23/12/2024

Huawei trong quan hệ ràng buộc với chính quyền Trung Quốc

Huawei trong quan hệ ràng buộc với chính quyền Trung Quốc

Có nhiều năm nghiên cứu về khu vực châu Á, PGS Stephen Robert Nagy vừa có bài phân tích xung quanh quan hệ giữa Huawei với chính quyền Trung Quốc trong bối cảnh tập đoàn này đang bị Mỹ tăng cường trừng phạt do lo ngại an ninh viễn thông. Nhận bài viết từ PGS Nagy, Thanh Niên lược dịch.
Huawei là một trong các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Trung Quốc /// Reuters

Huawei là một trong các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Trung Quốc   Reuters
Thời gian qua, một câu hỏi được chính phủ cũng như giới quan sát quốc tế đặt ra là mối quan hệ giữa Tập đoàn công nghệ Huawei (Trung Quốc) với nhà cầm quyền Bắc Kinh. Bởi kết quả của câu trả lời này có ý nghĩa quan trọng để chính phủ các nước khác quyết định có thể cho phép Huawei tham gia phát triển mạng 5G hay không.

Các cuộc biểu tình của “diễn viên quần chúng”

Một trong những chỉ dấu thể hiện mối liên quan giữa chính quyền Trung Quốc với Huawei chính là các cuộc biểu tình diễn ra ở Canada nhằm phản ứng chính quyền sở tại bắt giữ bà Mạch Vãn Chu, Phó chủ tịch tập đoàn kiêm Giám đốc tài chính của Huawei, rồi xem xét dẫn độ sang Mỹ. Các cuộc biểu tình nhanh chóng bị bóc trần về khả năng người tham gia được thuê để làm “diễn viên quần chúng”.
Các cuộc biểu tình trên diễn ra ở các thành phố khác nhau, nhưng cách thức, biểu ngữ thì giống hệt nhau, nên có thể do cùng “đơn vị tổ chức”, chứ chẳng phải là hành động tự phát.
Cách thức làm việc lỏng lẻo, thiếu chuyên nghiệp này khó có thể được thực hiện bởi đội ngũ của những công ty truyền thông đầy kinh nghiệm đang hợp tác cùng Huawei. Ngược lại, các dấu hiệu lại khơi gợi về sự can dự của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất T.Ư – Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đây chính là cơ quan thường xuyên tổ chức các sự kiện ở nhiều nước để thể hiện sự ủng hộ dành cho chính quyền Trung Quốc đại lục. Qua nghiên cứu, chúng tôi từng thấy các dấu hiệu tương tự như các cuộc biểu tình được tiến hành bởi người Trung Quốc ở Úc, Hàn Quốc và Pháp… nhằm ủng hộ chính thể Bắc Kinh giữa bối cảnh Hồng Kông căng thẳng cách đây chưa lâu.

Chiến lược hợp nhất quân sự – dân sự

Nếu nhìn lại, thì sự “giúp sức” từ một cơ quan của T.Ư Đảng Cộng sản Trung Quốc dành cho Huawei cũng không quá lạ khi xét trong bối cảnh nước này với các yếu tố như: Trung Quốc vẫn luôn có một hồ sơ theo dõi sát sao các doanh nghiệp; Những quy định gần đây của chính phủ nước này yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp dữ liệu khi có yêu cầu; Chiến lược hợp nhất quân sự – dân sự… được đề ra bởi ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trung Quốc.
Cụ thể, thời gian qua, chính quyền Trung Quốc đã tăng cường ảnh hưởng vào khu vực kinh tế tư nhân. Tỉ phú Jack Ma, đồng sáng lập Tập đoàn Alibaba và cũng là một đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc, vừa qua đã tuyên bố về việc “nghỉ hưu” sau khi có vài động thái có thể không làm hài lòng chính quyền trung ương. Một số tỉ phú khác của Trung Quốc gần đây cũng “lặng lẽ” hơn với một số động thái từ chính quyền. Chính vì thế, để Huawei nói chung và gia đình ông Nhậm Chính Phi – nhà sáng lập tập đoàn này, nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ thì chắc chắn quan hệ hai bên cũng rất “thuận hòa”. Bên cạnh đó còn là việc Huawei được cho là tiếp nhận nhiều khoản hỗ trợ đáng kể từ chính quyền Trung Quốc, thì càng thể hiện sự khăng khít trong quan hệ hai bên.
Về chiến lược hợp nhất quân sự – dân sự, ông Tập Cận Bình từng khẳng định đây là lựa chọn tất yếu trong việc xây dựng hệ thống tích hợp năng lực chiến lược quốc gia, đồng thời củng cố quân đội. Tuy nhiên, sự hợp nhất này cũng ẩn chứa khả năng khó phân biệt ranh giới đâu là hoạt động dân sự và đâu là hoạt động quân sự ngay tại các doanh nghiệp tư nhân.
Trong bối cảnh như vậy, vai trò tiên phong trong việc xây dựng hạ tầng viễn thông, nhất là mạng di động chuẩn 5G, khiến cho Huawei khó có thể không phụ thuộc vào chiến lược hợp nhất quân sự – dân sự mà Bắc Kinh đang đề ra.
Thực tế hiện nay, trong khi Anh quốc và Đức phần nào “mở cửa” – kèm theo những biện pháp kiểm soát – cho Huawei tham gia một phần đối với việc phát triển hạ tầng mạng 5G, thì Mỹ cùng Úc và Nhật Bản gần như “đóng chặt cửa” đối với tập đoàn này. Còn ở nhiều thị trường thuộc khu vực Nam Á, Đông Nam Á và châu Phi, thì việc cạnh tranh bằng giá thấp đang tạo ra ưu thế cho Huawei tham gia xây dựng các hạ tầng viễn thông. Đồng thời chính lợi thế giá thấp này đang lấn áp vấn đề an ninh trong việc ra quyết định của chính quyền nhiều nước.