24/12/2024

Doanh nghiệp sắp hết nguyên liệu, nguy cơ dừng sản xuất

Doanh nghiệp sắp hết nguyên liệu, nguy cơ dừng sản xuất

Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết các doanh nghiệp điện tử chỉ còn đủ linh kiện cho sản xuất trong khoảng 1 tháng nữa, còn khối da dày, dệt may cũng chỉ dự trữ nguyên phụ liệu đủ cho sản xuất tới đầu tháng 4.
Điện - điện tử là ngành nghề đang rất khó nhập linh kiện để sản xuất /// Ảnh Ngọc Thắng

Điện – điện tử là ngành nghề đang rất khó nhập linh kiện để sản xuất  Ảnh Ngọc Thắng
Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết nguy cơ nhiều doanh nghiệp trong 1 – 2 tháng tới phải dừng sản xuất do nguồn nguyên phụ liệu dự trữ sắp hết trong khi việc nhập hàng rất khó khăn.
Thực trạng đáng ngại trên được ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp, báo cáo tại cuộc họp chiều nay, 26.2, của Bộ Công thương để bàn về tình hình sản xuất trước diễn biến của dịch Covid-19 đang gia tăng tại nhiều nước, nhất là các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam như Hàn QuốcTrung Quốc và Nhật Bản.
Theo ông Hoài, các ngành sản xuất Việt Nam đang chịu tác động lớn từ dịch bệnh Covid-19, thậm chí nhiều doanh nghiệp đối mặt với việc tạm ngừng sản xuất vì thiếu nguồn cung nguyên vật liệu. Nguyên do là bởi hiện nguyên liệu phụ thuộc rất lớn vào các nguồn cung cấp từ các quốc gia Trung Quốc, Hàn Quốc thì đều là nước có dịch căng thẳng, dẫn đến việc nhập hàng khó khăn.
Trong đó, một trong số những ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất là ngành điện – điện tử. “Hiện nay, các doanh nghiệp điện tử chỉ còn đủ lượng linh kiện phụ kiện phục vụ cho sản xuất trong khoảng đến giữa hoặc cuối tháng 3”, ông Hoài nói và cho biết thêm, đối với ngành dệt may, da giày cũng chỉ chỉ dự trữ nguyên phụ liệu tới đầu tháng 3 hoặc đầu tháng 4.
“Do đó, khả năng nhiều doanh nghiệp trong ngành này phải tạm ngừng sản xuất là rất lớn”, ông Hoài cảnh báo.
Đối với ngành sản xuất xuất lắp ráp ô tô, báo cáo của Cục Công nghiệp cho biết, năm 2019, Việt Nam nhập khẩu gần 4 tỉ USD phụ tùng linh kiện ô tô, trong đó, nhập khẩu nhiều nhất là từ Hàn Quốc với 1,14 tỉ USD (chiếm 28,5%), tiếp đó là Nhật Bản (0,72 tỉ USD, tương đương 18,04%) và từ Trung Quốc là 0,7 tỉ USD.
Đặc biệt, ngành sản xuất ô tô tải phụ thuộc vào hơn 70% linh phụ kiện từ Trung Quốc. Các dòng xe du lịch có linh kiện được nhập khẩu từ nhiều quốc gia để tiến hành lắp ráp, tuy nhiên, những quốc gia này hoặc đang bùng phát (Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản) hoặc phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc để sản xuất linh kiện xuất khẩu sang Việt Nam.
Tính toán của Cục Công nghiệp cho thấy, đến khoảng cuối tháng 3, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ việc thiếu hụt nguồn linh phụ kiện phục vụ sản xuất.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết thêm, chỉ riêng trong chuỗi cung ứng của châu Á, thì sản phẩm của Trung Quốc là chiếm tới 40%. Do đó, theo ông, không chỉ mình Việt Nam bị tác động, song không thể phủ nhận “tác động tới Việt Nam là rất lớn”.
Để đối phó với tình hình này, ông Trần Tuấn Anh đề nghị các cơ quan thuộc Bộ cần tiếp tục phân tích dự báo, đồng thời xây dựng đối sách để ứng phó. “Sản xuất nhiều ngành công nghiệp trọng điểm chỉ duy trì tới tháng 3. Rõ ràng chúng ta phụ thuộc vào nhập khẩu chứ chưa thể cải thiện ngay được. Và điểm đáng nói, đáng suy nghĩ là dịch bệnh tiếp tục phức tạp”, ông Trần Tuấn Anh lo ngại. Tuy nhiên, ông Tuấn Anh nhấn mạnh: “Chúng ta không bi đát, không trầm trọng hoá vấn đề, nhưng phải chủ động”.
CHÍ HIẾU
TNO