24/12/2024

Tận dụng cơ hội từ COVID-19

Tận dụng cơ hội từ COVID-19

Khi COVID-19 ập tới, thiệt hại với nhiều ngành nhưng trong đó cần nhìn nhận vẫn có cơ hội để một số ngành, lĩnh vực vươn lên, giúp giảm thiệt hại chung.

 

Tận dụng cơ hội từ COVID-19 - Ảnh 1.

Những người trẻ ở startup Tanca đang tận dụng nhu cầu tăng để thúc đẩy sản phẩm của mình – Ảnh: V.Q.

Trước tết, cuộc gặp với khách hàng của chúng tôi là những kế hoạch tăng trưởng của năm 2020 đầy hứa hẹn. Nhưng chỉ sau kỳ nghỉ tết 10 ngày, cuộc nói chuyện đã quay ngoắt 180 độ, chủ đề là làm sao để tồn tại trong 6 tháng tới.

4 bài toán khó của doanh nghiệp

Nhiều khách hàng của chúng tôi kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm và giải khát (F&B), du lịch, sản xuất… bị ảnh hưởng nặng nề trong khi những tin tức về COVID-19 vẫn đem lại nhiều lo ngại cho người dân. Những kịch bản tệ nhất đã được đem ra bàn thảo để tìm ra cách giải quyết, nhưng nhìn chung vẫn là tương lai bất định. Dự đoán nền kinh tế thế giới có thể mất đến 3.000 tỉ USD và nguy cơ của một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đang nhòm ngó.

Việt Nam có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc và sẽ là 1 trong 4 quốc gia Đông Nam Á bị tác động tiêu cực lớn từ quan hệ thương mại này. Trong cùng một lúc các doanh nghiệp Việt sẽ cần giải quyết gấp 4 bài toán: chống dịch tuyệt đối để giữ an toàn cho nhân viên cũng như sự sống còn của doanh nghiệp; sụt giảm nhu cầu nhanh chóng của khách hàng; thiếu hụt nguồn cung cấp; dòng tiền bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

trần viết quân 2(read-only)

Anh Trần Viết Quân

Nếu như các doanh nghiệp đã có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực kinh doanh của mình sẽ phải chật vật xử lý thì với các startup có thể ví như một cơn bão lớn khủng khiếp.

Sức mạnh của cơn bão này có thể càn quét cả những công ty khởi nghiệp lâu năm, chứ không chỉ những công ty khởi nghiệp non trẻ. Sự thất bại của WeWork, Uber trong năm 2019 đã khiến các quỹ đầu tư thận trọng hơn khi rót vốn vào các công ty “đốt tiền” để mua thị trường mà chưa chứng minh được mô hình kinh doanh hiệu quả.

Có lẽ năm 2020 là năm các nhà đầu tư tại Việt Nam sẽ rất thận trọng. Các quỹ đầu tư chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm từ nhiều thị trường.

Sẽ khó đạt được 100.000 doanh nghiệp công nghệ số trong 5 năm theo định hướng của Bộ Thông tin và truyền thông nếu không có sự hỗ trợ quyết liệt của Chính phủ trong giai đoạn này.

Trần Viết Quân

Cần chính sách hỗ trợ

Trong khi các thách thức đang lớn hơn, chúng tôi tin rằng cơ hội cũng đang mở ra cho những công ty công nghệ khởi nghiệp sáng tạo với những giải pháp hiệu quả để cung cấp cho khách hàng. Những nỗ lực vượt bậc của các công ty công nghệ thường sẽ mang đến một kết quả tích cực sau những “cơn bão” lớn.

Trong thời kỳ đại suy thoái 2007-2008, hàng ngàn công ty công nghệ trên toàn cầu đã bị loại bỏ, nhưng cũng chính cuộc đại suy thoái đó đã tạo ra những công ty công nghệ hùng mạnh.

Các công ty sở hữu công nghệ đột phá và có sức cạnh tranh mạnh mẽ tiếp tục tồn tại như Facebook, Apple… đã tận dụng thời kỳ bùng nổ của điện thoại thông minh sau đó để trở thành các công ty công nghệ thống lĩnh toàn cầu. Việt Nam không phải không thể có khả năng tận dụng, nhưng cần nhiều hành động đồng bộ.

Thực tế, nhiều chính sách và các hỗ trợ vẫn chưa thực sự đi vào “đời sống” đối với startup. Ví dụ như chính sách hỗ trợ miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, thuế môn bài… cho startup công nghệ vẫn chưa được rõ ràng. Các startup Việt vẫn hướng đến việc khởi nghiệp tại quốc gia khác như Singapore để tận dụng sự hỗ trợ nhiều hơn.

Vẫn thiếu hành lang pháp lý, các chính sách nhằm hỗ trợ startup nhanh chóng nhận nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài… Các hoạt động nhằm thúc đẩy kết nối thương mại, kết nối đầu tư cho startup thực tế vẫn chưa hiệu quả và không nhiều startup có thể nhận được những hỗ trợ thiết thực từ các hoạt động này.

Chúng tôi nghĩ rằng sẽ khó đạt được 100.000 doanh nghiệp công nghệ số trong 5 năm theo định hướng của Bộ Thông tin và truyền thông nếu không có sự hỗ trợ quyết liệt của Chính phủ trong giai đoạn này.

Một số nhu cầu công nghệ tăng

Cơn bão nào rồi cũng sẽ qua, những cây non có thể mọc trên những cây già đã đổ. Những công ty công nghệ như chúng tôi tin rằng 2 yếu tố sẽ giúp chúng tôi có thể vượt qua “cơn bão” hiện nay là: tập trung vào nội lực của mình và tăng cường cung cấp những giá trị vượt bậc cho khách hàng.

Nội lực của startup là khả năng linh hoạt trong thay đổi cách thức vận hành, tăng cường nghiên cứu và sáng tạo để xây dựng những giải pháp khác biệt có giá trị vượt trội. Và thực tế trong khi COVID-19 diễn ra, khi nhiều ngành gặp khó thì nhu cầu với nhiều sản phẩm công nghệ, giải pháp mới lại tăng.

Chẳng hạn với dịch vụ quản lý nhân sự di động Tanca, doanh nghiệp đã tập trung vào những nhu cầu mà trước đây thị trường chưa ai cung cấp như giải pháp chấm công qua điện thoại để thay thế máy chấm công vân tay vốn đang có rủi ro trong việc bảo đảm an toàn trước cúm COVID-19.

Giải pháp chấm công qua camera quan sát và nhận diện khuôn mặt bằng trí tuệ nhân tạo cũng sắp ra mắt để tự động hóa hoạt động chấm công của nhân viên. Nhiều doanh nghiệp cũng đang tích cực nghiên cứu những công nghệ phân tích dữ liệu doanh nghiệp để giúp các khách hàng hiểu rõ về hoạt động quản lý con người và giúp các khách hàng chuyển đổi số hiệu quả.

Tuy nhiên, việc tăng cường hỗ trợ về chính sách và kết nối thương mại vẫn là hai vấn đề thiết thân đối với startup.

TRẦN VIẾT QUÂN (giám đốc Công ty ứng dụng di động Xanh) – ĐỨC THIỆN ghi
TTO