23/11/2024

Vũ Hán ‘một tháng phong thành’: COVID-19 đã bùng phát như thế nào?

Vũ Hán ‘một tháng phong thành’: COVID-19 đã bùng phát như thế nào?

Cho tới giờ, “bức tranh” toàn cảnh về sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 vẫn còn thiếu rất nhiều “mảnh ghép” thông tin để mọi người hiểu được chính xác “đường đi” của mầm bệnh.

 

Vũ Hán một tháng phong thành: COVID-19 đã bùng phát như thế nào? - Ảnh 1.

Hình mô phỏng virus corona chủng mới trên máy tính – Ảnh: REUTERS

Đã tròn 1 tháng kể từ khi lệnh phong tỏa được áp dụng tại Vũ Hán, thành phố tâm dịch, cùng nhìn lại những gì đã biết cho tới nay về quá trình bùng phát của dịch bệnh này.

Chưa rõ dịch có từ bao giờ

Cuối tháng 12 năm ngoái (chính xác là ngày 31-12-2019), giới chức y tế Trung Quốc báo cáo với văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Trung Quốc về việc phát hiện một chủng virus mới chưa từng biết tới, gây ra căn bệnh giống như viêm phổi ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Lúc đó họ gọi là bệnh “viêm phổi lạ”.

Nhưng một nghiên cứu công bố ngày 24-1 trên tạp chí The Lancet của các nhà nghiên cứu Trung Quốc và các bác sĩ đang làm việc tại Vũ Hán lại vẽ ra một bức tranh rất khác về những ngày đầu tiên của dịch bệnh. Họ cho rằng chủng virus mới và tình trạng lây lan từ người sang người của bệnh COVID-19 đã bắt đầu xảy ra từ nhiều tuần trước khi giới chức y tế Trung Quốc chính thức báo cáo về dịch này.

Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã xem xét các biểu đồ lâm sàng, hồ sơ bệnh án do y tá ghi lại, kết quả phòng thí nghiệm và hình chụp X-quang phần ngực của 41 người bệnh COVID-19 đầu tiên. Bên cạnh một số điều khác, nhóm nghiên cứu công bố phát hiện chấn động: ca đầu tiên nhiễm virus corona chủng mới thậm chí không liên quan tới chợ hải sản Hoa Nam mà người ta cho rằng là “ổ dịch” đầu tiên.

Cũng từ nghiên cứu trên 41 người bệnh này, nghiên cứu khoa học đăng trên The Lancet cho biết vào thời điểm Trung Quốc bắt đầu báo động với thế giới về dịch COVID-19 (ngày 31-12), đã có rất nhiều ca nhiễm bệnh này không hề liên quan tới chợ hải sản đầu mối.

Cụ thể hơn, tính đến ngày 2-1-2020, hai ngày sau báo cáo đầu tiên của Trung Quốc về dịch COVID-19, có 27/41 người bệnh đầu tiên từng tiếp xúc với chợ này, nhưng hơn 1/3 người bệnh còn lại thì không.

Ly kỳ hơn nữa khi “bệnh nhân số 0” (được xác định đã phát tán bệnh COVID-19) cũng là người chưa từng có tiếp xúc với chợ Hoa Nam. Người này đổ bệnh ngày 1-12, tức là gần 2 tuần trước khi giới chức y tế đề cập tới ca bệnh đầu tiên.

Nghiên cứu trên The Lancet viết: “Không có mối liên hệ dịch tễ nào giữa người bệnh đầu tiên và những người bệnh sau đó”. Như vậy, không chỉ một số lượng đáng kể ca bệnh COVID-19 ban đầu không có liên quan tới chợ hải sản, mà ngay cả người bệnh đầu tiên cũng không dính dáng cái chợ này. Và tới nay, không ai biết vì sao người này nhiễm bệnh.

Tất cả những thông tin nghiên cứu khoa học này, của chính các chuyên gia và bác sĩ Trung Quốc, cho thấy việc lây lan dịch bệnh COVID-19 rất có thể đã xảy ra từ trước đó nhiều tháng, có thể từ tháng 10-2019 như quan điểm của ông Daniel Lucey, bác sĩ chuyên về bệnh truyền nhiễm và là phó giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm y khoa ĐH Georgetown (Mỹ).

Nó cũng cho thấy rất có thể đã có rất nhiều nơi trong chuỗi cung cấp thức ăn mà những người bệnh đầu tiên đã tiếp xúc với chủng virus mới.

“Có hai khả năng nếu họ không bị nhiễm bệnh tại chợ: Họ lây bệnh từ một con vật mang chủng virus này ở một chợ khác hay ở một nơi khác có con vật mang mầm bệnh. Thứ hai, họ bị lây bệnh từ người khác, và như vậy đã có sự lây nhiễm từ người sang người”, ông Daniel Lucey nhận định với tạp chí Vox (Mỹ).

Vũ Hán một tháng phong thành: COVID-19 đã bùng phát như thế nào? - Ảnh 2.

Mặt tiền khu chợ đầu mối hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán đã bị đóng cửa sau khi phát hiện các ca bệnh COVID-19 đầu tiên – Ảnh: GETTY IMAGES

Dịch lan quá nhanh

Theo các nhà nghiên cứu, thời điểm sớm nhất mà giới nghiên cứu có được bằng chứng trực tiếp về sự lây nhiễm virus corona chủng mới từ người sang người là ngày 2-1.

Cũng theo báo cáo nghiên cứu đăng trên The Lancet, người bệnh đầu tiên chết vì COVID-19 (và là người đã có tiếp xúc với chợ hải sản) đã truyền bệnh cho vợ ông này vì bà không có bất cứ lịch sử đi lại nào tới khu chợ đó.

Đây là dấu hiệu ban đầu cho thấy ít nhất virus corona chủng mới (sau đó được đặt tên là SARS-CoV-2) có khả năng lây bệnh từ người sang người. Bởi vẫn còn có khả năng khác là người vợ xử lý thịt động vật bị nhiễm bệnh mà chồng bà mang từ chợ về (nếu có).

Tuy nhiên tới ngày 10-1-2020, một gia đình khác cũng đã được xác định nhiễm virus corona chủng mới. Thông tin này được công bố trong nghiên cứu thứ hai đăng trên The Lancet, cũng vào ngày 24-1, và chỉ tập trung vào một gia đình ở Thâm Quyến.

Cả 5 thành viên trong gia đình này vừa tới thăm Vũ Hán và nhiễm bệnh, một người họ hàng của họ cũng nhiễm bệnh dù chưa từng tới Vũ Hán. Đáng chú ý hơn khi không ai trong số những người này từng đến chợ hải sản.

Có một điều rất đáng chú ý, chưa bao giờ công tác nghiên cứu tìm ra mầm bệnh đã được tiến hành nhanh đến vậy ở Trung Quốc.

Chỉ hai tuần sau khi báo cáo những ca “bệnh lạ” đầu tiên tại Vũ Hán, các nhà khoa học Trung Quốc đã mau chóng xác định được chủng virus mới này thuộc họ virus corona, một họ virus có nhiều chủng thường gây các bệnh ở hệ hô hấp như viêm phổi, cảm lạnh. Có tới 7 chủng virus corona đã được biết tới, nếu tính thêm cả loại mới nhất này.

Các nhà khoa học Trung Quốc cũng đã cô lập thành công virus và công bố kết quả giải trình tự gen của virus corona chủng mới gây bệnh “viêm phổi lạ” theo cách gọi dịch bệnh thời điểm ấy.

Nhưng đó cũng là lúc chủng virus corona mới này lây lan rất nhanh khắp thành phố Vũ Hán và vượt qua địa phận thành phố này sang các thành phố khác của tỉnh Hồ Bắc.

Sau nhiều trù trừ, cân nhắc, đến ngày 30-1, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) quyết định tuyên bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona gây ra (sau này được đặt tên chính thức là dịch COVID-19) là “vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu”.

Mặc dù còn nhiều lo ngại, nhưng sau một tháng diễn ra dịch bệnh, từ việc xâu chuỗi những thông tin thực tiễn và khoa học có được, giới chuyên gia y tế toàn cầu có những điều cảm thấy được trấn an về dịch bệnh COVID-19. Và về tổng thể, đại đa số người bệnh (80%) không rơi vào tình trạng sức khỏe nghiêm trọng tới mức đáng lo ngại.

Vũ Hán một tháng phong thành: COVID-19 đã bùng phát như thế nào? - Ảnh 3.

Các chuyên gia phỏng đoán loài tê tê là vật chủ truyền bệnh trung gian từ dơi sang người trong dịch COVID-19 – Ảnh: AFP

Dịch phát xuất từ dơi, rắn hay tê tê?

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) của Mỹ, những ca “bệnh lạ” đầu tiên được ghi nhận có liên quan tới chợ hải sản đầu mối Hoa Nam ở thành phố Vũ Hán.

Những dạng thức lây nhiễm vẫn thường xảy ra khi có những tiếp xúc gần giữa người và vật, nhất là tại những khu chợ bán thịt động vật gồm cả vật còn sống lẫn thịt giết mổ. Ví như virus Ebola lây nhiễm từ dơi và những con linh trưởng không phải người, virus MERS lây từ lạc đà, SARS lây từ cầy hương.

Bất kể việc chợ hải sản ở Vũ Hán được đóng cửa từ ngày 1-1-2020 để hạn chế lây lan dịch bệnh, số ca nhiễm COVID-19 vẫn tiếp tục tăng. Đó là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy dịch đã lây nhiễm từ người sang người.

Việc tìm ra vật chủ đầu tiên chứa virus corona chủng mới vẫn còn nóng hổi bởi nó có ý nghĩa rất lớn cho công tác phòng dịch về sau. Hàng loạt nghiên cứu truy lùng vật chủ của virus corona chủng mới đã tiến hành và công bố thời gian qua.

Tuy nhiên vì chợ hải sản đầu mối Hoa Nam sau khi bị đóng cửa đã được tẩy trùng nên công tác truy lùng càng khó khăn hơn.

Trong một bài báo khoa học đăng ngày 22-1 trên trang Onlinelibrary.wiley.com, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra những điểm tương đồng về gen giữa chủng virus corona mới và một chủng virus corona tìm thấy trong loài rắn (gồm rắn cặp nong và rắn hổ mang bành).

Tuy nhiên một điều cần phải lưu ý đây là nội dung công bố của báo cáo khoa học trước khi in và vẫn chưa có sự đánh giá, thẩm định của người trong giới chuyên môn.

Thêm nữa, vẫn còn nhiều nhà khoa học bày tỏ ngờ vực về khả năng chủng virus có thể lây từ một loài vật máu lạnh (rắn) sang loài vật máu nóng (người). Do đó cho tới nay, giả thuyết cho rằng rắn là vật chủ đầu tiên mang mầm bệnh virus corona chủng mới vẫn chỉ là giả thuyết.

Sau báo cáo khoa học nêu giả thuyết vật chủ là rắn bị tranh cãi, ngờ vực, giới khoa học Trung Quốc cho rằng loài tê tê mới có thể là “phần kết nối bị bỏ sót” giữa dơi và người trong quá trình lây nhiễm virus corona chủng mới.

Sau khi kiểm tra hơn 1.000 mẫu từ các loài vật hoang dã, các nhà khoa học thuộc ĐH Nông nghiệp nam Trung Quốc nhận thấy các chuỗi gen của virus trong tê tê giống tới 99% virus corona chủng mới tìm thấy trong người bệnh bị COVID-19.

Kết quả nghiên cứu này của các nhà khoa học Trung Quốc ít nhiều có sự cộng hưởng với nhận định của ông Arnaud Fontanet thuộc Viện Pasteur của Pháp khi cho rằng bệnh COVID-19 đã không lây thẳng từ dơi sang người.

Chúng tôi nghĩ đã có một loài vật trung gian”

Arnaud Fontanet (chuyên gia thuộc Viện Pasteur của Pháp)

Cũng đã nhiều nghiên cứu chỉ ra các loài virus sinh ra từ dơi không đủ điều kiện để tồn tại trên các thụ thể tế bào của con người, song vẫn chưa ai biết “phần kết nối ở giữa” đó là vật nào. Chuyên gia Fontanet tin vật chủ trung gian “có thể là một loài động vật có vú”, có thể thuộc họ lửng.

Tuy nhiên nhà sinh thái học kiêm chủ tịch của tổ chức phi chính phủ EcoHealth Alliance, ông Peter Daszak, bác bỏ giả thuyết nói loài tê tê đang bị đe dọa ở Trung Quốc có thể là vật chủ trung gian truyền bệnh giữa người và dơi.

Ông cho rằng cũng hiếm khi tìm thấy loài vật này trong các chợ bán động vật hoang dã. Loài vật này thường bị giết để lấy vảy làm thuốc và theo ông, những cái vảy chết đã được lấy ra từ một con vật chắc chắn không làm lây lan virus.

Cũng theo ông Daszak, vì là một chủng trong họ virus corona nên chủng mới cũng đã lây từ vật sang người. Những chủng virus corona thường bắt đầu từ dơi, nhưng có thể chúng còn lây lan qua nhiều vật chủ khác trước khi lây sang người.

Ông Daszak và các nhà nghiên cứu khác đã tìm ra hơn 500 chủng virus corona mới ở loài dơi trong 10 năm qua. Nhưng theo ông, người ta hiếm khi tìm thấy các loài dơi trong những khu chợ bán động vật hoang dã giống như khu chợ hải sản đầu mối Hoa Nam ở Vũ Hán.

Ông Daszak cho rằng sẽ cần thêm những nghiên cứu để có thể chỉ ra chính xác “đường đi” của mầm bệnh đã gây ra dịch COVID-19 như hiện nay.

Có nguy cơ thực tế và rõ ràng từ sự tiếp xúc của chúng ta với động vật hoang dã. Và nếu sự tiếp xúc đó mở rộng và nhất là thông qua việc buôn bán động vật hoang dã, chắc chắn nó sẽ đẩy chúng ta vào những nguy cơ đối mặt với các dịch bệnh như thế này”

Ông Peter Daszak (nhà sinh thái học kiêm chủ tịch của tổ chức phi chính phủ EcoHealth Alliance)

Vũ Hán một tháng phong thành: COVID-19 đã bùng phát như thế nào? - Ảnh 6.

Ông Tom Cotton, thượng nghị sĩ Cộng hòa, người đã nhắc đi nhắc lại thuyết âm mưu nói dịch COVID-19 là do Trung Quốc tạo ra – Ảnh: REUTERS

Nở rộ thuyết âm mưu

Khi khoa học chưa đủ bằng chứng thuyết phục về dịch bệnh, không lạ khi trong dư luận bắt đầu rộ lên những đồn đoán, thuyết âm mưu về nguồn gốc phát sinh mầm bệnh.

Chỉ có điều bất ngờ khi trong dịch bệnh COVID-19, người chủ xướng thuyết âm mưu không phải một tay vô danh tiểu tốt nào đó, mà lại là một thượng nghị sĩ Mỹ, ông Tom Cotton, thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Arkansas.

Và càng bất ngờ hơn khi cựu trưởng chiến lược gia của ông Trump, ông Stephen K. Bannon, cũng tiếp tay “lan tỏa” thông tin không có bằng chứng và căn cứ khoa học này.

Cụ thể, phát biểu trên đài Fox News, ông Tom Cotton đưa ra khả năng chủng virus corona mới bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm hóa sinh có độ an toàn sinh học cấp 4 tại thành phố Vũ Hán, mặc dù chính trong phát biểu ông cũng đã thừa nhận: “Chúng tôi không có chứng cứ về việc dịch bệnh này bắt nguồn từ đó”.

Mặc dù sau đó, theo báo New York Times, ông Cotton đã rút lại ý tưởng nói virus corona chủng mới là một loại vũ khí sinh học của Trung Quốc bị “rò rỉ” ra ngoài, song thuyết âm mưu này nhanh chóng được “thổi lửa” bởi những người không ưa Trung Quốc tại Mỹ.

Trên thực tế đúng là tại Vũ Hán Trung Quốc có một phòng thí nghiệm áp dụng chuẩn an toàn sinh học rất cao. Cũng bởi thế mà những thuyết âm mưu cho rằng chủng virus corona mới là một loại vũ khí sinh học càng “có cơ sở thực tế” để nở rộ.

Trong bối cảnh đó, một loạt các hãng tin tức quốc tế như các tờ báo lá cải The Daily Mail, The Washington Times cũng đã đăng các nội dung đề cập tới giả thuyết cho rằng virus mới từng được phát triển trong một chương trình chiến tranh sinh học của Trung Quốc.

Không đưa tin giống các tờ này, song đài Fox News chọn cách nói “ẩn dụ” khi công bố bài báo ám chỉ có mối liên hệ nào đó giữa cuốn tiểu thuyết The Eyes of Darkness của tiểu thuyết gia Dean Koontz viết năm 1981 và dịch COVID-19, cho rằng cuốn sách “đã dự đoán trước dịch bệnh”. Cuốn tiểu thuyết kể về một phòng thí nghiệm quân sự của Trung Quốc đã tạo ra một loại vũ khí sinh học.

Bất kể việc các nhà khoa học đã bác bỏ những giả thuyết cho rằng Chính phủ Trung Quốc đứng sau dịch bệnh COVID-19, song nó vẫn là câu chuyện gây nhiều chú ý với những người vốn mang sẵn ác cảm với Trung Quốc, coi Trung Quốc như một nguy cơ.

Mặc dù vẫn còn nhiều điều giới khoa học chưa tường tận về chủng virus corona mới song nhìn chung giới khoa học đều bác bỏ ý tưởng nói mầm bệnh này do con người tạo ra.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu về chủng virus corona mới đều nói nó rất giống với SARS và các chủng virus khác có nguồn gốc từ dơi.

Và mặc dù có thể lây lan qua tiếp xúc, nhưng cho tới nay căn bệnh COVID-19 vẫn chỉ mới đe dọa tính mạng của những người lớn tuổi mang sẵn các bệnh kinh niên. Thực tế này cho thấy nó không gây hiệu quả theo cách tác động của một loại vũ khí sinh học thông thường. Nói cách khác, nó không phải là một loại vũ khí sinh học.

Ông David Heymann, giáo sư tại Trường Vệ sinh và Y học nhiệt đới London (Anh), một chuyên gia từng nghiên cứu về dịch SARS, bày tỏ quan điểm: “Nếu bạn còn nhớ câu chuyện về đại dịch AIDS, cũng đã có rất nhiều giả thuyết ban đầu về nguồn gốc và nguyên nhân gây bệnh trong lúc các ca nhiễm mới vẫn tiếp tục xuất hiện.

Giống như một trò ghép hình, cần phải tập hợp mọi mảnh ghép thông tin lại với nhau để hiểu rõ căn bệnh xuất phát từ đâu, nhưng mục tiêu quan trọng bây giờ là phải ngăn chặn không cho nó tiếp tục lan rộng”.

Vũ Hán một tháng phong thành: COVID-19 đã bùng phát như thế nào? - Ảnh 7.

Lối đi bị chặn bằng rào chắn, xe đạp ở Vũ Hán, Hồ Bắc trong ngày 20-2-2020 – Ảnh: REUTERS

D. KIM THOA tổng hợp
TTO