạn (phó chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia):

Cần giảm thuế và tiếp tục hạ lãi vay

Việc đánh giá chính xác, cụ thể về thiệt hại do dịch bệnh này gây ra để có giải pháp tương ứng là rất khó bởi dịch vẫn còn diễn biến phức tạp. Do đó, mọi đánh giá về tác động mức độ ảnh hưởng thiệt hại cũng là tương đối. Các doanh nghiệp du lịch, vận tải, hay doanh nghiệp có phụ thuộc nguồn nguyên liệu từ thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng khi doanh thu giảm, sản xuất đình trệ…

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp  và người dân bị ảnh hưởng do dịch này, các bộ ngành cần nghiên cứu và kịp thời đưa ra các giải pháp, thậm chí kiến nghị Chính phủ có những giải pháp mạnh hơn. Một số ý kiến đề xuất Chính phủ xem xét có gói bù lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị thiệt hại do dịch này. Tuy nhiên, theo tôi, việc miễn giảm thuế sẽ khả thi hơn, dễ thực hiện, đúng đối tượng. Với các ngân hàng, ngoài việc miễn giảm lãi và giãn nợ, vẫn nên có những biện pháp để hạ lãi suất cho vay xuống thấp hơn.

Chuyên gia Ngô Trí Long:

Cần giải pháp hỗ trợ thiết thực và khả thi

Việc hỗ trợ doanh nghiệp giữa đại dịch COVID-19 là cần thiết và phải làm. Nhưng bằng biện pháp gì? Theo tôi, ngoài biện pháp giãn, giảm thuế cũng rất cần sự tiếp sức, chia sẻ từ ngành ngân hàng thông qua các biện pháp như giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, tiếp tục cho vay mới.

Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản đề nghị các ngân hàng chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại, ảnh hưởng của khách hàng đang vay vốn do dịch COVID-19. Một số ngân hàng đã công bố các gói cho vay ưu đãi cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch.

Đây là giải pháp thiết thực, kịp thời, nhưng cần quy định các tiêu chí cụ thể để có thể thực hiện thống nhất, có giám sát nhằm đảm bảo các doanh nghiệp bị thiệt hại được hỗ trợ để vượt qua khó khăn, tránh trường hợp công bố nhiều nhưng hỗ trợ không được bao nhiêu.

Ông Đặng Minh Trường (chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group):

Nên giảm 50% thuế VAT và thuế TNDN

Việc Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC) vừa công bố đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các điểm đến có khả năng lây lan SARS-CoV-2 ra cộng đồng là tín hiệu rất đáng mừng. Đây là tiền đề quan trọng để Việt Nam tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp kích cầu, thu hút du khách đến với Việt Nam.

Theo tôi, Việt Nam cần triển khai một chiến dịch quảng bá riêng cho thị trường du lịch tàu biển, với các chương trình khuyến mãi sâu, hấp dẫn du khách. Ngoài ra, cũng cần triển khai mạnh mẽ các sự kiện du lịch lớn khắp cả nước như Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế, Carnival quốc tế, Lễ hội mùa đông… tại nhiều điểm đến nổi tiếng để thu hút sự quan tâm tìm đến của du khách.

Đặc biệt, các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ để vượt qua được khủng hoảng. Cụ thể, doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ cho phép giảm 50% thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2020; chậm nộp thuế VAT quý 4-2019 và thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2019 sang quý 3 hoặc quý 4-2020.

Ông Lê Duy Minh (cục trưởng Cục Thuế TP.HCM):

Nên giãn thời gian quyết toán thuế đến 30-6

Cục Thuế TP.HCM vừa đề xuất UBND TP có văn bản đề nghị Bộ Tài chính giãn thời gian nộp quyết toán thuế đến cuối tháng 6, thay vì 31-3 như quy định. Dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, việc giãn thời gian nộp quyết toán thuế của cả cá nhân lẫn DN sẽ tránh được chuyện tụ tập đông người, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Với đơn kiến nghị giảm thuế của các hộ kinh doanh tại chợ An Đông (Q.5, TP.HCM) do doanh thu sụt giảm trầm trọng bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19, Cục Thuế TP đã yêu cầu các chi cục thuế trên địa bàn nắm tình hình và báo cáo cụ thể. Trên cơ sở đó, Cục Thuế TP sẽ tập hợp và báo cáo chung cho UBND TP để kiến nghị chính sách phù hợp nhất nhằm tháo gỡ khó khăn cho các hộ kinh doanh và doanh nghiệp.

Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng mạnh đến rất nhiều ngành, trong đó có du lịch, khách sạn, dịch vụ, vận tải, ăn uống, trường học… Tuy nhiên đến nay Cục Thuế TP chỉ mới nhận tờ khai thuế của DN đến hết tháng 1-2020 nên chưa nắm cụ thể. Dù vậy, chuyện doanh thu của doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị sụt giảm mạnh là điều khó tránh khỏi. Chúng tôi sẽ kiến nghị các giải pháp để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

Nhiều gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp

nganhangbanviet

Khách hàng giao dịch tại một ngân hàng – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Sau khi Ngân hàng Nhà nước có văn bản chỉ đạo, nhiều ngân hàng đã công bố các gói vay ưu đãi cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo đó, ACB công bố gói cho vay 25.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi, gồm 13.000 tỉ đồng cho các khách hàng cá nhân và 12.000 tỉ đồng cho các khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).

Với các khách hàng cá nhân, lãi suất tối thiểu của gói vay này là từ 7,5%/năm cho các khoản vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn và 8,5%/năm cho các khoản vay trung dài hạn. Với SME, lãi suất từ 6,5 – 8,5%/năm, tùy mục đích vay. Khách hàng vay vốn theo chương trình này chưa phải trả nợ vốn gốc trong 12 tháng và được áp dụng chính sách miễn phí trả nợ trước hạn linh hoạt trong thời gian ân hạn vốn…

SHB cũng dành 3.000 tỉ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo đó, trên cơ sở đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng, ngân hàng này cho vay lãi suất ưu đãi đối với khoản vay mới và điều chỉnh giảm lãi suất đối với các khoản vay hiện hữu, với mức giảm lãi suất lên tới 1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường cho các khoản vay bằng VND và 0,5%/năm đối với các khoản vay bằng USD.

Sacombank cũng công bố dành nguồn vốn ưu đãi 10.000 tỉ đồng với lãi suất giảm đến 2%/năm dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vay phục vụ sản xuất kinh doanh. Căn cứ vào phương án kinh doanh và sử dụng nguồn vốn, khách hàng có thể vay vốn ngắn hạn với lãi suất tối thiểu 6,5%/năm đối với doanh nghiệp và 8,5%/năm đối với cá nhân. Thời gian triển khai gói vay sẽ kết thúc vào ngày 30-6 hoặc khi hết hạn mức.

A.HỒNG

ÁNH HỒNG – LÊ THANH
TTO