25/01/2025

Lợi dụng dịch bệnh để lừa đảo

Lợi dụng dịch bệnh để lừa đảo

Phát tán mã độc dựa trên thông tin dịch bệnh, bán thẻ đeo chống dịch hay lừa đảo bán khẩu trang y tế đang rộ lên gần đây.
Dùng giấy ăn để sản xuất khẩu trang y tế, bị quản lý thị trường phát hiện
 /// Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường

Dùng giấy ăn để sản xuất khẩu trang y tế, bị quản lý thị trường phát hiện   Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường

1.001 kiểu lừa

Trong tuần qua, một số ngân hàng (NH) thương mại đã phát đi cảnh báo về việc các đối tượng gửi email hay tin nhắn lừa đảo liên quan đến dịch Covid-19. Cụ thể, NH Hàng hải cho biết các thông tin cập nhật về dịch bệnh và cách phòng tránh dịch Covid-19 do vi rút Corona chủng mới thường xuyên được các NH, tổ chức gửi tới khách hàng thông qua email, tin nhắn hoặc các ứng dụng mạng xã hội.
Một số đối tượng đã lợi dụng hoạt động này để gửi email phát tán mã độc hoặc lừa người dùng cung cấp thông tin bằng email giả mạo. Khi truy cập vào link hoặc đơn giản chỉ click mở email hoặc tin nhắn, thiết bị của người dùng có khả năng cao bị mã độc xâm nhập và đánh cắp thông tin. Trong một vài trường hợp khác, đối tượng yêu cầu người dùng cung cấp thông tin đăng nhập Internet Banking để chiếm đoạt tiền từ tài khoản.
Tương tự, NH Xây dựng Việt Nam cũng thông tin một số kẻ gian đã thừa cơ hội người dân hoang mang trong mùa dịch nên ngụy tạo các thông báo có tiêu đề kêu gọi người dùng nhấp vào đường link để nhận được thông tin mới nhất về danh sách những bệnh nhân bị nghi nhiễm bệnh ở địa phương, dấu hiệu bệnh lý hay cách phòng chống vi rút Corona mới. Nếu người xem mở các bản thông báo đó thì thiết bị có khả năng cao bị mã độc xâm nhập và đánh cắp thông tin tài khoản NH…
Không chỉ các NH lên tiếng cảnh báo, trong tuần qua Công an TP.Hà Nội cũng phát đi thông báo cho biết các đơn vị nghiệp vụ của công an phát hiện việc phát tán mã độc ẩn dưới các tập tài liệu liên quan đến vi rút Corona chủng mới. Các mã độc này cho phép hacker làm hư hại, chỉnh sửa hoặc sao chép dữ liệu, thậm chí can thiệp vào hoạt động của máy tính hoặc mạng máy tính của người dùng. Để tránh trở thành nạn nhân của mã độc này, Công an TP.Hà Nội khuyến cáo người dân tránh truy cập các liên kết nghi vấn liên quan tới vi rút Corona, trừ những thông tin được đăng tải bởi các cơ quan chính thống và từ những nguồn tin đáng tin cậy.
Nhiều kẻ còn lợi dụng mùa dịch bệnh để lừa đảo bán các sản phẩm phòng chống dịch giả mạo. Ngày 19.2, Đội cảnh sát kinh tế Công an Q.Thanh Xuân (TP.Hà Nội) phối hợp với lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra một đối tượng có biểu hiện nghi vấn đang chào bán hàng tại khu vực Trung tâm dược phẩm Hapulico. Qua kiểm tra, lực lượng liên ngành đã phát hiện gần 300 thẻ đeo diệt vi rút do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ, không có kiểm định chất lượng. Đây cũng là sản phẩm đã được nhiều người công khai chào bán trên mạng là có tác dụng phòng chống vi rút Corona chủng mới. Chủ lô hàng khai toàn bộ số thẻ chống vi rút này được nhập lậu và được rao bán trên mạng xã hội với giá 200.000 – 300.000 đồng/sản phẩm. Số thẻ trên được quảng cáo có thể làm sạch không khí xung quanh, ngăn chặn vi khuẩn, vi rút có hại như vi rút Corona chủng mới.
Trong khi đó thông tin từ các cơ quan chức năng của Bộ Y tế cho biết hiện chưa có thông tin chính thức nào từ các nhà khoa học hay chuyên gia phòng bệnh truyền nhiễm, chống dịch của các tổ chức quốc tế về việc đeo thẻ giúp phòng dịch bệnh nói chung hay dịch Covid-19 nói riêng.

Khẩu trang giả, khẩu trang ảo… tung hoành

Hàng loạt trường hợp lừa đảo bán khẩu trang y tế và xù tiền của khách hàng hay sản xuất khẩu trang từ giấy vệ sinh, gel rửa tay giả… đã được phát hiện. Cụ thể chiều 22.2, Công an H.Nghi Lộc (Nghệ An) cho biết vừa bắt giữ Lê Thị Lan Na (19 tuổi, ngụ xã Nghĩa Trung, H.Nghĩa Đàn, Nghệ An) để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Lê Thị Lan Na khai nhận đã lập 3 tài khoản Facebook giả danh để bán giày dép, quần áo, túi xách và khẩu trang y tế giá rẻ qua mạng. Khi khách hàng đặt mua, Na đề nghị chuyển tiền cọc vào nhiều tài khoản khác nhau. Sau khi nhận được tiền đặt cọc, Na chặn tài khoản của bị hại và không chuyển hàng như cam kết. Với thủ đoạn này, Na cùng một số đồng phạm khác đã thực hiện hơn 100 vụ lừa đảo khắp cả nước với tổng số tiền chiếm đoạt hơn 200 triệu đồng.
Tương tự, Lê Thị Liên (ngụ tại H.Triệu Sơn, Thanh Hóa) đã rao bán khẩu trang trên mạng xã hội Facebook qua tài khoản mang tên “Vy Lê” để lừa đảo, chiếm đoạt hơn 600 triệu đồng.
Thậm chí có doanh nghiệp còn sản xuất khẩu trang y tế từ giấy vệ sinh. Đó là trường hợp Công ty TNHH Việt Hàn (xã Minh Cường, H.Thường Tín, Hà Nội), sau khi lực lượng quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra ngày 13.2 đã thu nhiều hộp khẩu trang kháng khuẩn mà lớp vải kháng khuẩn được làm bằng giấy ăn.
Chỉ trước đó 1 ngày, Tổng cục Quản lý thị trường cũng thông tin bắt giữ 143.000 chiếc khẩu trang trị giá hơn 1 tỉ đồng tại Hà Nội và lớp vải sử dụng bên trong là giấy vệ sinh. Chủ lô hàng khai nhận số hàng trên được mua gom trôi nổi trên thị trường qua Facebook để bán lại với giá cắt cổ..
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo an ninh mạng Athena cho biết, theo ghi nhận của đơn vị này, hiện những kẻ lừa đảo chủ yếu tập trung phát tán mã độc liên quan mùa dịch bệnh Covid-19 vào những tài khoản Facebook nổi tiếng, những lãnh đạo của nhiều công ty, tập đoàn. Những người này dù có nhiều kinh nghiệm nhưng vẫn bị sập bẫy vì ai cũng có nỗi lo về vi rút Corona chủng mới nên thường xuyên đọc các thông tin có liên quan. Đã có công ty bị mất cắp dữ liệu lớn nên bị yêu cầu tiền chuộc lên cả hàng ngàn USD; hay có gia đình một người nổi tiếng cũng rơi vào trường hợp tương tự. Nhưng sau khi chuyển tiền thì kẻ lừa đảo đã biến mất.
Hiện nay, mã độc không chỉ ẩn chứa trong các tập tin đính kèm mà có thể tồn tại trong cả file dạng Excel, văn bản thông thường. Vì vậy, ngoài việc luôn có ý thức đề phòng thì các tổ chức và người dùng cá nhân phải cài đặt vào máy tính các chương trình diệt vi rút, quét mã độc và sử dụng trước khi mở bất kỳ văn bản gì.
Ông Võ Đỗ Thắng
MAI PHƯƠNG
TNO